Trung Quốc cảnh báo Mỹ về kế hoạch vinh danh Ðức Ðạt Lai Lạt Ma

Chính phủ Trung Quốc cho biết kế hoạch vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng đang sống lưu vong, sẽ 'gây phương hại nghiêm trọng' đến bang giao Mỹ-Trung. Trung Quốc đã rút lui ra khỏi các cuộc đàm phán dự trù bàn về các biện pháp chế tài mới đối với chương trình hạt nhân của Iran. Rõ ràng là để phản đối chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ Bắc Kinh, phái viên Daniel Schearf của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây:

Bộ ngoại giao Trung Quốc đả kích chính phủ Mỹ về các kế hoạch vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi ngài đến thăm thủ đô Washington tuần này.

Tổng thống Bush sẽ gặp nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng tại Tòa Bạch Ốc. Ông cũng sẽ dự một buổi lễ vào ngày mai trong đó Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ nhận một huân chương vàng của Quốc hội – là vinh dự quý giá nhất của Hoa Kỳ dành cho một người dân thường.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nói với các phóng viên rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là một nhà chính trị nguỵ trang và sự vinh danh này là một sự can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc.

Ông Lưu Kiến Siêu nói rằng các hành động của phía Mỹ đã gây phương hại nghiêm trọng đến bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông nói Trung Quốc hy vọng phía Mỹ sẽ xử lý một cách nghiêm túc những gì có liên quan đến Trung Quốc, sửa chữa những sai lầm và bãi bỏ các kế hoạch có liên quan và đình chỉ mọi hình thức can thiệp vào nội bộ Trung Quốc.

Hôm qua, một viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho các phóng viên biết Trung Quốc đã rút ra khỏi một cuộc họp giữa các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và Đức để phản đối chuyến đi thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Nhóm này dự định họp vào ngày mai tại Berlin để thảo luận các đề nghị về các biện pháp chế tài mới đối với Iran vì nước này đã không chịu tuân thủ các nghị quyết của LHQ, đình chỉ các chương trình hạt nhân của họ. Trung Quốc vốn vẫn không muốn ủng hộ các biện pháp chế tài đó.

Ông Lưu Kiến Siêu chỉ nói rằng đặc sứ Trung Quốc sẽ không dự cuộc họp ở Berlin vì các 'lý do kỹ thuật'.

Trung Quốc luôn phản đối bất cứ nước nào Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm.

Chính phủ Bắc Kinh đã hủy bỏ một cuộc đối thoại hàng năm về nhân quyền với Đức sau khi thủ tướng Angela Merkel gặp Đức Lạt mai Lạt ma hồi tháng trước.

Quân đội Trung Quốc đã chiếm đóng Tây Tạng từ thập kỷ 1950, những chính phủ Bắc Kinh vẫn nói rằng lãnh thổ này là một phần của Trung Quốc từ nhiều thế kỷ nay.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sang Ấn Độ sống lưu vong sau một cuộc nổi dậy bất thành năm 1959 chống lại chế độ cai trị khắt khe của Cộng sản.

Bắc Kinh coi khôi nguyên giải Nobel Hòa bình này là một mối đe dọa cho sự cai trị của họ tại Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma ủng hộ việc dành cho vùng này quyền tự trị chính trị lớn hơn nhưng không đòi độc lập.

Đức Đạt Lai Lạt Ma được nhiều người dân Tây Tạng ủng hộ trong tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần, mặc dù Bắc Kinh luôn tìm cách hạ uy tín của ông và kiểm soát gắt gao vấn đề tôn giáo tại Tây Tạng.