Triều Tiên đang điều hành hơn 50 nhà hàng có nhân viên của họ ở hơn 10 thành phố của Trung Quốc, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc, theo một nguồn tin ngoại giao.
Chế độ Triều Tiên lấy phần lớn tiền lương mà công nhân kiếm được ở nước ngoài để tài trợ cho các chương trình hạt nhân và phi đạn.
Nguồn tin yêu cầu không nêu tên vì người này không được phép nói chuyện với báo chí, đã cung cấp cho VOA tên các nhà hàng bằng tiếng Hàn và tiếng Trung cũng như địa chỉ ở Trung Quốc.
Nguồn tin cho biết, Hội đồng chuyên gia của Liên hiệp quốc giám sát việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên dự kiến sẽ đưa danh sách này vào một phúc trình dự kiến công bố trong vài tuần tới.
Bình luận về những phát hiện của VOA, Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc thi hành các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Theo Nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an, tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc có nghĩa vụ hồi hương các công dân Triều Tiên kiếm tiền trong phạm vi tài phán của các nước, trừ một số trường hợp ngoại lệ nhất định”.
“Doanh thu do người lao động Triều Tiên ở nước ngoài tạo ra được sử dụng để tài trợ cho các chương trình WMD [vũ khí hủy diệt hàng loạt] và phi đạn đạn đạo của Triều Tiên,” phát ngôn viên cho biết hôm 12/3 qua email gửi tới VOA.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết 2397 vào năm 2017 yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải đưa công nhân Triều Tiên trở về nước trước tháng 12 năm 2019. Nghị quyết này được thông qua để đáp trả việc Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào tháng 11 năm 2017.
Đây sẽ là lần đầu tiên danh sách các nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc được đưa vào phúc trình của Hội đồng Chuyên gia Liên hiệp quốc kể từ tháng 12 năm 2019, mặc dù hội đồng đã công bố phúc trình liệt kê các nhà hàng Triều Tiên 9 tháng trước đó.
Ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington, nói với đài VOA hôm 11/3 rằng ông “không biết về tình hình cụ thể”.
Ông cho biết qua email: “Trung Quốc đã nghiêm túc thực hiện các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an. Các nghị quyết này không chỉ về các chế tài mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi phản đối việc áp dụng cách tiếp cận có chọn lọc, chỉ trừng phạt mà không chú trọng đến việc thúc đẩy đối thoại”.
Ông Joshua Stanton, một luật sư có trụ sở tại Washington, người đã giúp soạn thảo Đạo luật Thực thi Chính sách và Trừng phạt của Hoa Kỳ năm 2016, nói: “Việc Trung Quốc cho phép họ làm việc trong lãnh thổ của mình 5 năm sau thời hạn chót Liên hiệp quốc đề ra cho việc hồi hương là một bằng chứng nữa, có thể được thêm vào hồ sơ bằng chứng vốn đã phong phú, rằng họ vi phạm trắng trợn các chế tài mà họ đã bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an.”
Ông Stanton cho biết qua email gửi tới VOA hôm 13/3 rằng Triều Tiên sử dụng các nhà hàng họ thành lập ở nước ngoài làm “bình phong để rửa tiền từ lao động cưỡng bức, tội phạm mạng và các hoạt động bất hợp pháp khác”.
Ông cho biết, chế độ này cũng gửi phụ nữ trẻ từ Triều Tiên đi làm việc nhiều giờ tại các nhà hàng của họ ở nước ngoài và sau đó tịch thu phần lớn hoặc toàn bộ tiền lương của họ.
Danh sách này bao gồm bảy nhà hàng Triều Tiên ở Bắc Kinh và bảy nhà hàng ở Thượng Hải.
Thẩm Dương, một thành phố thuộc tỉnh Liêu Ninh giáp biên giới Triều Tiên, có 17 nhà hàng.
Đan Đông, thành phố cách thành phố Shinuiju của Triều Tiên khoảng 12 km, là nơi tập trung nhiều nhà hàng Triều Tiên lớn thứ hai trong danh sách. Shinuiju nằm gần Cầu hữu nghị Trung-Triều nối liền hai nước.
Ông Aaron Arnold, cựu thành viên Hội đồng Chuyên gia Liên hiệp quốc về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên và hiện là cộng tác viên cấp cao tại Viện Các dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức nghiên cứu an ninh có trụ sở tại London, nói với đài VOA rằng Trung Quốc và Triều Tiên có thể vi phạm các chế tài khác của Liên hiệp quốc. Ông đã nói chuyện với VOA hôm 13/3 qua email.
Theo ông Arnold, nếu các nhà hàng được coi là liên doanh thì họ vi phạm Nghị quyết 2270, cấm thành lập các thực thể mới với Triều Tiên. Ông nói: Nếu các nhà hàng có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc thì cũng vi phạm Nghị quyết 1874.
Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an, được thông qua vào năm 2017, cấm tất cả các liên doanh, kể cả những liên doanh hiện có được thành lập với Triều Tiên.
Ông Stanton nói: “Chính phủ của chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm nếu các ngân hàng Trung Quốc cố tình hoặc sơ suất rửa số tiền đó mà không phải đối mặt với trát đòi hầu tòa, không bị điều tra, không bị các biện pháp đặc biệt và các chế tài thứ cấp”.
Các chế tài thứ cấp đề cập đến các biện pháp trừng phạt nhắm vào các thực thể và cá nhân nước ngoài như ngân hàng Trung Quốc tiến hành kinh doanh với các thực thể, cá nhân và quốc gia đã bị trừng phạt như Triều Tiên.
Ông Arnold nói sự hiện diện của các nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc là “một ví dụ nữa về việc Trung Quốc không thực hiện nghĩa vụ trừng phạt của mình”.
Triều Tiên trước đây cũng từng điều hành các nhà hàng ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Một số đã đóng cửa kề từ khi có các chế tài và đại dịch COVID-19, trong khi môt số nhà hàng khác vẫn còn mở cửa.