Sau các báo cáo dồn dập trong nhiều tháng trời về việc công nhân từ khắp châu Á bị buôn bán vào các đường dây tội phạm mạng của Trung Quốc hoạt động ở Campuchia, chính phủ vào cuối tháng 8 rốt cuộc thừa nhận rằng đang có cách tiếp cận mạnh tay hơn.
Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng hôm 22/8 cho biết giới chức được triển khai khắp cả nước để kiểm tra các khách sạn, sòng bạc và các cơ sở khác có khả năng có nạn nhân bị buôn người, và một số nghi phạm buôn người đã bị bắt trong các cuộc truy quét.
Phát biểu của ông Sar Kheng được đưa ra ngay sau khi Đài Loan phàn nàn rằng hơn 300 công dân của họ đang bị cầm giữ ở Campuchia sau khi bị dụ vào các công việc công nghệ được cho là lương cao, chỉ để cuối cùng bị đẩy vào các trung tâm chuyên tìm cách lừa đảo các con mồi ở Trung Quốc.
Nhưng đó chỉ là hành động mới nhất từ các chính phủ nước ngoài nêu quan ngại về việc công dân của họ bị mắc kẹt trong các vụ lừa đảo do Trung Quốc điều hành có trụ sở tại Campuchia.
Indonesia đã yêu cầu một cuộc họp về việc công dân của họ bị buôn bán vào Campuchia bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN vào đầu tháng 8, và tuần trước thông báo rằng họ đã hồi hương 241 người Indonesia bị những kẻ lừa đảo buôn bán trực tuyến và chặn 214 nạn nhân tiềm năng khác đến Campuchia.
Kể từ đầu tháng 8, Philippines đã thúc giục nhà chức trách Campuchia giải cứu 4 công dân của họ bị cầm giữ trong một khu phức hợp sòng bài ở tỉnh Koh Kong. Hơn 40 công dân Việt Nam trốn thoát khỏi một sòng bạc ở tỉnh Kandal và bơi qua sông Bình Di vào Việt Nam. Và các quan chức Hong Kong cho biết 10 công dân của họ còn mắc kẹt ở Campuchia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry nói trong sáu tháng qua, họ đã nhận được yêu cầu can thiệp vào các trường hợp lao động cưỡng bức từ ít nhất chín tòa đại sứ, bao gồm Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Philippines và Thái Lan.
Bộ Nội vụ cho biết khoảng 900 công dân nước ngoài đã được giải cứu khỏi các tổ chức buôn người tính từ đầu năm tới nay.
Campuchia từ lâu bị vấn đề về việc công dân của họ bị buôn bán để làm nô lệ ở các nước lân cận như Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, các chuyên gia nói với ban Khmer đài VOA rằng việc dẹp bỏ các ổ buôn người do nước ngoài điều hành trong biên giới Campuchia là một hiện tượng mới và khả năng phá vỡ các mạng lưới tội phạm này có thể mang lại những kết cục sâu rộng đối với nền kinh tế và vị thế của Campuchia trong khu vực.
Ông Jason Tower, Giám đốc Viện Hòa bình Hoa Kỳ tại Miến Điện, cho biết các mạng lưới tội phạm Trung Quốc đã mở rộng dấu chân vào các khu vực tương đối vô luật pháp ở Đông Nam Á trong những năm gần đây, bao gồm Campuchia, bắc Myanmar và Lào.
Ông nói, trấn áp cờ bạc trực tuyến ở Trung Quốc đã đẩy nhiều kẻ bất chính ra khỏi Trung Quốc và đến các khu vực tương đối không được kiểm soát ở Đông Nam Á, và rồi COVID đột ngột ngăn dòng chảy lao động, khách du lịch và các con bạc từ Trung Quốc khiến tội phạm có tổ chức tìm kiếm các nguồn thu nhập khác.
Tại Campuchia, chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã công bố lệnh cấm hoạt động cờ bạc trực tuyến vào năm 2019, buộc một số nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực này phải đưa ra các kế hoạch kinh doanh thay thế.
