Sự trợ giúp bắt đầu được đưa đến Bắc Triều Tiên trong cảnh đói. Một
chiếc tàu chở hàng chục ngàn tấn mễ cốc từ Hoa Kỳ đã đến một bến cảng
Bắc Triều Tiên. Đây là diễn tiến xảy ra sau khi Bình Nhưỡng thỏa thuận
với Chương trình Lương thực Thế giới cho phép họ mở rộng tầm hoạt động
tại Bắc Triều Tiên. Phái viên Kurt Achin của đài VOA tường thuật sự
việc như sau.
Chiếc tàu Hoa Kỳ chở 37,000 tấn lúa mì đã cập bến cảng Nampo của Bắc Triều
Tiên ngày hôm qua. Đây là phần đầu trong nửa triệu tấn lương thực viện
trợ mà Hoa Kỳ đã hứa cho quốc gia Bắc bán đảo Triều Tiên nghèo khó này.
Hai hôm trước đó, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc
đã ký kết một thỏa ước mới với Bình Nhưỡng nhằm gia tăng sự hiện diện
của họ tại Bắc Triều Tiên.
Phát ngôn nhân Paul Risley của Văn
phòng châu Á của Chương trình Lương thực Thế giới, cho biết thỏa thuận
này là một tin tốt lành cho số dân suy dinh dưỡng của Bắc Triều Tiên.
Ông
Risley nói: "Thỏa ước mới cho phép chúng tôi tăng thêm nhân viên, tăng
thêm lượng lương thực đưa vào, và thay vì chỉ có thể nuôi ăn khoảng 1
triệu người như hiện nay, chúng tôi sẽ có thể cung cấp lương thực cho
khoảng 5 triệu người được ước lượng là đói ăn".
Bắc Triều Tiên
đã từng chịu cảnh thiếu lương thực nhiều thập niên qua, do tình trạng
tự cô lập về kinh tế và quản lý tài nguyên sai lầm. Tình trạng khó khăn
lên đến cực điểm vào giữa thập niên 90, là lúc người ta cho rằng có tới
1 triệu người Bắc Triều Tiên đã chết vì nạn đói. Trận lụt năm ngoái còn
bị làm cho tệ hại hơn do núi đồi bị dọn sạch bởi dân chúng tìm thức ăn
và củi đun, đã tác hại nghiêm trọng đến vụ mùa thu hoạch năm nay.
Thỏa
ước ký hôm thứ Sáu cho phép Chương trình Lương thực Thế giới của Liên
Hiệp Quốc tăng từ 10 nhân viên lên thành 50 người vào năm tới. Thỏa
thuận này cũng cho phép các toán phân phát lương thực được đến những
vùng mà trước đây họ vẫn bị cấm.Theo ông Risley thì những lúc tuyệt
vọng như vậy đã giúp thuyết phục Bắc Triều Tiên ra khỏi sự ẩn dật
thường lệ của họ.
Ông Risley nói: "Chính phủ Cộng hòa Nhân dân
Bắc Triều Tiên ngày càng nhận thức rõ, và càng cởi mở hơn, về một sự
hiện diện rộng rãi hơn của quốc tế…đặc biệt là trong việc trợ giúp
lương thực".
Phát ngôn nhân Risley nói thêm rằng chuyến hàng của
Hoa Kỳ đến hôm Chủ nhật là một phần nằm trong thỏa hiệp của Chương
trình Lương thực Thế giới với Bắc Triều Tiên.
Ông Risley nói:
"Hoa Kỳ đã tỏ ra lưỡng lự trong việc cung cấp đợt lương thực đầu tiên
của họ, cho đến khi có một thỏa ước giữa Chương trình Lương thực Thế
giới và Chính phủ Bắc Triều Tiên".
Chủ trương của Chương trình
Lương thực Thế giới là chỉ phân phát lương thực ở những khu vực mà họ
có thể giám sát để bảo đảm là lương thực được đến tay những người cần
nhất.
Trước đây, Washington đã từng bày tỏ quan ngại rằng
những sự viện trợ không được giám sát sẽ bị rơi vào tay quân đội Bắc
Triều Tiên và quan chức cao cấp.Nam Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa gởi
lương thực sang giúp Bắc Triều Tiên, nhưng điều đó có thể thay đổi khi
cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân có tiến triển.
Cho dù là
không gởi lương thực đi nữa, Nam Triều Tiên vẫn trợ giúp miền Bắc trong
cuộc khủng hoảng hiện nay. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết
Nam Triều Tiên đóng góp phần lớn chi phí hoạt động của chương trình tại
miền Bắc bán đảo.