Thính giả Phong Trần, ở Dallas, Texas hỏi:
"Chào Bác sĩ,
Mẹ tôi năm nay 82 tuổi. Lúc này thường hay bực bội và khó chịu rầy rà con cháu hoài. Hình như lúc này đi tiểu không bình thường. Đái không hết nên bị đái són, gây cho bà bực bội và khó chịu.
Vậy có thuốc gì chữa được bịnh đái són không? Xin Bác sĩ vui lòng chỉ dạy cho để tôi có thể giúp mẹ tôi khỏi cái bịnh này để trở lại đời sống bình thường.
Cảm ơn Bác sĩ.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Bịnh són tiểu phụ nữ lớn tuổi
Người ta ước tính trên 1/3 phụ nữ lớn tuổi bị són tiểu, tỷ lệ ở đàn ông chỉ chừng 1/2 so với tỷ lệ phụ nữ.
Són tiểu gây nhiều phiền toái, nhiều vấn đề vệ sinh cũng như có thể gây ra một số bịnh khác như nhiễm trùng đường tiểu, ngoài da, nhiễm nấm (fungal infection), lở loét da, mất ngủ, đi bị té, tai nạn. Phụ nữ dễ bị són tiểu hơn có thể vì niệu đạo (urethra, ống dẫn nước tiểu từ bọng đái ra ngoài) và có thể vì các cơ vùng đáy xương chậu (pelvic floor) bị giãn, hay bị rách mà không lành lại tốt sau khi sanh. (Tuy nhiên một nghiên cứu trên các nữ tu sau thời bế kinh cho biết 50% bị són tiểu, cho nên ảnh hưởng của vấn đề sinh đẻ cũng không rõ ràng lắm).
Phụ nữ càng già và càng yếu thì càng dễ bị són tiểu hơn, do các cơ yếu đi, các bịnh mãn tính khác, ví dụ như ho có thể làm són tiểu, do đẩy bọng đái xuống thấp; một số thuốc hạ áp huyết có thể gây ho thường xuyên.
Người rất lớn tuổi có thể ít ý thức hơn về vấn đề són tiểu, và có thể không cho bs biết để cải thiện tình hình.
Ba loại són tiểu:
a) Són tiểu do stress (Stress incontinence) xảy ra lúc ho, rặn, dồn sức đẩy, khiêng vật nặng, cười, hắt hơi là những lúc áp suất trong bụng gia tăng (stress ở đây là stress trên cổ bọng đái nơi kiểm soát đường ra của nước tiểu.
b) Són tiểu vì bọng đái quá năng động, thôi thúc đi tiểu quá nhiều, đái láu ( urge incontinence): cơ detrusor của bọng đái quá nhạy cảm, hoạt động quá mức (overactive bladder), làm người bịnh thấy phải đi tiểu ngay dù là đang làm việc, tiếp khách, không nín được, sợ són tiểu, nhưng chỉ tiểu ra được chút ít vì bọng đái chưa đầy, và như thế phải đi tiểu trên 8 lần/ngày, thức dậy trên 2-3 lần mỗi đêm. Trường hợp nặng hơn, cơ detrusor bóp mạnh quá, bóp không đúng lúc làm cơ tròn (sphincter) cổ bọng đái không còn giữ nổi nước tiểu khiến phải đi tiểu liền, không chờ lâu hơn được
c) Són tiểu vì bọng đái tràn (overflow incontinence): đường thoát nước tiểu quá hẹp, thường là nam giới bị bịnh tuyến tiền liệt làm nghẽn niệu đạo, bọng đái căng tới mức không chứa thêm nước tiểu nữa thì tràn ra ngoài; bịnh nhân có đi tiểu nhưng bọng đái vẫn đầy, dần dần bọng đái mất khả năng co bóp của nó.
d) Một người bịnh có thể bị cả 3 nguyên nhân kết hợp với nhau.
Đương nhiên chúng ta không thể thay thế bác sĩ chuyên khoa (phụ nữ hay niệu khoa/ gynecologist, urologist) định bịnh và giải quyết vấn đề cho bịnh nhân. Những trị liệu như tập các cơ/bắp thịt của vùng xương chậu cho mạnh hơn (pelvic floor muscle exercise), do đó kiểm soát được lúc nào muốn tiểu tiện theo ý muốn có thể được bác sĩ nhờ chuyên viên vật lý trị liệu thực hiện dạy cho bịnh nhân. Tuy nhiên có thể không thực tế trong trường hợp bịnh nhân quá yếu hay quá già.