Ông Tower nói, các tòa đại sứ Trung Quốc trong khu vực bắt đầu báo cáo về sự gia tăng các vụ bắt cóc công dân Trung Quốc trong thời kỳ đầu của đại dịch, ngay sau đó là các báo cáo về nạn buôn bán, lạm dụng và cưỡng bức nô lệ các nạn nhân từ các quốc gia trong khu vực.
“Khi đại dịch diễn ra, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đây thực sự là một cuộc khủng hoảng khu vực được đưa ra ánh sáng,” ông Tower nói, “rằng đây là… công việc của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia đang buôn người qua biên giới, giam giữ họ tại những khu vực này trong những điều kiện lao động như nô lệ và buộc họ phải thực hiện các trò gian lận hoặc trả một số tiền lớn để được tự do.”
Các hãng tin bao gồm Al Jazeera đã tường thuật chi tiết về những vụ lạm dụng khủng khiếp mà các thủ phạm Trung Quốc ở Campuchia thực hiện, từ đánh đập dã man đến khủng bố nạn nhân bằng máy chích điện và dùi cui điện và tấn công tình dục những phụ nữ bị buôn bán. Nạn nhân thường bị giam giữ trong các khu được bảo vệ nghiêm ngặt bằng dây kẽm gai hoặc hàng rào “nội bất xuất ngoại bất nhập.”
Và những người bị buôn bán thường được giáo dục khá tốt, vì các trò lừa đảo mà họ đang bị buộc phải thực hiện thường yêu cầu kỹ năng ngôn ngữ tốt - thường là tiếng Trung Hoa - và khả năng làm theo các kịch bản được sử dụng để lừa những nạn nhân không phát hiện ra.
Các trò gian lận bao gồm từ việc lợi dụng vào một mối quan hệ lãng mạn để chia sẻ thông tin ngân hàng; tìm kiếm các nhà đầu tư trong các kế hoạch lừa đảo; bán thẻ hội viên các câu lạc bộ tình dục giả mạo và đóng giả các quan chức chính phủ để yêu cầu nộp lệ phí hoặc tiền phạt chưa thanh toán.
Trước bằng chứng về các đường dây buôn người đang hoạt động ở Campuchia, các quan chức đảng cầm quyền thường phủ nhận rằng đó là một vấn đề phổ biến và thậm chí cáo buộc các nạn nhân là nói dối để vi phạm hợp đồng lao động.
Mặc dù không rõ phát biểu của ông Sar Kheng tuần trước sẽ làm gián đoạn các hoạt động bất hợp pháp đến mức nào, nhưng ít nhất đó là một dấu hiệu cho thấy Campuchia đang đáp ứng với mối quan tâm ngày càng tăng từ các nước láng giềng, không giống như Myanmar gần đó, nơi vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn và chính quyền quân nhân đồng lõa, không muốn đối đầu với nó, ông Tower nói.
“Có vẻ như sau một chút áp lực quốc tế, bây giờ bạn bắt đầu thấy nhà chức trách Campuchia bước ra và nhìn nhận rằng ‘vâng, nhìn đây, chúng tôi đang làm một số việc, chúng tôi đang thực hiện một số bước để giải quyết vấn đề’,” ông nói.
Campuchia bị tuột hạng trên thế giới vì thất bại trong việc đối đầu với các xu hướng buôn người mới.
Campuchia đã bị hạ cấp xuống Bậc 3 trong báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Nạn buôn người, nghĩa là chính phủ không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu trong nỗ lực chống buôn người và “không có những nỗ lực đáng kể để làm như vậy”.
“Nhà chức trách đã không điều tra hay truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ quan chức nào liên quan đến phần lớn các báo cáo khả tín về sự đồng lõa, đặc biệt là với các chủ nhân bất lương đã biến hàng nghìn người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên khắp đất nước trở thành nạn nhân bị buôn người trong các cơ sở vui chơi giải trí, lò gạch, và các hoạt động lừa đảo trực tuyến,” báo cáo cho biết.
Theo tường thuật của Al Jazeera, trong các đường dây lừa đảo trực tuyến của Trung Quốc, các đầu mối quan hệ lên tới cấp cao trong đảng cầm quyền, một số ông trùm liên hệ tới các nhà chứa chấp các hoạt động bất hợp pháp có liên quan đến một người cháu và là cố vấn của Thủ tướng Hun Sen.
