ASEAN 2020 và những điều đáng chú ý tại AMM 53

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - AMM 53 ngày 9/9/2020. (VNA Web Screenshot)

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) do Phó Thủ tướng/ Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, diễn ra trực tuyến hôm thứ Tư 9/9, trong bối cảnh hàng chục phiên họp của hội nghị thường niên ASEAN bị trì hoãn hoặc hủy bỏ vì đại dịch Covid-19.

VietnamNet dẫn lời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên khai mạc, nói rằng “tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng sẽ trao đổi các biện pháp cụ thể triển khai chỉ đạo của Cấp cao ASEAN 36, tiếp tục giữ vững hợp tác và liên kết khu vực, vượt qua thử thách, khó khăn, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra và định hướng phát triển lâu dài cho ASEAN cho giai đoạn tiếp theo”.

Riêng đối với vấn đề Biển Đông, trang mạng bqp.vn dẫn lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh “ASEAN sẽ kiên định với lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình, đồng thời thúc đẩy nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển UNCLOS 1982.

Vẩn theo bqp.vn, ông Phạm Bình Minh nói các quốc gia ASEAN sẽ bàn thảo về “cách xây dựng một tầm nhìn mới cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, đảm bảo xây dựng thêm lên trên các thành tựu đã đạt được để giúp ASEAN thích ứng với những cơ hội và thách thức trong những thập kỷ tiếp theo”.

Trễ hơn trong tuần, dự kiến các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên ASEAN sẽ đàm phán với các vị tương nhiệm của các đối tác kể cả, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, tại Diễn đàn An ninh Khu vực.

Những điểm quan trọng cần lưu ý trong các cuộc đàm phán này, theo đài truyền hình CNBC của Mỹ, gồm:

Thiết lập Quỹ Ứng phó Covid-19 của ASEAN

Để giúp các nước ASEAN đối phó với hậu quả của đại dịch Covid-19, Quỹ ứng phó với Covid-19 của ASEAN sẽ đuợc thành lập. Quỹ này sẽ giúp các nước thành viên mua vật dụng y tế và bảo hộ cá nhân.

Thái Lan đã cam kết đóng góp 100.000 USD, và các đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn quốc, được trông đợi sẽ loan báo số tiền mà các nước này cam kết để xung váo quỹ chung của ASEAN, CNBC dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của một nước Đông Nam Á nói.

CNBC dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nói với các nhà báo hồi đầu tuần này rằng các cuộc thương thuyết sẽ tiếp tục tập trung vào nỗ lực đáp ứng của khu vực chống dịch Covid-19, và những cách khác nhau để giúp các nước thành viên hồi phục kinh tế.

Thiết lập Trung tâm ASEAN ứng phó trước tình huống khẩn cấp về y tế công

Bản tin của AP nói rằng Nhật Bản sẽ nghiên cứu khả năng thành lập một trung tâm ASEAN để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trong lĩnh vực y tế công. Kết quả cuộc nghiên cứu sẽ tạo điều kiện cho các nước ASEAN đối phó với đại dịch corona một cách hữu hiệu hơn.

Hoa Kỳ và Trung Quốc xác nhận sẽ tham dự Diển đàn An ninh lớn nhất Á châu

Washington và Bắc Kinh xác nhận sẽ phái Bộ trưởng ngoại giao, Mike Pompeo của Mỹ và Vương Nghị của Trung Quốc, tới dự Diễn đàn An ninh Khu vực, sẽ diễn ra vào thứ Bảy tới đây.

Với sự hiện diện của đại diện hai cường quốc thế giới mà hồi gần đây liên tục đụng độ với nhau về một loạt vấn đề, từ thương mại cho tới an ninh quốc gia, đại dịch Covid-19 và tranh chấp biển đảo khu vực, có phần chắc quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc này sẽ phủ bóng lên Hội nghị ASEAN lần này, theo Alliance News.

AMM 53 diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo trong khuôn khổ các cuộc tập trận dùng đạn thật vào các vùng biển đang tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây tuyên bố Washington coi tất cả các yêu sách chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là ‘bất hợp pháp’, và vẫn duy trì vị thế ‘không ngả về phe nào’ trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, mặc dù Washington đã có hành động rõ ràng cho thấy Washington ủng hộ 4 nước ASEAN cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và với Indonesia, tức là tất cả các nước chống đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông, mà Mỹ cho là bị Trung Quốc bắt nạt.

Môt chuyên gia về chính trị Đông Nam Á tại Học viện Chiến tranh ở Washington, Giáo sư Zachary Abuza, nói rằng khó có thể đạt tiến bộ trong các cuộc đàm phán về tranh chấp biển đảo taị hội nghị ASEAN lần này.

Trang mạng France24 dẫn lời Giáo sư Abuza nhận định với hãng tin AFP:

“Coi như Trung Quốc đã tận dụng hữu hiệu hỗ trợ chống Covid-19 cùng với các cam kết cung cấp vaccine cho Indonesia và Philippines để tìm cách dập tắt mọi cố gắng nhằm thảo luận vấn đề Biển Đông.”