Đường dẫn truy cập

HRW: Nạn cưỡng bách lao động tại các trung tâm cai nghiện ở Việt Nam


Một người nghiện heroin làm việc tại 1 trung tâm cai nghiện bên ngoài Hà Nội, 9/7/1999
Một người nghiện heroin làm việc tại 1 trung tâm cai nghiện bên ngoài Hà Nội, 9/7/1999

Giới tranh đấu nhân quyền tại Việt Nam chỉ trích một hình thức điều trị mà chính phủ dùng để phục hồi cho những người nghiện ma túy và những người hành nghề mại dâm. Trong bản phúc trình mới được công bố, tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nói rằng cách thức gọi là trị liệu này không khác gì cưỡng bách lao động.

Được vây bọc bằng hàng rào hoặc tường và nằm dưới sự canh gác của các nhân viên bảo vệ, những trung tâm cai nghiện ma túy ở Việt Nam mang lại điều mà chính phủ gọi là cách chữa trị thông qua lao động cho hàng vạn người nghiện mỗi năm. Tuy nhiên, một bản phúc trình do Human Rights Watch, HRW, công bố hồi đầu tuần đã nêu nghi vấn về những lợi ích thực sự của các trung tâm này và ghi nhận những tố cáo của các cựu trại viên về nạn cưỡng bách lao động và hành hạ thể xác.

Việt Nam có hơn 100 trung tâm cai nghiện, và theo luật lệ ở đây, những người nghiện ma túy có thể bị giam tới 4 năm để được chữa trị. Các trại viên làm nhiều loại công việc trong các ngành nghề khác nhau, từ nông nghiệp cho tới xây dựng.

Chính phủ nói rằng lao động như vậy giúp cho trại viên tránh được sự lôi cuốn của xã hội bên ngoài trong lúc mang lại cho họ một công việc hữu ích.

Tuy nhiên, HRW nói rằng các trung tâm này “không khác gì những trại cưỡng bách lao động” và nhắm mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã bác bỏ nhận định của HRW:

“Họ không hiểu được vấn đề người ta giúp người nghiện, hoàn toàn mang tính nhân văn và giúp người ta hồi phục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe và giúp người ta học nghề, sau khi ra người ta có việc làm. Trong thời gian ở trung tâm người ta cách ly được môi trường ma túy, thì nó tốt hơn.”

Các trung tâm này được lập ra lần đầu khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, dưới khẩu hiệu “cải tạo thông qua lao động.” Đến giữa thập niên 1990, hoạt động tại những nơi này được tăng cường trong khuôn khổ của chiến dịch bài trừ “tệ đoan xã hội.”

HRW cho biết hơn 300.000 người trải qua các trung tâm này từ năm 2000 đến năm 2010. Từ năm 2000 con số các trung tâm đã tăng gần gấp đôi, từ 56 lên tới 123.

Tuy nhiên, các số liệu của chính phủ cho thấy tỉ lệ trại viên quay lại sau khi ra trại lên tới 70 hoặc 80%. Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng này xảy ra vì các trại chú trọng tới việc kiếm tiền hơn là chữa trị.

Ông Eamonn Murphy, điều hợp viên của cơ quan phòng chống HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết:

“Nếu chúng ta nói tới việc cai nghiện heroine thì chúng ta phải có cách trị liệu với sự trợ giúp của thuốc men và những chất thay thế nha phiến như methadone chẳng hạn.”

Ông Murphy nói thêm các trại cai nghiện trên thực tế đã gây hại cho trại viên vì làm việc chữa trị của họ bị chậm trễ. Ông cho rằng điều kiện ở các trại làm gia tăng sự lây lan của bệnh lao kháng thuốc:

“Vấn đề ở đây là chúng ta không thể chờ cho tới khi nào một người bệnh thật nặng rồi mới bắt đầu chữa trị bởi vì lợi ích của việc chữa trị bị hạn chế. Vì vậy chúng ta cần bắt đầu chữa trị càng sớm càng tốt.”

Những công việc mà các trại viên phải làm thì tùy theo mỗi trại, từ nông nghiệp cho tới xây cất. Phúc trình của HRW ghi nhận trường hợp của một cựu trại viên bị bắt làm việc bóc hạt điều.

Mủ hạt điều làm da của người này bị phỏng. Ông ấy nói người nào không chịu làm sẽ bị tát và nếu tiếp tục như vậy sẽ giam riêng.

Các cựu trại viên khác cho biết họ phải trả tiền ăn qua việc khấu trừ tiền lương. Một số người nói rằng khi được thả họ vẫn còn chưa được trả hết tiền lương.

Phúc trình cho biết nếu trại viên không chịu làm việc họ sẽ bị đánh đập bằng dùi cui hoặc roi điện.

Ông Nguyễn Văn Minh phủ nhận tố cáo này.

“Điều này là hoàn toàn phù hợp. Ở ngoài người ta cũng phải làm ăn cơ mà, đúng không? Thì vào đây có điều kiện lao động ít đi thôi. 8 tiếng chỉ lao động 2, 3 tiếng thôi. Mang tính trị liệu, chứ có gì đâu. Còn thời gian tới, chính phủ sẽ cho người nghiện ăn cả thời gian cai nghiện.”

Hiện chưa có hồ sơ công khai nào về những công ty có quan hệ hợp đồng hay thương mại với các trung tâm này. HRW cho rằng một số sản phẩm có thể đã đi vào giây chuyền cung ứng của những công ty xuất khẩu.

Các nhà tài trợ nước ngoài chỉ cung cấp tài trợ hạn chế cho các trung tâm này trong hơn một thập niên qua với những chương trình như huấn luyện nhân viên và hỗ trợ phòng chống vi rút HIV.

Ông Murphy cho biết cưỡng bách tạm giam không phải là giải pháp. Thay vào đó, ông nói rằng chính phủ nên tiếp tục nới rộng những chương trình phục vụ tự nguyện đặt cơ sở ở cộng đồng. Từ năm 2008 đến nay những chương trình này cung cấp các dịch vụ cai nghiệm có hiệu quả, kể cả methadone.

“Chương trình đặt cơ sở ở cộng đồng mà chính phủ muốn giúp đỡ tới 80.000 người nghiện ma túy trước năm 2015 là một chương trình quan trọng. Đây là cách thức đúng đắn để giải quyết vấn đề. Trong hai năm qua chính phủ đã ra sức nới rộng chương trình này. Giờ đây chương trình này đã từ chỗ chỉ có hai tỉnh thí điểm thành 26 trung tâm trên cả nước và đang có kế hoạch để lập thêm nhiều trung tâm nữa.”

Liên Hiệp Quốc cho biết có rất ít bằng chứng để chứng minh rằng việc cưỡng bức tạm giam có thể giảm tỉ lệ mắc nghiện trở lại. Trên thực tế, đa số các trại viên là những người từng bị tạm giam hơn một lần.

HRW kêu gọi tất cả các nhà tài trợ và các công ty ngưng làm việc với các trung tâm cưỡng bức tạm giam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG