Trong lúc tình hình cứu trợ nhân đạo tại Cộng hòa Dân chủ Congo trở nên tệ hơn, các nhân viên cứu trợ cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu có thể tác hại tới những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Vài người tiên liệu rằng, mức tử vong tại vùng nghèo nhất thế giới này có thể gia tăng nhanh chóng cùng nhịp với cuộc suy thoái toàn cầu. Thông tín viên đài VOA Mandy Clark tường trình thêm từ London.
Lật cuốn album gia đình của ông, Buka Mwanza nhìn lại chuyến viếng thăm Congo mới đây của ông. Ông cho biết đã rất bận bịu thăm viếng những người thân.
Ông Mwanza nói: “Chúng tôi là 1 gia đình Phi châu kiểu xưa, vậy nên gia đình rất đông người.”
Nhưng không phải ông Mwanza chỉ lo ngại về trận giao tranh mới xảy ra tại quê nhà. Ông cũng lo là công cuộc cứu trợ nhân đạo tại Congo sẽ bị giảm sút, tiếp sau những cảnh báo của các cơ quan cứu trợ, rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ dẫn tới việc các chính phủ và các nhà hảo tâm sẽ phải cắt giảm cứu trợ.
Ông Mwanza nói: “Chúng ta đang nói tới mạng sống con người. Tiền bạc thì có thể đến rồi đi. Nhưng mạng người thì không thay thế được.”
Ông Peter Kessler là phát ngôn viên của cơ quan Tỵ nạn thuộc Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. Ông nói cơ quan của ông phải dựa vào tiền của quyên góp. Nhận được ít, thì đành tiêu ít đi.
Ông Kessler nói: “Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc hoàn toàn dựa vào những đóng góp tự nguyện, vì thế, mỗi sự đóng góp, từ các cá nhân trên đường phố tới các chính phủ tại thủ đô đều hết sức hệ trọng. Rõ ràng khi các chính phủ hiến những món tiền lớn để ổn định nền kinh tế của họ, thì những khoản đó cũng ảnh hưởng tới những chương trình nhân đạo như của Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, hoặc những tổ chức tương tự khác. ”
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc có các trại tị nạn trên khắp thế giới, từ Afghanistan, tới miền nam Châu Phi và ngay tại vùng Dafur thuộc Sudan. Ông Kessler cảnh báo rằng việc cắt giảm chương trình cứu trợ có thể sẽ rất tai hại.
Ông Kessler nói: “Người ta không nên quên sự kiện là, có hàng chục triệu người trông cậy vào Cao ủy Liên Hiệp Quốc và các cơ quan cứu trợ khác, để có thực phẩm, nước uống, để được bảo vệ, và nếu không có các cơ quan đó, họ sẽ không được chăm sóc, sẽ vô cùng khổ sở và có thể bỏ mạng.”
Không phải chỉ có Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc là lo lắng. Tổ chức Chữ thập đỏ Quốc Tế và Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ mới đây cũng triệu tập một hội nghị ở Nam Phi để bàn cãi vấn đề cứu trợ bị cắt giảm.
Ngoài ra, lại còn một nguy cơ khác do cuộc khủng hoảng tài chánh, đó là số người thất nghiệp trên thế giới ngày càng gia tăng. Tổ chức Lao động Quốc Tế cảnh báo rằng, khoảng 20 triệu người trên toàn Thế giới có thể mất việc vì cuộc khủng hoảng tài chánh.
Bà Claire Melamed thuộc tổ chức cứu trợ Action Aid, là 1 nhóm chống nghèo đói Quốc Tế, nói đó là 1 mối lo nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển.
Bà Melamed nói: “Đó là mặt trái của sự tăng trưởng mà chúng ta nhìn thấy ở Trung Quốc và Ấn Độ, sự tăng trưởng dựa trên mức xuất khẩu qua các nước giầu có. Có nghĩa là, khi mức cầu giảm là công ăn việc làm biến mất.”
Đó đúng là một cái vòng luẩn quẩn, theo cảnh báo của viên chức và nhân viên cứu trợ nhân đạo, và điều đó có thể đẩy những thành phần cơ nhỡ nhất tới bờ vực thẳm.