Ân xá Quốc tế: 2014 là năm đại họa của hàng triệu người

Giám đốc Văn phòng đại diện của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Nga cầm một bản sao phúc trình về nhân quyền năm 2014 trong cuộc họp báo tại Moscow, ngày 24/2/2015.

Hội Ân xá Quốc tế cho biết năm 2014 là năm đại họa của hàng triệu người trên khắp thế giới. Theo tường thuật của thông tín viên Richard Green của đài VOA, tổ chức nhân quyền quốc tế nổi tiếng này cho biết như thế trong bản phúc trình nhân quyền hàng năm công bố ngày hôm nay.

Hội Ân xá Quốc tế cho biết hàng triệu thường dân - từ Syria cho tới Ukraine, từ Gaza cho tới Nigeria, đã phải chịu đựng những hành vi bạo động khủng khiếp và những vụ chà đạp nhân quyền, trong khi số người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong năm 2014 đã vượt mức 50 triệu người lần đầu tiên kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt.

Phúc trình này tố cáo các chính phủ trên thế giới đã không bảo vệ thường dân trước những hành vi bạo động của nhà nước và các tổ chức vũ trang.

Ông Salil Shetty, Tổng thư ký Hội Ân xá Quốc tế, phát biểu như sau.

"Điểm chính mà chúng tôi nêu ra trong bản phúc trình là đáp ứng của cộng đồng quốc tế và của những người có thể ngăn không cho sự việc tiếp diễn là đáng thất vọng – và trên thực tế là đáng xấu hổ. Chúng tôi đang đưa ra những lời kêu gọi rõ ràng về những gì mà thế giới có thể làm để đảo ngược tình hình và cải thiện sự bảo vệ mà thường dân xứng đáng được hưởng."

Hội Ân xá Quốc tế cho biết các nhóm vũ trang đã chà đạp nhân quyền tại ít nhất 35 quốc gia trong năm 2014. Tổ chức này cũng nói rằng sự trỗi dậy của nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo là một mối quan tâm đặc biệt.

Phúc trình tố cáo Nhà nước Hồi giáo phạm tội ác chiến tranh trên diện rộng, trong đó có việc giết người hàng loạt một cách bừa bãi, bắt cóc những người thuộc những nhóm thiểu số và xâm hại tính dục hàng ngàn phụ nữ và bé gái.

Hội Ân xá Quốc tế cũng mạnh mẽ chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Họ nói rằng 5 nước hội viên thường trực - Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc - “không ngớt lạm dụng” quyền ph quyết để “thăng tiến quyền lợi chính trị của riêng mình” thay vì bảo vệ cho thường dân.

Tổ chức có bản doanh ở Anh này thúc giục 5 nước vừa kể từ bỏ quyền phủ quyết trong những trường hợp xảy ra những vụ diệt chủng hay giết người hàng loạt.