Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, hôm Thứ hai, rằng chiến tranh với Ukraine là chuyện khó có thể xảy ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Rossiya 1, ông Putin nói ông hy vọng "một kịch bản mang hình ảnh tận thế như vậy ... sẽ không bao giờ xảy ra."
Ông cũng nói ông không nghĩ rằng cần có một cuộc họp khác với Pháp, Đức và Ukraine về việc giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Ông nói, việc Ukraine cho rằng các thành viên của chính quyền Nga đứng sau vụ đổ máu ở Kiev là "phi lý".
Trong khi gọi các hành động của Nga ở Ukraine là "bất hợp pháp", Thủ tướng Anh David Cameron, hôm thứ Hai, nói với các nhà lập pháp rằng cần áp dụng thêm biện pháp trừng phạt Nga, nếu phiến quân thân Nga ở Ukraine mưu tính mở rộng quyền kiểm soát lãnh địa. Ông nói:
"Nga cần phải biết rằng bất kỳ mưu toan nào của thành phần ly khai nhằm mở rộng lãnh địa - dù là về hướng Mariupol hay ở nơi khác - sẽ được đáp trả bằng biện pháp trừng phạt đáng kể hơn nữa của Liên hiệp Âu châu, và Hoa Kỳ. Nga phải chuyển hướng ngay bây giờ bằng không tình trạng khó khăn kinh tế mà Nga đang chịu đựng sẽ chỉ tăng thêm. Trong những ngày tới, tôi sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo nhóm G7 để thỏa thuận về việc chúng tôi có thể cùng hành động ra sao để chấm dứt cuộc khủng hoảng này.”
Thủ tướng Cameron cáo buộc Nga cho phép các phần tử ly khai vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mong manh. Ông nói:
“Đã không thay đổi, mà các hành động hoàn toàn phi pháp và không thể biện minh được của Nga ở miền đông Ukraine đã tăng lên mức độ mới với sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngưng bắn qua việc chiếm quyền kiểm soát thành phố Debaltseve của các phần tử ly khai, một việc làm chỉ có thể thực hiện với sự cung cấp chiến binh Nga cùng với thiết bị trên quy mô rất lớn.”
Thủ tướng Cameron, hôm Thứ sáu, lên tiếng cùng với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel, cảnh báo rằng biện pháp có thể được đối với Nga, nếu thỏa thuận Minsk nhằm ổn định Ukraine không được thực thi đầy đủ và lệnh ngưng bắn không được tôn trọng.
Trong khi đó quân đội Ukraine cho biết, hôm Thứ hai, rằng họ không thể bắt đầu rút võ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến ở miền đông theo quy định trong thỏa thuận ngưng bắn, vì các phiến quân thân Nga vẫn thực hiện các cuộc tấn công.
Các giới chức, hôm Thứ hai, nói rằng không thể bàn đến việc triệt thoái võ khí chừng nào mà các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn.
Hôm Chủ nhật, hai phía đã đồng ý rút võ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến, một dấu hiệu tích cực để thực thi kế hoạch hòa bình đã bị vi phạm nhiều lần.
Các viên chức quân đội nói rằng phiến quân đã đồng ý hoàn tất việc rút võ khí trong 2 tuần tới, và truyền thông loan tin việc triệt thoái có thể bắt đầu vào Chủ nhật 22 tháng 2.
Việc rút võ khí được quy định trong thỏa thuận ngưng bắn có hiệu lực cách nay hơn một tuần.
Thỏa thuận hôm Chủ nhật được đưa ra một ngày sau khi Ukraine và phiến quân thực hiện cuộc trao đổi tù binh, dấu hiệu tiến bộ quan trọng đầu tiên đối với thỏa thuận ngưng bắn ký kết hôm 12 tháng 2 trong tình trạng lung lay. 139 binh sĩ Ukraine đã được trao đổi với 52 phiến quân.
Phiến quân nói rằng trong số các tù binh trao đổi có cả một số binh sĩ bị bắt tại thị trấn đường sắt chiến lược của Debaltseve, thành phố đã bị nhóm ly khai chiếm cứ vào tuần trước, hành vi vi phạm tồi tệ nhất thỏa thuận cuộc hưu chiến do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
Trong khi đó, truyền thông Ukraine loan tin rằng một người thứ 3 đã qua đời vì các vết thương trong vụ nổ bom hôm Chủ nhật trong thành phố Kharkiv. Tin cho biết nạn nhân là một thiếu niên 15 tuổi.
Hai người khác đã bị thiệt mạng trong vụ nổ bom nhắm vào cuộc tuần hành của những người ủng hộ chính phủ, kỷ niệm 1 năm ngày lật đổ tổng thống thân Nga của Ukraine, Victor Yanukovych.
Cảnh sát cho biết nhiều nghi can bị bắt trong vụ tấn công bằng bom này, một phụ tá an ninh Ukraine nói họ đã nhận võ khí và chỉ thị ở Nga.
Tại Kyiv, mấy ngàn người, dẫn đầu bởi Tổng thống Petro Poroshenko, tham dự lễ tại Quảng trường Độc lập trong thủ đô Kyiv đánh dấu kỷ niệm ngày lật đổ ông Yanukovych và tưởng niệm 100 người biểu tình phản đối bị thiệt mạng một năm trước đây.
Sau khi chính phủ của ông Yanukovych bị lật đổi, Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine và các phần tử đòi ly khi phát động vụ nổi loạn ở miền đông Ukraine nơi có nhiều người nói tiếng Nga. Ít nhất 5.600 người bị thiệt mạng từ khi chiến trận bùng phát cách nay 10 tháng.
Nga đã bị nhiều lời cáo buộc cung cấp võ khí, chiến binh, và các tiếp liệu khác cho nhóm phiến quân. Moscow nhiều lần phủ nhận dính dáng trực tiếp trong vụ này.