Viết về Nelson Mandela, hầu như tất cả mọi người, kể cả tôi, trong bài “Quyền lực của sự tha thứ”, đều cho công lao lớn nhất của Mandela đối với Nam Phi và bài học quý nhất mà Mandela đã để lại cho nhân loại chính là tinh thần hòa giải dân tộc, trong đó, nội dung quan trọng nhất là biết quên quá khứ và tha thứ cho kẻ thù để mọi người cùng nhau xây dựng lại đất nước trong hòa bình và công lý.
Hòa giải dân tộc cũng là một vấn đề người Việt chúng ta lâu nay vẫn bàn cãi. Mà không phải chỉ có chúng ta, hầu như ở khắp nơi, người ta cũng đều đặt ra vấn đề này. Có thể nói hoà giải là một vấn đề lớn trong chính trị học hiện đại. Xưa, quan hệ giữa người thắng và kẻ thua rất rõ: Người thắng cai trị, còn người thua thì bị trị, nếu bướng bỉnh thì bị giết chết. Mọi xung đột đều được giải quyết bằng khẩu súng, hoặc trước đó nữa, bằng lưỡi gươm. Không ai đặt ra chuyện hòa giải.
Chuyện hòa giải chỉ được đặt ra chủ yếu từ đầu thế kỷ 20. Có hai lý do chính. Một, trừ hai cuộc thế chiến, phần lớn chiến tranh đều là chiến tranh giữa những người cùng một nước. Khi chiến tranh kết thúc, nhu cầu xây dựng đất nước trở thành khẩn thiết. Mà để xây dựng đất nước, người ta lại cần sự đóng góp của nhiều người, nếu không muốn nói là của tất cả mọi người. Hai, do sự phát triển của xu hướng dân chủ và ý thức nhân quyền, từ đó, do áp lực của thế giới, những người chiến thắng không dễ dàng tiêu diệt những kẻ chiến bại như trước. Cả hai, thắng và bại, đều tồn tại cạnh nhau, do đó, ít nhiều cần nhau. Sự thù hận của những kẻ chiến bại trở thành một nguy cơ đối với những người chiến thắng. Từ hai lý do ấy, vấn đề hòa giải được đặt ra.
Có thể nói nhu cầu hòa giải xuất phát từ bốn động cơ chính. Thứ nhất, động cơ đạo đức: Xưa, như Đức Phật từng nói, việc lấy oán trả oán không giải quyết được gì cả. Sống, người ta cần sự khoan dung, hoặc ít nhất, sự hợp tác. Thứ hai, nhu cầu chính trị: Trừ phi người ta có thể giết sạch hết kẻ thù, không ai có thể sống yên ổn hay bảo vệ được quyền lực của mình nếu không hóa giải được sự thù hận và hiềm khích của người khác. Hòa giải, do đó, là một chiến lược chính trị được dùng để vô hiệu hóa, hoặc nếu không, để giảm trừ sự xung đột. Thứ ba, nhu cầu kinh tế: Có hòa giải mới có sự hợp tác; có hợp tác mới có phát triển; và có phát triển mới có thịnh vượng. Cuối cùng, thứ tư, nhu cầu xã hội: Quan hệ giữa người và người chỉ êm ấm khi mọi oán thù được hóa giải.
Như vậy, hòa giải vừa có tính lý tưởng vừa có tính thực tế. Lý tưởng: đó là điều người ta nên làm để bảo vệ hòa bình. Thực tế: người ta không có lựa chọn nào khác tốt đẹp hơn cả.
Trong trường hợp của Việt Nam, không ai có thể tìm ra lý do nào chính đáng để phản đối hay phê phán sự hòa giải giữa những người Việt với nhau. Chỉ cần tỉnh táo một chút, hầu như ai cũng đồng ý với nhau một số điểm: Một, những cuộc chiến tranh, trong đó có khá nhiều là nội chiến, kéo dài khiến người Việt không ngớt nghi kỵ và thù ghét lẫn nhau. Hai, đất nước sẽ không bao giờ có thể thực sự thống nhất và bình yên nếu những sự nghi kỵ và thù ghét ấy vẫn còn tồn tại. Ba, để hướng tới tương lai, một trong những công việc đầu tiên người Việt cần làm là hòa giải. Bốn, nền tảng đạo đức sâu xa của ba điểm trên là: Tất cả đều là người Việt. Cùng một dòng máu và một tổ tiên.