Thuốc dùng chữa són tiểu cũng rất giới hạn. Các bs thường dùng một loại thuốc chống co thắt cơ bọng đái, làm bọng đái chứa một thể tích lớn hơn cho đến lúc bịnh nhân cảm thấy mắc tiểu, và lúc tiểu áp suất trong bọng đái cao hơn (antispasmodic/antimuscarinic agents): oxybutinin hydrochloride (Ditropan® và Ditropan XL®, Oxytrol® transdermal patch [thuốc dán]), và tolterodine tartrate (Detrol® and Detrol LA®, cẩn thận nếu bịnh gan và thận).Thuốc làm khô miệng.
Phụ nữ són tiểu có thể vì các bộ phận trong vùng xương chậu "toạ" xuống quá thấp (pelvic organ prolapse). Bác sĩ có thể nhét vào âm đạo một cái vòng cao su (pessary) để nâng tử cung lên cao hơn, tạo nên một góc xếp trên niệu đạo, làm cho bịnh nhân kiểm soát đường nước tiểu đi ra tốt hơn.
Niêm mạc trong âm đạo người già mỏng và yếu, cần được nhân viên chuyên môn có kinh nghiệm chuẩn bị bằng kem chứa hormon estrogen nếu cần. Lúc đầu phải khám lại mỗi tuần, sau đó theo định kỳ lâu hơn, hàng tháng hay hàng năm.
Người săn sóc cho phụ nữ lớn tuổi có thể để ý những khía cạnh sau đây:
1) Những điều kiện nhất thời, có thể ngắn hạn có thể giải quyết được.
Ví dụ:
a) nhiễm trùng âm hộ; nhiễm trùng đường tiểu phía trên như thận, bọng đái;
b) bón làm phân ứ đọng trong ruột già, phía sau tử cung và bọng đái, làm cổ bọng đái (neck of the bladder) bị kích thích, dễ mắc tiểu;
2) Một số bịnh của người già nếu không chữa đúng mức có thể ảnh hưởng đến vấn đề són tiểu như bịnh tiểu đường (diabetes), suyễn, viêm phế quản mãn tính, suy tim , bịnh Parkinson.
3) Thuốc men có thể ảnh hưởng tới cơ năng tiểu tiện; nhất là thuốc lợi tiểu (diuretics, làm nước tiểu nhiều hơn), thuốc chống co thắt cơ (antispasmodics), thuốc calcium channel blocker dùng hạ áp huyết; thuốc chữa bịnh Parkinson; thuốc chống dị ứng như Benadryl (làm giãn cơ bọng đái, lúc quá đầy thì nước tiểu tràn); thuốc an thần thuốc giảm đau.
4) Người già có thể khó khăn trong một số động tác, như khó cởi nút quần, đi đứng chậm chạp lên xuống ghế, giường, ngồi xuống đứng dậy trong phòng tắm. Cải thiện bằng cách mặc quần
áo dễ mở, dễ cài (ví dụ gắn velcro thay vì nút, zipper). Giúp đến toilet nhanh hơn, tránh té, tai nạn: đường đi có đèn sáng, làm dấu rõ ràng, có chỗ vịn. Dùng máy rửa bidet tự động nếu khó khăn lau sau khi dùng phòng tắm, nếu lau nhớ đi từ trước ra sau để tránh phân dính vào bộ phận sinh dục phía trước.
5) Nhu cầu về nước là một vấn đề quan trọng. Người già có thể kiêng uống nước vì sợ phải mắc tiểu, hoặc họ không tỉnh táo lắm và không thấy cần uống nước trừ có người nhắc. Ngược lại cần một lượng nước đúng mức cơ thể mới điều hoà được các nhu cầu như nước mất trong hơi thở, bốc hơi, mồ hôi ngoài da... Nếu không đủ nước, phân sẽ khô và dễ gây bón, nước tiểu quá đậm đặc làm khó chịu bọng đái, làm mắc tiểu thường hơn và khó nhịn, nín tiểu hơn. Những chất có alcohol như rượu, bia, thuốc rượu, cơm rượu, có caffeine như cà phê, trà, nước ngọt như coca cola, làm đi tiểu nhiều hơn và mất nước. Nói chung cần chừng 30 ml nước cho mỗi kg cân nặng; ví dụ cân nặng 50 kg cần 1,5 lít nước/ngày, tính luôn nước trong thức ăn (canh, soup, chè, cháo, vv,) thức uống. Nên uống phần lớn nước trước bữa ăn chiều, sau đó uống ít thôi để tránh đi tiểu đêm.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 10 tháng 7 năm 2017
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.