Một bản phúc trình của Văn phòng Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm cho biết hoạt động sản xuất các loại ma túy tổng hợp, như amphetamine và ecstasy, ở Đông Nam Á đang lan ra những khu vực mới, đặc biệt là ở Indonesia, Malaysia và Campuchia.
Phúc trình nói rằng việc sử dụng ATS đã tăng mạnh và việc sử dụng ma túy tiêm chích mỗi ngày một nhiều, làm gia tăng mối lo ngại về sự lây lan của siêu vi HIV và bệnh AIDS.
Phúc trình cho biết lượng số thuốc amphetamine tịch thu ở Đông Nam Á đã từ 32 triệu viên trong năm 2008 tăng lên tới 133 triệu viên trong năm 2010.
Đại diện khu vực của Văn phòng Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm, ông Gary Lewis cho biết việc sản xuất ATS bên ngoài những nguồn truyền thống như Miến Điện đã gây ra nhiều mối lo ngại.
Ông Lewis nói: "Có hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, có hoạt động sản xuất ở Miến Điện, có hoạt động sản xuất ở Philippines. Những nước này cũng đang trở thành những nước sản xuất ma túy. Tại Indonesia, chúng tôi cũng như chính quyền ở đó lo ngại là nước này có thể đang trở thành một nguồn cung ứng thuốc ecstacy cho khu vực."
Nhưng ông Lewis nói rằng những chiến lược bài trừ ma túy ở các cộng đồng cần phải tập trung vào những mối quan tâm về sức khỏe của công chúng, thay vì áp dụng những chính sách trong quá khứ từng đưa tới điều gọi là cuộc chiến chống ma túy.
Ông nói: "Tôi tin rằng công tác ngăn chận vấn đề ma túy đã có hiệu quả trong thập niên qua. Một cụm từ mà quí vị sẽ không bao gồm nghe tôi nói để bày tỏ sự ủng hộ là cụm từ “cuộc chiến chống ma túy.” Tôi không tin tưởng vào khái niệm chiến tranh chống ma túy. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều không có lợi cho sức khỏe công chúng hay sự an toàn của công chúng đã xảy ra vì cụm từ đó."
Tân chính phủ Thái Lan của Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết họ sẽ xem xét lại chính sách bài trừ ma túy mạnh tay.
Chính sách này nhắm vào các băng đảng tội phạm và siết chặt các biện pháp kiểm soát đối với hoạt động mậu dịch biên giới nhằm ngăn không cho ma túy nhập vào từ các địa điểm sản xuất ở miền đông Miến Điện.
Thái Lan đã bị quốc tế chỉ trích vì chiến dịch chống ma túy năm 2003, dưới thời của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh của đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Hơn 3.000 người bị thiệt mạng trong vụ trấn áp đó và các tổ chức nhân quyền tố cáo rằng nhà chức trách Thái Lan đã dung túng những vụ giết người bừa bãi. Bà Yingluck cho biết chính sách hiện nay lấy việc chữa trị làm trọng tâm.
Người đứng đầu Cục Ma túy Quốc tế, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ William Brownfield cho biết tại Bangkok rằng những chiến dịch mới chống lại nạn buôn lậu ma túy phải học hỏi những kinh nghiệm trong quá khứ.
Ông Brownfield nói: "Một qui tắc mà chúng tôi rõ ràng là đã học được là để có được thành công trong các nỗ lực chống buôn lậu ma túy chúng ta cần có sự hậu thuẫn của cộng đồng và của người dân. Họ là đồng minh của chúng ta vì họ là nạn nhân khi chúng ta thất bại. Vì vậy bất kỳ nỗ lực nào của cộng đồng quốc tế để chống lại mối đe dọa của ma túy đều cần phải được thực hiện với một cách thức tôn trọng quyền hạn, nhu cầu, hy vọng và mong mỏi của các cộng đồng mà chúng ta phục vụ."
Miến Điện, Thái Lan và Lào thường được gọi là “Tam giác Vàng” của hoạt động sản xuất thuốc phiện và heroin. Afghanistan đã trở thành nước sản xuất thuốc phiện nhiều nhất thế giới kể từ năm 1992, vượt xa sản lượng của Miến Điện.
Sản lượng thuốc phiện trên khắp khu vực tam giác vàng đã sút giảm mạnh, phần lớn là nhờ có các chương trình tiêu hủy cây thẩu và khuyến khích nông dân trồng trọt những loại hoa màu thay thế.
Một bản phúc trình mới của Văn phòng Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm cảnh báo rằng việc sản xuất và sử dụng các chất kích thích dạng amphetamine - gọi tắt là ATS, đang tăng nhanh trên toàn cầu, với những khu vực mới ở Đông Nam Á là tâm điểm của hoạt động sản xuất và buôn lậu.