Đường dẫn truy cập

Thách thức của Việt Nam khi gia nhập WTO


Tại Việt Nam, hôm nay dư luận đã tỏ ra phấn khởi về tin Việt Nam cuối cùng đã được chấp thuận để gia nhập WTO, tức Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong những nhân vật đã nhanh chóng lên tiếng ca ngợi những quyền lợi mà tư cách thành viên WTO có thể mang lại cho Việt Nam. Nói ngắn gọn, đó là quyền được tiếp cận toàn bộ các thị trường nước ngoài, là những thị trường có thể mang về nhiều lợi lộc. Tuy nhiên theo tường trình của Trưởng Ban Việt Ngữ đài VOA Michael Mathes từ Hà Nội thì những quyền lợi ấy không mấy rõ rệt đối với tất cả mọi người:

Cô Hồng là một thợ may làm việc cho một hãng thêu ở phía Nam Hà Nội, nơi hàng chục phụ nữ trẻ đang gập mình bên những chiếc máy, cặm cụi thêu những khăn bàn, drap và áo gối để xuất khẩu.

Như đa số người dân thành phố, người phụ nữ 29 tuổi này đã biết tin rằng nước Việt Nam Cộng Sản đang gia nhập WTO, nhưng cô Hồng không biết rõ liệu diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của cô như thế nào. Vả lại, cô quá bận rộn với công việc để có thể thảo luận vấn đề này với các đồng nghiệp của mình.

Đối với cô Hồng và hàng chục thợ may khác, công việc của họ là một việc làm toàn thời gian, 6 ngày một tuần, mang lại đồng lương trung bình vào khoảng 910 ngàn đồng mỗi tháng, chỉ cao hơn chút so với lợi tức trung bình tính trên đầu người của Việt Nam.

Nhằm tìm cách đưa nhân dân Việt Nam ra khỏi tình cảnh nghèo khó, từ năm 1990 trở đi, Việt Nam đã đeo đuổi nỗ lực gia nhập WTO, một nỗ lực mà Việt Nam cần đạt được để có thể cạnh tranh với các nền kinh tế nghiêng về lĩnh vực xuất khẩu như Việt Nam, trên một sân chơi bình đẳng.

Theo luật WTO, Việt Nam phải loại trừ một loạt những biện pháp bao cấp công nghiệp, thuế đánh trên hàng nhập khẩu, và những hạn chế đối với các công ty nước ngoài. Để đổi lại, Việt Nam sẽ được tiếp cận toàn bộ các thị trường Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và các thị trường rộng lớn khác ở nước ngoài.

Ông Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế có tiếng tăm, đã từng cố vấn cho giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam trong nhiều năm qua về các vấn đề cải tổ kinh tế. Ông mô tả việc trở thành thành viên WTO là bước cuối cùng trong động tác tách rời hẳn một hệ thống kinh tế chỉ huy từ trung ương. Ông Lê Đăng Doanh nói thêm rằng đây là một hành động không thể đảo ngược được.

Trong bài học ấy, Việt Nam đã chứng kiến giới đầu tư nước ngoài lũ lượt kéo nhau đến Việt Nam, để rồi tháo chạy một cách nhanh chóng trong những năm đầu thập niên 1990, khi họ phát hiện rằng Việt Nam không được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận hàng loạt công ty nước ngoài hoạt động theo những nguyên tắc tư bản.

Ông Lê Đăng Doanh và nhiều nhân vật khác lưu ý rằng Việt Nam ngày nay không còn là một nước đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải e dè như trước đây nữa. Mà bây giờ, Việt Nam đã củng cố pháp quyền, và cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, về vật chất cũng như về tài chánh, để trở thành nền kinh tế phát triển nhanh vào hàng thứ nhì tại Châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã vượt quá 5 tỉ đôla trong 9 tháng đầu của năm 2006, và trị giá hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 2002 đến năm 2005, lên đến hơn 32 tỉ đôla.

Không chỉ riêng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mong đợi môi trường làm ăn sẽ được cải thiện khi Việt Nam gia nhập WTO mà còn có cả các nhà kinh doanh trong nước. Bà Đoàn Thị Hữu Nghị, Phó Giám Đốc Công Ty Hiệp Hưng nói rằng mặc dù bà rất hy vọng doanh thu từ xuất khẩu của công ty Hiệp Hưng sẽ tăng từ 5 triệu đôla mỗi năm lên đến 6 triệu đô la sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng bà Nghi nói rằng chính phủ và các tổ chức quốc tế đã không giải thích rõ ràng để mọi doanh nghiệp hiểu được những thuận lợi và khó khăn một khi bước vào 'sân chơi' của WTO.

Không phải mọi doanh nghiệp của Việt Nam đều được hưởng lợi từ việc cánh cửa nền kinh tế nước này ngày càng mở rộng. Nhiều doanh nghiệp địa phương sẽ bị thua lỗ trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài có hoạt động hiệu quả hơn, nhất là trong các ngành như tài chính và ngân hàng. Giới hữu trách Việt Nam cũng thừa nhận rằng chính phủ đã không thành công trong việc đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, tức là mảng doanh nghiệp mà nhiều người cho là giữ một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, và giảm dần các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả.

Đối với những người lao động như chị Hồng, WTO có thể giúp mang lại các điều kiện ổn định kinh tế tốt hơn, thế nhưng cho đến thời điểm này thì chị vẫn còn phải rất chật vật với cuộc sống hàng ngày và phải làm thêm việc để kiếm sống.

Mời quí vị bấm vào link ở trên để nghe toàn bộ bài tường trình của Michael Mathes từ Hà Nội:


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG