Mỹ cử đặc sứ đến Bắc Triều Tiên cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

Hoa Kỳ cử một nhà ngoại giao cao cấp đến Bắc Triều Tiên trong tuần này để tìm cách cứu vãn thỏa thuận 6 bên đang có nguy cơ bị đổ vỡ. Theo thỏa thuận này, Bắc Triều Tiên đồng ý bãi bỏ chương trình hạt nhân. Từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Thông tín viên đài VOA David Gollust tường thuật rằng trong chuyến công tác này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, ông Christopher Hill, trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ về vấn hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng sẽ đến thăm Nam Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản.

Việc cử đặc sứ Christopher Hill đi công tác trong vùng cho thấy rõ Hoa Kỳ rất quan tâm đến thỏa thuận 6 bên, dường như bị đổ vỡ trong bối cảnh Bắc Triều Tiên đang thực hiện các bước đảo ngược tiến trình giải giới hạt nhân của họ.

Bắc Triều Tiên đã trục xuất các quan sát viên quốc tế đang có mặt tại khu lò phản ứng hạt nhân Yongbyon - cơ sở đã được vô hiệu hóa một phần hoạt động - và tiến hành các bước phục hoạt cơ sở này, trong khi đang có tranh chấp về việc kiểm chứng hồ sơ khai báo chương trình hạt nhân mà Bắc Triều Tiên đã trao hồi tháng 6.

Bình Nhưỡng cáo buộc Hoa Kỳ không giữ lời hứa xóa tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố sau khi họ đã trao bản khai báo, tuy nhiên các quan chức Mỹ nói rằng việc xóa tên còn tùy thuộc vào việc Bắc Triều Tiên đệ nạp một kế hoạch kiểm chứng có thể chấp nhận được.

Bộ Ngoại Giao cho biết đặc sứ Hill, sau khi đã tham khảo ý kiến về vấn đề hạt nhân bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, sẽ đến thủ đô Hán Thành của Nam Triều Tiên vào tối thứ ba, và sau đó sẽ tiếp tục chuyến công tác đến Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và Tokyo.

Người phó phát ngôn của Bộ Ngoại Giao, ông Robert Wood nói rằng ông Hill sẽ tìm hiểu rõ ràng tại sao Bắc Triều Tiên đi ngược lại với chuyện thực thi hiệp định, theo đó Bình Nhưỡng sẽ nhận được viện trợ và các lợi ích ngoại giao từ các nước tham gia đàm phán để đổi lấy việc bãi bỏ chương trình hạt nhân của họ, kể cả võ khí hạt nhân.

Người ta hiểu rằng chính phủ Cộng sản đầy bí mật này miễn cưỡng chấp nhận việc cho quan sát viên vào nước họ để kiểm chứng thấu đáo, và một số các nhà phân tích cho hay việc kiểm chứng theo như Hoa Kỳ định nghĩa đặc biệt nghiêm ngặt.

Tuy nhiên ông Wood nói rằng vào tháng 7 tất cả các bên tham gia đàm phán kể cả Bắc Triều Tiên đã đồng ý trên nguyên tắc về sự cần thiết phải có kế hoạch kiểm chứng . Ông nói rằng Bắc Triều Tiên đã trao hàng ngàn tài liệu về chương trình hạt nhân của họ, và 5 nước còn lại trong cuộc thảo luận không đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải chịu các biện pháp kiểm tra không hợp lý.

Người Phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao Robert Wood nói: “Chúng tôi đang nói về về một chương trình kiểm chứng toàn bộ theo đúng chuẩn. Đây không phải là điều khó khăn. Kiểm chứng các hoạt động có thể đã được thực hiện không có gì là bất thường. Vì vậy Bắc Triều Tiên không thể nghĩ rằng, sau khi họ đã đệ nạp hơn 19 ngàn trang tài liệu, rõ rệt là chúng tôi, các bên đã ký vào thỏa thuận khung, lại cần kiểm chứng tài liệu họ khai báo. Và vì vậy, ông Chris Hill sẽ đi công tác trong vùng để tìm cách khuyến khích Bắc Triều Tiên tôn trọng các nghĩa vụ họ đã ký kết.

Ông Wood từ chối thảo luận về thông điệp mà ông Hill sẽ mang đến Bình Nhưỡng cũng như các bên khác tham gia các cuộc đàm phán, tuy nhiên ông Wood nói rằng hiển nhiên là ông Hill đi công tác các nước trong vùng với một số ý kiến làm thế nào thúc đẩy tiến trình giải giới này.

Đồng thời, một nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ đã gạt bỏ ngụ ý cho rằng ông Hill sẵn sàng đề nghị các điều kiện kiểm tra ít nghiêm nhặt hơn. Ông nói rằng các biện pháp kiểm chứng mà các nước mưu tìm đối với Bắc Triều Tiên cũng giống như những biện pháp kiểm chứng mà Libya chấp nhận khi nước này từ bỏ chương trình phát triển võ khi giết người hàng loạt hồi năm 2003.

Viên chức này nói rằng ông Hill sẽ tìm hiểu lý do tại sao trong mấy tuần gần đây thái độ của Bắc Triều Tiên trở nên khó khăn như vậy.

Vẫn có những gợi ý cho rằng có lẽ Bình Nhưỡng muốn ngưng tiến trình này cho đến khi thay đổi chính quyền ở Mỹ. Tuy nhiên nhà ngoại giao này nói rằng Bình Nhưỡng đang có một đề nghị rất hậu hĩnh trước mắt và chớ nên tưởng rằng họ sẽ đạt được thỏa thuận tốt hơn từ vị Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ.