Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi thì bọn hải tặc cướp chiếc tàu chở dầu ngoài khơi Somalia đã bắt đầu thương lượng tiền chuộc với chủ nhân của chiếc tàu người Ả Rập Saudi. Từ phòng tin Đông Phi của VOA ở Nairobi, thông tín viên Derek Kilner tường trình rằng ít nhất có hai chiếc tàu nữa cũng bị bọn hải tặc cướp trong khu vực này kể từ sau khi chiếc tàu chở dầu bị bọn chúng cướp hôm thứ bảy vừa qua.
Tàu chở dầu Sirius Star bị hải tặc cướp khi ở các xa bờ biển Kenya trên 800 kilômét hôm thứ bảy vừa qua. Tàu Sirius Star lúc đó đang vận chuyển hai triệu tấn dầu thô và có 25 thủy thủ trên tàu. Đây là chiếc tàu lớn nhất bị hải tặc đánh cướp.
Cư dân tại thị trấn Harardhere ở miền trung Somalia cho hay chiếc tàu đang bỏ neo ở một cảng gần thị trấn của họ, trong khi đó có tin nói rằng bọn hải tặc chuẩn bị đưa chiếc tàu đến Eyl, tức là sào huyệt chính của bọn hải tặc ở Puntland, một khu vực bán tự trị ở miền bắc Somalia.
Giới hữu trách Ả Rập Saudi không đưa ra dấu hiệu nào cho biết liệu họ sẽ trả số tiền chuộc hay không, hoặc là số tiền chuộc mà bọn hải tặc đòi cụ thể là bao nhiêu.
Bọn hải tặc thường đòi khoảng một triệu đôla tiền chuộc cho mỗi chiếc tàu mà bọn chúng cướp được. Tuy nhiên với số dầu trên chiếc Sirius Star này hiện trị giá khoảng 100 triệu đôla, và bản thân con tàu trị giá 150 triệu đôla, số tiền chuộc mà bọn hải tặc đòi có thể cao hơn.
Bọn hải tặc đã từng đòi 8 triệu đôla tiền chuộc cho chiếc MV Faina, một thương thuyền với 25 thủy thủ trên tàu, đa số là người Ukraina, đang chở theo 30 xe tăng loại T-72 trên đường đến Kenya thì bị cướp hồi tháng chín vừa qua.
Tính từ lúc xảy ra vụ tàu chở dầu Sirius Star bị đánh cướp hôm thứ bảy vừa qua cho tới nay đã có thêm ít nhất hai chiếc tàu nữa bị cướp.
Tối thứ ba vừa qua, một chiếc tàu của Trung Quốc đang chở lúa mì đến Iran, với 25 thủy thủ trên tàu, cũng đã bị hải tặc cướp gần Vịnh Aden.
Một chiếc tàu khác của Thái Lan cũng bị bọn hải tặc cướp. Báo chí còn cho hay một chiếc tàu chở dầu của Hy Lạp, tức là chiếc tàu thứ ba, cũng bị bọn hải tặc cướp.
Theo Cục Hàng hải Quốc tế thì bọn hải tặc đang cầm giữ tất cả 14 chiếc tàu ở ngoài khơi Somalia, với khoảng 250 thủy thủ.
Đã xảy ra hơn 30 vụ cướp tàu trong khu vực này tính từ tháng giêng năm nay, và có ít nhất 60 vụ tấn công nhắm vào các tàu bè đi qua khu vực này.
Vùng biển ngoài khơi Somalia là một trong những thủy lộ bận rộn nhất thế giới với các thương thuyền chở dầu từ Trung Đông, và hàng hóa từ các nước châu Á đi qua kênh đào Suez để vào Địa trung hải.
Trong tình hình các vụ cướp biển tăng cao trong khu vực này, các hãng tàu biển đang xem xét liệu họ có nên bỏ thủy lộ này hay không.
Việc tàu bè không dùng con đường đi qua kênh đào Suez sẽ gây thất thu nghiêm trọng cho Ai Cập. Kênh đào này mang lại một nguồn lợi quan trọng cho Ai Cập.
Ông Peter Hinchcliffe, giám đốc hàng hải của Viện Vận Chuyển Quốc tế có trụ sở tại London, nói rằng các công ty vận tải đường biển đã bắt đầu đổi sang dùng những thủy lộ khác tốn kém hơn.
Ông Hinchcliffe nói: “Các công ty vận tải đường biển đã quyết định không đi qua vùng Vịnh Aden nữa, và họ đã đi đường dài hơn vòng qua nam châu Phi. Trong tình hình cướp biển gia tăng cường độ hoạt động thì các công ty sẽ chọn cách này nhiều hơn. Đi đường này trung bình sẽ mất thêm hai tuần lễ."
Ông Hinchcliffe nói thêm rằng vụ chiếc tàu chở dầu của Ả Rập Saudi bị cướp ở sâu về phía nam hơn so với các vụ cướp khác, và ở xa ngoài biển hơn đã khiến cho các công ty hàng hải lo ngại hơn.
Ông Hinchcliffe nhận định: “Vụ cướp tàu này đặt ra những lo ngại mới. Trước hết là nó xảy ra ở nơi cách rất xa Vịnh Aden trong lúc mọi sự chú ý của hải quân các nước cho tới nay vẫn chỉ tập trung trong Vịnh Aden. Thứ hai là địa điểm xảy ra vụ cướp tàu này cách bờ biển Somalia đến 450 dặm, ở một tầm cỡ mới. Những yếu tố này cho thấy các đảng cướp có vũ trang đã tăng cường đáng kể khả năng hoạt động.
Liên hiệp châu Âu cho hay họ sẽ phái tàu chiến đến khu vực để đối phó với nạn hải tặc cùng với Ấn Độ và Nga.