Và mặc dù một số nhà đầu tư Trung Quốc đứng sau các cơ sở này bị kết án tội phạm tài chính ở Trung Quốc, họ vẫn được hoan nghênh đến làm ăn ở Campuchia.
Bà Chou Bun Eng, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ, người đứng đầu Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người của Campuchia, không trả lời yêu cầu bình luận. Trước đây, bà nói với VOA tiếng Khmer rằng dù các cá nhân được giải cứu ở Campuchia là “nạn nhân của sự lừa đảo trên mạng… chúng tôi không thể nói tất cả các trường hợp đều liên quan đến buôn người”.
Bà nói với tờ South China Morning Post rằng “Campuchia là nước nạn nhân” liên quan đến các tổ chức của Trung Quốc.
“Đây là những người nước ngoài sử dụng lãnh thổ của chúng tôi để phạm tội chống lại những người nước ngoài khác. Chúng tôi không có khả năng đáp ứng từng báo cáo tội phạm, nhưng chúng tôi giải cứu nạn nhân khi có thể,” bà được báo Hong Kong dẫn lời.
Ông Am Sam Ath, phó giám đốc Licadho, một tổ chức nhân quyền địa phương, cho biết hậu quả đối với Campuchia nếu không kiểm soát được các đường dây buôn người có thể rất nghiêm trọng.
Ông nói với VOA: “Nếu Campuchia không dốc lòng và có ý chí cao [để truy quét những kẻ lừa đảo], điều đó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Campuchia, đầu tư, du lịch vì tính an ninh và an toàn.”
Ông nói thêm Campuchia nên tăng cường và hợp tác với các nước láng giềng để hạn chế dòng chảy của lực lượng lao động vào việc buôn người sang Campuchia.
Ông Vitit Muntarbhorn, tân báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền ở Campuchia, phát biểu vào tuần trước về xu hướng đáng lo ngại của các vụ lừa đảo qua mạng và buôn người trong chuyến thăm đầu tiên của ông trong vai trò này tới Campuchia.
Ông cũng nhấn mạnh sự hợp tác với các quốc gia xuất xứ của các nạn nhân, cũng như đào tạo các quan chức Campuchia để cải thiện khả năng xác định nạn nhân và phát triển các phương pháp sáng tạo trong thu thập thông tin về các đường dây lừa đảo.
Ông Pech Pisey, giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Campuchia, cho biết đảng cầm quyền cũng có thể phải trả giá đắt trong nước nếu các đường dây buôn người tiếp tục không bị cản trở.
Ông nói: “Mọi người không muốn thấy Campuchia bị bọn tội phạm quốc tế sử dụng để điều hành bất kỳ hoạt động tội phạm khốc liệt nào bao gồm buôn người, rửa tiền và buôn bán vũ khí.”
Ông Pech Pisey nói: “Điều này được liên kết như một hệ thống nên cần một giải pháp có hệ thống.” “Những tên tội phạm quốc tế như vậy rất chuyên nghiệp và rất thông minh.”
Ông Tower thuộc Viện Hòa bình Mỹ nói thất bại trước bọn buôn người lúc này có thể tạo điều kiện cho tình trạng này bành trướng - cả ở Campuchia và trong toàn khu vực. Cái gọi là “các quốc gia nguồn” có thể bắt đầu cảnh báo công dân chớ đi du lịch hoặc đổi chỗ ở đến các quốc gia có nguy cơ buôn người cao, vì cái giá rất đắt về chính trị và an ninh một khi công dân của họ bị mắc bẫy hay bị nô lệ hóa ở nước ngoài.
“Bởi vì cuối cùng mọi người đều quan tâm đến việc có thể bảo vệ công dân của họ,” ông Tower nói, “và đó là một sự mất mặt khá lớn đối với bất kỳ quốc gia nào chứng kiến một số lượng đáng kể công dân của họ bị buôn bán hoặc phải chịu những hoàn cảnh như thế này tại nước ngoài.”