<!-- IMAGE -->
Hàng năm có đến 500.000 người bị thiệt mạng vì bệnh cúm xảy ra theo mùa. Năm nay, ngoài bệnh cúm mùa, còn có bệnh cúm do virút A-H1N1 gây ra, thường được gọi nôm na là bệnh cúm heo. Mới đây ông Dan Rutz, Chủ tịch Ban Thông tin Y tế Toàn cầu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, đã mở họp báo tại trụ sở đài VOA ở thủ đô Washington để nói về nguy cơ và cách ứng phó với trận đại dịch sắp tới. Hoài Hương của ban Việt Ngữ - Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ có mặt trong cuộc họp báo và tường trình như sau.
Chủ tịch Ban Thông tin Y tế Toàn cầu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, ông Dan Rutz, nói rằng dịch cúm heo tác động đến cả thế giới và sẽ lây lan nhanh chóng bởi vì có rất ít người tự nhiên có kháng thể chống lại dòng virút A-H1N1.
Ông Rusk nói trong hầu hết dân chúng trên thế giới không có kháng thể để tự vệ bởi vì hệ thống miễn nhiễm chưa hề tiếp xúc với dòng virút mới. Mức độ trầm trọng của bệnh tình mỗi người có thể khác nhau, nhưng điều chắc chắn là số người nhiễm bệnh sẽ vô cùng cao, và bệnh sẽ lây lan vô cùng nhanh chóng.
Điều mà tôi có thể khẳng định tại thời điểm này là: con người đang mắc chứng bệnh nhiễm trùng này như thực tế đã chứng minh. Hiện tại trên thế giới đã có rất nhiều người nhiễm virút A-H1N1, và thực sự không ai có thể ngăn chận dịch bệnh này. Việc virút A-H1N1 lây lan khắp thế giới là điều không sao có thể tránh khỏi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố đại dịch cúm A-H1N1 hồi tháng Sáu năm nay. Mặc dù WHO không ban hành lệnh hạn chế du hành, trong giai đoạn đầu một số nước kể cả Trung Quốc và Việt Nam, đã áp dụng một số biện pháp để ngăn chận dịch cúm tại các cửa khẩu của mình, nhất là tại các phi trường quốc tế. Tuy nhiên, theo lời ông Rusk thì không có biên giới đối với các dịch bệnh.
Ông nói các biện pháp do chính quyền áp dụng, cũng như khoa học, đều có những giới hạn của nó, và cá nhân mỗi người phải có biện pháp để tự bảo vệ mình chống lại dịch bệnh.
<!-- IMAGE -->
Ông Rusk nói: "Chúng ta có thể hành động trong tư cách cá nhân hoặc tập thể để kiềm chế dịch bệnh, nhưng khó có thể ngăn chận được nó. Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể làm chậm đà lây lan của bệnh, tuy nhiên tại thời điểm này thẳng thắn mà nói, khó có thể làm được gì hơn là những gì mà chúng ta đã làm."
Trong tư cách cá nhân, ông khuyên mọi người nên rửa tay thường xuyên với nước và xà bông, tránh chạm các mặt bằng có thể nhiễm khuẩn hoặc virút, đừng dụi mắt bởi vì đó là cách tốt nhất để vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể. Khi ho, vì phép lịch sự, nên dùng khăn giấy, hoặc ho vào tay áo, không nên ho vào tay như vẫn thường làm, bởi vì như thế chúng ta sẽ tiếp tay cho bệnh lây lan khi cầm những vật dụng khác.
Ông nói tiếp: "Nên tránh tiếp xúc với người bệnh nếu có thể. Trong trường hợp chính mình nhiễm bệnh, mặc dù ai cũng có vai trò quan trọng trong việc làm, ta sẽ tự giúp mình và giúp các đồng nghiệp nhiều hơn bằng cách ở nhà, đừng đến nơi làm việc, và cũng tránh di chuyển bằng máy bay trong trường hợp bị bệnh."
Khi dịch bệnh lên cao điểm, ông Dan Rusk cho rằng điều quan trọng là tránh tăng sức ép lên hệ thống y tế công một cách không cần thiết, muốn thế công chúng phải biết phân biệt thế nào là trường hợp khẩn cấp cần được điều trị cấp thời. Ông nêu ra một số triệu chứng:
"Nơi trẻ con, thở gấp hoặc khó thở, da tái xanh, môi tím, trẻ không chịu uống nước hoặc bú sữa, không tỉnh dậy hoặc có phản ứng khi được kích thích, tính tình khó chịu, đứa trẻ không chịu bồng, các triệu chứng cảm cúm bớt nhưng sau đó trở nặng hơn và bệnh nhân lên cơn sốt hoặc nổi ban. Các triệu chứng ấy cộng chung cho thấy đây là một trường hợp khẩn cấp, cần được ưu tiên chữa trị."
Trường hợp người lớn cũng có các triệu chứng tương tự, như thở gấp hoặc khó thở, tức hoặc đau ngực, đột ngột mất định hướng, ói mửa, các triệu chứng cảm cúm bớt rồi sau đó trở nặng hơn trong khi bệnh nhân lên cơn sốt, đó là các dấu hiệu của bệnh sưng phổi, và là trường hợp khẩn cấp cần được điều trị gấp.
