Các nhà thiên văn đã chụp được hình ảnh trực tiếp đầu tiên của một hành tinh trong tiến trình hình thành. Được chụp bởi các viễn vọng kính mạnh ở Đài Quan Sát Kech của Hawaii, tấm hình này cho thấy một hành tinh nhỏ quay trên quỹ đạo với một khoảng cách rộng giữa ngôi sao mẹ của nó và một đĩa xoáy bụi và khí, hút vật chất từ đĩa này khi nó tiếp tục tăng trưởng.
Nhà thiên văn thuộc Trường Đại Học Hawaii, Adam Kraus, nói rằng đám hơi khổng lồ này là một hành tinh trẻ nhất tìm thấy được từ trước tới nay và có lẽ bắt đầu tạo hình chỉ khoảng 50 ngàn tới 100 ngàn năm trước đây. Ngôi sao mẹ của nó (được đặt tên là LkCa15) cũng còn đang trong thời thơ ấu của nó mới chỉ khoảng 2 triệu năm tuổi. Thái dương hệ non trẻ này ở cách Trái Đất khoảng 450 năm ánh sáng, trong chòm sao Taurus.
Ông Kraus và đồng nghiệp của ông, Michael Ireland (thuộc Trường Đại Học Mcquire Đài Quan Sát Thiên Văn Australia) đã sử dụng kỹ thuật đặc biệt để chụp những hình này. Kỹ thuật đó cho phép huỷ bỏ ánh sáng của ngôi sao này để có thể thấy rõ đĩa bụi, khoảng cách, và hành tinh con.
Đã từ lâu, các nhà thiên văn tin là khi những hành tinh nguyên thủy thành hình thì chúng tạo ra khoảng không gian trống được quan sát chung quanh những ngôi sao trẻ. Giờ đây khi họ đã chứng tỏ được khả năng theo dõi một thế giới mới thành hình như vậy thì chẳng bao lâu các nhà khoa học có thể khám phá thêm nhiều trường hợp nữa.