Nhưng hoà giải bằng cách nào?
Chính ở đây, Nelson Mandela cho chúng ta khá nhiều bài học quý báu.
Mặc dù nổi tiếng là người có tinh thần hòa giải và có khả năng tha thứ ngay cả với những chuyện, bình thường, vốn khó, nếu không muốn nói là không thể tha thứ được, Mandela không phải là nhà tôn giáo, ông không hề chủ trương nếu ai tát vào má phải thì giơ luôn má trái cho người ta tát tiếp. Với Mandela, một sự hòa giải và tha thứ thực sự bao giờ cũng đi kèm một số điều kiện nhất định.
Thứ nhất, Mandela không xem hòa giải hay tha thứ là một sách lược trong thời gian ông còn ở trong tù và lúc đồng bào của ông còn bị kỳ thị và áp bức. Nên nhớ là trong 27 năm bị giam cầm, chính quyền Nam Phi đã nhiều lần đề nghị thả Mandela nếu ông hứa thực hiện một số điều họ yêu cầu; một trong những yêu cầu ấy là Mandela phải chính thức tuyên bố từ bỏ con đường đấu tranh bằng bạo động và kêu gọi đồng bào ông buông vũ khí hết xuống. Mandela từ chối. Ông ra điều kiện ngược lại: Ông sẽ làm điều đó nếu chính quyền người da trắng cai trị Nam Phi lúc ấy cũng từ bỏ bạo lực, không dùng bạo lực để bóc lột và đàn áp người da đen. Chính vì sự cứng rắn ấy, nhiều quốc gia Tây phương vốn hỗ trợ chính quyền người da trắng ở Nam Phi đã liệt Mandela vào danh sách những kẻ khủng bố. Tên của Mandela vẫn nằm trong danh sách những tên khủng bố cần cảnh giác ở Mỹ cho đến tận năm 2008!
Ngay cả khi Tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk đề nghị thành lập một chính phủ lâm thời gồm cả người da trắng lẫn người da đen nhưng với điều kiện người đa trắng nắm quyền phủ quyết, Mandela vẫn tuyên bố: chẳng thà ông tiếp tục ngồi tù còn hơn chấp nhận một nguyên tắc bất bình đẳng và phi dân chủ như vậy! Mandela chỉ đồng ý ra khỏi nhà tù khi chính phủ Nam Phi lúc ấy chấp nhận bãi bỏ chế độ kỳ thị chủng tộc.
Thứ hai, khi được bầu làm Tổng thống Nam Phi, một trong những việc đầu tiên Mandela làm là ký sắc lệnh vô hiệu hóa sắc lệnh ân xá cho hơn 4000 cảnh sát và nhân viên an ninh người da trắng do vị Tổng thống da trắng tiền nhiệm Klerk ký. Mandela sẵn sàng tha thứ nhưng ông không thể tha thứ cho những kẻ sát nhân một cách dễ dãi như vậy. Ông cho thành lập một Ủy ban Chân lý và Hòa giải để buộc những kẻ có tội phải công khai thú tội và xin tha thứ. Khi tội ác được thực hiện một cách công khai, việc thú tội và xin tha tội cũng phải được công khai hóa. Ông cho có như vậy, sự thú tội và xin tha tội mới thành thực và các nạn nhân mới có thể thanh thản tha thứ và chấp nhận gác quá khứ lại sau lưng.
Có thể nói, với Mandela, sự tha thứ và hòa giải chỉ có thể thực hiện trong tư thế bình đẳng, tinh thần tôn trọng pháp luật và nhắm đến mục tiêu xây dựng một đất nước hòa bình, pháp quyền và thịnh vượng.
Quay lại trường hợp của Việt Nam, liệu những lời kêu gọi hòa giải có thực tế khi những kẻ cầm quyền vẫn tiếp tục sử dụng bạo lực để đàn áp dân chúng và chà đạp lên mọi quyền làm người căn bản nhất? khi những nạn nhân không những không được xin lỗi mà còn tiếp tục bị nguyền rủa và kỳ thị? khi mọi hiềm khích và thù hận vẫn còn nguyên vẹn? khi chuyện hoà giải, về phía chính quyền, chỉ là một chiêu bài giả dối?