Ông Dan Rusk từng có mặt tại Việt Nam trong thời gian bệnh cúm gà hoành hành tại đây. Ông nhận định về trường hợp Việt Nam:
"Việt Nam là một nước có mật độ dân cư cao, có nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Có phần chắc đại dịch cúm sẽ diễn ra trên quy mô cả nước, như đã diễn ra tại Hoa Kỳ. Vấn đề nằm ở chỗ đại dịch sẽ nghiêm trọng đến mức nào trong các thành phần dân cư. Nếu diễn tiến của dịch đi theo chiều hướng tại Bắc Mỹ, thì đa số người bệnh sẽ tự động khỏi với sự hỗ trợ của gia đình mà không cần được chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên những ca nghiêm trọng hơn, hy vọng giới hữu trách sẽ tìm ra một cách thức để đưa các ca này vào thành phần ưu tiên chữa trị, cho nhập viện sớm để có thể cứu mạng các bệnh nhân này."
Trả lời VOA - Việt Ngữ ông đánh giá như thế nào tình trạng sẵn sàng của hệ thống y tế công của Việt Nam trong việc ứng phó với bệnh cúm heo dựa trên kinh nghiệm đã có về cúm gia cầm, ông Rusk nói nhờ kinh nghiệm ấy, hệ thống y tế công của Việt Nam đã có một mức độ tự tin trong việc đối phó với các dịch cúm nói chung. Tuy nhiên điều nên lưu ý theo ông là tình hình hiện nay có nhiều điểm khác biệt. So với cúm gà do virút H5N1 gây ra, virút A-H1N1 gây ra bệnh cúm heo lây lan dễ dàng hơn nhiều, tuy ít có biến chứng hơn. Ông nói giới hữu trách Việt Nam đã tỏ tinh thần hợp tác trong việc đối phó với các dịch bệnh:
"Điều mà Việt Nam đã làm là tỏ thái độ sẵn sàng tham khảo ý kiến của cộng đồng quốc tế trong công tác ứng phó với bệnh cúm gà. Việt Nam đã chứng tỏ là một công dân tốt của thế giới về mặt này. Thái độ cởi mở đó cũng sẽ giúp Việt Nam đối phó với cơn đại dịch sắp tới. Việt Nam đã vượt qua thành công một thách thức mà ít quốc gia gặp phải khi đương đầu với dịch cúm gà. Giờ đây, đối mặt với một dịch bệnh mà đa số các nước sẽ phải đương đầu, Việt Nam có thể là một trong các nước đi đầu vì đã có kinh nghiệm đối phó với một dịch bệnh tương tự trong thời gian gần đây."
Được hỏi về vấn đề vắc-xin chống virút A-H1N1, ông nói Tổ chức Y tế Thế giới mong muốn thấy vắc-xin được phân phối trên toàn cầu, và tổ chức này sẽ loan báo chi tiết về khâu phân phối vào thời điểm thích hợp.
Ông cho biết: "Tôi biết rằng Tổ chức Y tế Thế giới đã yêu cầu các nước giàu đóng góp vắc-xin vào kho dự trữ để phân phối cho các nước đang phát triển. Hoa Kỳ đã đóng góp vào kho dự trữ vắc-xin của thế giới và cam kết sẽ tiếp tục làm việc đó. Tổ chức Y tế Thế giới sẽ quyết định nên phân phối vắc-xin đến những nơi nào.
Vẫn theo ông Rutz thì không những Tổ chức Y tế Thế giới phải quyết định cung cấp vắcxin cho những nước nào, mà còn đề nghị những thành phần nào trong một nước nên được chủng ngừa vắc-xin trước, xét hiện trạng không có đủ vắc-xin cho tất cả mọi người.
Ông nói tiếp: "Tổ chức Y tế Thế giới sẽ xác định các nhóm nguy cơ cao, và nhóm này sẽ được chích ngừa trước những nhóm khác."
Về sự khác biệt giữa virút H5N1 và virút A-H1N1, ông nói virút A-H1N1 là một dịch lây lan toàn cầu, bộc phát hầu như cùng lúc tại nhiều nước trên thế giới, trong khi virút H5N1 không phải là một dịch bệnh có tính cách toàn cầu, nó chủ yếu vẫn là một chứng bệnh của loài vật, và chỉ ảnh hưởng đến một phần của thế giới mà thôi.
Chủ tịch Ban Thông tin Y tế Toàn cầu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ Dan Rutz kết luận bằng cảnh giác sau đây:
"Bệnh tật và chết chóc vì dịch cúm sẽ diễn ra trong năm 2009 trên khắp thế giới. Hãy chuẩn bị để ứng phó!"
Ông nói điều quan trọng là phải tuân theo các đề nghị của các cơ quan hữu trách như Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và các giới chức y tế trong nước. Các tổ chức y tế đang theo sát diễn tiến của đại dịch, bởi vì virút A-H1N1 có nguy cơ biến đổi, nhất là trong bối cảnh bệnh đã lan truyền sang Châu Á, nơi có mật độ dân cư cao, người sống chung đụng với gia súc, và do đó giám sát những biến đổi có thể xảy ra là một công tác hết sức hệ trọng.
(Ngày phát sóng: 01/10/2009)