Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Henry Paulson bênh vực cách thức ông xử lý kế hoạch cứu nguy tài chính 700 tỷ đôla. Ông Paulson nêu ra nhận định hồi hôm qua tại Thư viện Ronald Reagan ở Simi Valley trong tiểu bang California, và kêu gọi các cải cách thận trọng trong hệ thống tài chính Mỹ và toàn cầu. Thông tín viên Mike O’Sullivan của đài VOA tại California ghi nhận chi tiết trong bài tưòng thuật sau đây.
Ông Paulson nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bất động cũng như các hành động sai lầm của chính phủ, các hệ thống luật lệ lỗi thời của Hoa Kỳ cũng như của toàn thế giới, cùng với sự chấp nhận quá nhiều ruỉ ro của các tổ chức tài chính. Ông nói rằng ưu tiên hàng đầu của ông là ổn định hoá hệ thống, và sau đó sẽ là cải tổ nó.
Ông Paulson nói: “Cuộc tranh luận này đem lại những cơ hội to lớn cũng như những rủi ro to lớn. Các diễn biến trong năm vừa qua đã phơi bầy những sự quá đà và những khuyết điểm ghê gớm, ấy là nói cho nhẹ đi. Nếu chúng ta không xác định một cách chính xác các nguyên do và thay vì thế hành động một cách hấp tấp và thực thi các luật lệ thêm vào thay vì tốt hơn, thì chúng ta có thể gây phương hại dài hạn.”
Ông Paulson nói rằng phải mất thời gian để phục hồi và một khung sườn luật lệ mới không thể được khai triển trong khi tình hình tài chính còn đang diễn biến.
Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ đang bị chỉ trích gay gắt về việc xử lý kế hoạch cứu nguy khi ông ra trước một Uỷ ban Tài chính Hạ viện hôm thứ ba. Kế hoạch cứu nguy 700 tỷ đôla thoạt đầu tập trung vào việc mua các món nợ xấu của các ngân hàng đã phải ôm những chứng khoán gần như vô giá trị sau khi thị trường nhà đất sụp đổ.
Ông Paulson nói rằng một tình hình tồi tệ hơn đỏi hỏi phải thay đổi sách lược và ông bắt đầu bơm tiền mặt vào các công ty tài chính, với chính phủ mua một số cổ phần, để cho các công ty này có thể bắt đầu cho vay trở lại.
Ông Paulson nói rằng các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và các ngân hàng phát triển khu vực phải cải tổ ban quản trị để các tổ chức này có trách nhiệm hơn và có hiệu quả hơn.
Ông Paulson nói: "Tương tự, IMF và Ngân hàng Thế giới cần phải để cho các nền kinh tế thị trường đang nổi lên và năng động được có nhiều đại diện hơn và tham gia nhiêù hơn vào hoạt động thường nhật của các tổ chức này.”
Ông Paulson kêu gọi hợp tác giữa các đảng viên Dân chủ và Cộng hoà tại Hạ viện và giữa các nhà lãnh đạo trên thế giới, vào lúc mọi người tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng. Ông nói rằng các cải cách trong tương lai phải phù hợp với mậu dịch tự do và đầu tư cởi mở.