Hoà giải không phải là đưa tay ra bắt kẻ đang cầm dao đâm mình.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Hòa giải dân tộc cũng là một vấn đề người Việt chúng ta lâu nay vẫn bàn cãi. Mà không phải chỉ có chúng ta, hầu như ở khắp nơi, người ta cũng đều đặt ra vấn đề này. Có thể nói hoà giải là một vấn đề lớn trong chính trị học hiện đại. Xưa, quan hệ giữa người thắng và kẻ thua rất rõ: Người thắng cai trị, còn người thua thì bị trị, nếu bướng bỉnh thì bị giết chết. Mọi xung đột đều được giải quyết bằng khẩu súng, hoặc trước đó nữa, bằng lưỡi gươm. Không ai đặt ra chuyện hòa giải.
Chuyện hòa giải chỉ được đặt ra chủ yếu từ đầu thế kỷ 20. Có hai lý do chính. Một, trừ hai cuộc thế chiến, phần lớn chiến tranh đều là chiến tranh giữa những người cùng một nước. Khi chiến tranh kết thúc, nhu cầu xây dựng đất nước trở thành khẩn thiết. Mà để xây dựng đất nước, người ta lại cần sự đóng góp của nhiều người, nếu không muốn nói là của tất cả mọi người. Hai, do sự phát triển của xu hướng dân chủ và ý thức nhân quyền, từ đó, do áp lực của thế giới, những người chiến thắng không dễ dàng tiêu diệt những kẻ chiến bại như trước. Cả hai, thắng và bại, đều tồn tại cạnh nhau, do đó, ít nhiều cần nhau. Sự thù hận của những kẻ chiến bại trở thành một nguy cơ đối với những người chiến thắng. Từ hai lý do ấy, vấn đề hòa giải được đặt ra.
Có thể nói nhu cầu hòa giải xuất phát từ bốn động cơ chính. Thứ nhất, động cơ đạo đức: Xưa, như Đức Phật từng nói, việc lấy oán trả oán không giải quyết được gì cả. Sống, người ta cần sự khoan dung, hoặc ít nhất, sự hợp tác. Thứ hai, nhu cầu chính trị: Trừ phi người ta có thể giết sạch hết kẻ thù, không ai có thể sống yên ổn hay bảo vệ được quyền lực của mình nếu không hóa giải được sự thù hận và hiềm khích của người khác. Hòa giải, do đó, là một chiến lược chính trị được dùng để vô hiệu hóa, hoặc nếu không, để giảm trừ sự xung đột. Thứ ba, nhu cầu kinh tế: Có hòa giải mới có sự hợp tác; có hợp tác mới có phát triển; và có phát triển mới có thịnh vượng. Cuối cùng, thứ tư, nhu cầu xã hội: Quan hệ giữa người và người chỉ êm ấm khi mọi oán thù được hóa giải.
Như vậy, hòa giải vừa có tính lý tưởng vừa có tính thực tế. Lý tưởng: đó là điều người ta nên làm để bảo vệ hòa bình. Thực tế: người ta không có lựa chọn nào khác tốt đẹp hơn cả.
Trong trường hợp của Việt Nam, không ai có thể tìm ra lý do nào chính đáng để phản đối hay phê phán sự hòa giải giữa những người Việt với nhau. Chỉ cần tỉnh táo một chút, hầu như ai cũng đồng ý với nhau một số điểm: Một, những cuộc chiến tranh, trong đó có khá nhiều là nội chiến, kéo dài khiến người Việt không ngớt nghi kỵ và thù ghét lẫn nhau. Hai, đất nước sẽ không bao giờ có thể thực sự thống nhất và bình yên nếu những sự nghi kỵ và thù ghét ấy vẫn còn tồn tại. Ba, để hướng tới tương lai, một trong những công việc đầu tiên người Việt cần làm là hòa giải. Bốn, nền tảng đạo đức sâu xa của ba điểm trên là: Tất cả đều là người Việt. Cùng một dòng máu và một tổ tiên.
Nhưng hoà giải bằng cách nào?
