Ngày hôm qua, các nguyên đơn của vụ kiện chất độc màu da cam của Việt Nam và các cựu chiến binh Mỹ đã ra trước phiên toà phúc thẩm để điều trần về vụ kiện đối với 37 công ty sản xuất và cung cấp hóa chất này.
Vụ kiện này đã bị thẩm phán liên bang bác bỏ vào năm 2005, vị thẩm phán này tuyên bố bên nguyên đơn đã không chứng minh được rằng hóa chất này đã gây nên những dị tật di truyền.
Sẽ phải mất nhiều tuần lễ nữa để có được phán quyết cuối cùng của toà phúc thẩm.
Công ty Dow Chemical và Monsanto nằm trong số 37 công ty bị kiện.
Theo bản tin hôm thứ hai của AFP, phiên điều trần hôm thứ hai được khai mạc với phần khai chứng của 16 cựu binh sĩ Hoa Kỳ, và sau đó là tới phần khai chứng của các nạn nhân Việt Nam.
Phía Việt Nam có 4 đại diện bên nguyên, một số người phải ngồi xe lăn, đã từ Việt Nam qua Mỹ để dự phiên tranh tụng, trong đó có một cựu chiến binh Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quý, 52 tuổi, người đã bị ung thư dạ dày và Bà Nguyễn Thị Hồng, 60 tuổi, một cựu y tá quân y đã bị sinh con thiếu tháng và hàng loạt các triệu chứng bệnh khác.
Hàng chục người Mỹ đã ủng hộ bên nguyên tại phiên điều trần, chủ yếu là các cựu chiến binh và phong trào Hoà Bình, những người này đã mang theo những dải ruy băng có hàng chữ “Hãy đem lại công lý cho các Nạn nhân Chất độc Màu da cam Việt Nam”.
Một số người đã tụ tập bên ngoài phiên toà và cầm các biểu ngữ với dòng chữ “các công ty phải trả giá cho tội ác của minh”`.
Ông Fred Wilcox, một người ủng hộ các nạn nhân, người đã theo dõi phiên điều trần và phản đối chiến tranh nhiều thập niên trước đây, nói rằng "tôi thật kinh ngạc là người dân Mỹ có thể phản đối và nói rằng chẳng có lý do gì để phải đền bù cho người Việt Nam và các cựu chiến binh của chúng ta. Làm sao họ có thể sống mà không bị lương tâm cắn rứt."
Chất độc màu da cam là một chất làm rụng lá có chứa dioxin, một loại hoá chất rất độc hại. Chất này đã được xử dụng ồ ạt trong giai đoạn 1961 đến năm 1971 để phá huỷ những cánh rừng là nơi ẩn náu của Việt Cộng.
Hiệp hội các nạn nhân cho rằng hoá chất này có thể gây ung thư, mù loà, khuyết tật về thể chất, dị ứng da, và đã ảnh hưởng tới khoảng 2 đến 4 triệu người.
Chính phủ Hoa kỳ đã bác bỏ trách nhiệm và nói rằng thiếu bằng chứng về tác động của loại hoá chất này. Tuy nhiên vào năm 1984, một số công ty hoá chất Hoa Kỳ đã đồng ý trả 180 triệu đô la trong một vụ khiếu kiện của các cựu chiến binh Hoa Kỳ, nhưng họ vẫn không nhận trách nhiệm về tác hại của thuốc diệt cỏ.
Năm ngoái, một tòa án Nam Triều Tiên đã phán quyết đòi công ty Dow Chemical và Monsanto trả hàng triệu đô la thiệt hại cho hàng ngàn cựu chiến binh Nam Triều Tiên, những người đã tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, và gia đình họ.