Chính ở đây, Nelson Mandela cho chúng ta khá nhiều bài học quý báu.
Mặc dù nổi tiếng là người có tinh thần hòa giải và có khả năng tha thứ ngay cả với những chuyện, bình thường, vốn khó, nếu không muốn nói là không thể tha thứ được, Mandela không phải là nhà tôn giáo, ông không hề chủ trương nếu ai tát vào má phải thì giơ luôn má trái cho người ta tát tiếp. Với Mandela, một sự hòa giải và tha thứ thực sự bao giờ cũng đi kèm một số điều kiện nhất định.
Thứ nhất, Mandela không xem hòa giải hay tha thứ là một sách lược trong thời gian ông còn ở trong tù và lúc đồng bào của ông còn bị kỳ thị và áp bức. Nên nhớ là trong 27 năm bị giam cầm, chính quyền Nam Phi đã nhiều lần đề nghị thả Mandela nếu ông hứa thực hiện một số điều họ yêu cầu; một trong những yêu cầu ấy là Mandela phải chính thức tuyên bố từ bỏ con đường đấu tranh bằng bạo động và kêu gọi đồng bào ông buông vũ khí hết xuống. Mandela từ chối. Ông ra điều kiện ngược lại: Ông sẽ làm điều đó nếu chính quyền người da trắng cai trị Nam Phi lúc ấy cũng từ bỏ bạo lực, không dùng bạo lực để bóc lột và đàn áp người da đen. Chính vì sự cứng rắn ấy, nhiều quốc gia Tây phương vốn hỗ trợ chính quyền người da trắng ở Nam Phi đã liệt Mandela vào danh sách những kẻ khủng bố. Tên của Mandela vẫn nằm trong danh sách những tên khủng bố cần cảnh giác ở Mỹ cho đến tận năm 2008!
Ngay cả khi Tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk đề nghị thành lập một chính phủ lâm thời gồm cả người da trắng lẫn người da đen nhưng với điều kiện người đa trắng nắm quyền phủ quyết, Mandela vẫn tuyên bố: chẳng thà ông tiếp tục ngồi tù còn hơn chấp nhận một nguyên tắc bất bình đẳng và phi dân chủ như vậy! Mandela chỉ đồng ý ra khỏi nhà tù khi chính phủ Nam Phi lúc ấy chấp nhận bãi bỏ chế độ kỳ thị chủng tộc.
Thứ hai, khi được bầu làm Tổng thống Nam Phi, một trong những việc đầu tiên Mandela làm là ký sắc lệnh vô hiệu hóa sắc lệnh ân xá cho hơn 4000 cảnh sát và nhân viên an ninh người da trắng do vị Tổng thống da trắng tiền nhiệm Klerk ký. Mandela sẵn sàng tha thứ nhưng ông không thể tha thứ cho những kẻ sát nhân một cách dễ dãi như vậy. Ông cho thành lập một Ủy ban Chân lý và Hòa giải để buộc những kẻ có tội phải công khai thú tội và xin tha thứ. Khi tội ác được thực hiện một cách công khai, việc thú tội và xin tha tội cũng phải được công khai hóa. Ông cho có như vậy, sự thú tội và xin tha tội mới thành thực và các nạn nhân mới có thể thanh thản tha thứ và chấp nhận gác quá khứ lại sau lưng.
Có thể nói, với Mandela, sự tha thứ và hòa giải chỉ có thể thực hiện trong tư thế bình đẳng, tinh thần tôn trọng pháp luật và nhắm đến mục tiêu xây dựng một đất nước hòa bình, pháp quyền và thịnh vượng.
Quay lại trường hợp của Việt Nam, liệu những lời kêu gọi hòa giải có thực tế khi những kẻ cầm quyền vẫn tiếp tục sử dụng bạo lực để đàn áp dân chúng và chà đạp lên mọi quyền làm người căn bản nhất? khi những nạn nhân không những không được xin lỗi mà còn tiếp tục bị nguyền rủa và kỳ thị? khi mọi hiềm khích và thù hận vẫn còn nguyên vẹn? khi chuyện hoà giải, về phía chính quyền, chỉ là một chiêu bài giả dối?
Hoà giải không phải là đưa tay ra bắt kẻ đang cầm dao đâm mình.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.