Biden và McCarthy thỏa hiệp

Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có cảnh tượng Hành pháp và Lập pháp phải tranh đấu với nhau trong chuyện nhà nước được vay nợ bao nhiêu. Đối với nhiều nước, số nợ nần không quan trọng.

Cuối cùng, ông McCarthy có thể tuyên bố thắng lợi vì đã cắt được rất nhiều món chi tiêu xưa nay vẫn được đảng Dân Chủ ủng hộ. Nhưng ông Biden cũng có cơ hội chứng tỏ ích lợi thực tiễn của chủ trương hòa hiệp giữa hai đảng, như ông vẫn cổ động từ khi nhậm chức.

Trên nguyên tắc, chính phủ Mỹ đã “đụng trần nợ” từ đầu tháng Giêng 2023; không được vay thêm nữa, phải “giật gấu vá vai” để có tiền chi tiêu. Ông Biden cần được nâng cao trần nợ cho chính phủ tiếp tục hoạt động.

Cuối tuần qua, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy mới đồng ý một dự thảo luật thỏa hiệp về “Trần Nợ.” Bây giờ quốc hội phải quyết định có thông qua trong tuần này hay không. Nếu không, thì vào đầu tháng Sáu chính phủ Mỹ sẽ “vỡ nợ,” không có tiền trả vốn và lãi các món nợ cũ. Kinh tế Mỹ sẽ suy sụp và cả thế giới sẽ xuống theo.

Nghị sĩ Mitch McConnell, Cộng Hòa, Kentucky, tỏ ý ủng hộ bản thỏa hiệp; khối Dân Chủ trên Thượng viện chắc cũng đồng ý. Nhưng tại Hạ viện, nhiều dân biểu phản đối, thuộc cả hai đảng. Ông McCarthy sẽ phải thuyết phục các đồng viện Cộng Hòa, ông Biden cũng phải lo giải thích với các dân biểu Dân Chủ.

Thỏa hiệp quan trọng nhất là sẽ “ngưng không áp dụng” mức trần nợ hiện nay, $31.4 ngàn tỷ mỹ kim, cho đến năm 2025. Thỏa hiệp có lợi cho cả hai bên. Cả hai đều không muốn “đấu đá” nhau về chuyện nợ nần trong cuộc bầu cử năm 2024. Chỉ nói “ngưng áp dụng” thì ông McCarthy có thể giải thích rằng ông vẫn không chấp nhận nâng trần nợ, như nhiều đại biểu Cộng Hòa đòi hỏi. Chính phủ Biden thì được tiếp tục vay thêm, bán công khố phiếu (thường gọi tắt là Treasuries) để bù lấp lỗ hổng khiếm hụt ngân sách, dù tổng số nợ đã vượt lên trên cái trần cũ.

Có thể nói Kevin McCarthy đã thắng lợi. Ông Biden đã chịu nhường, cắt giảm nhiều chi phí về trợ cấp xã hội và y tế theo yêu cầu của ông McCarthy. Nhưng ông có thể biện minh đã không cắt nhiều như đảng Cộng Hòa đòi hỏi trong một dự luật của Hạ viện tháng trước.

Dự luật của ông Kevin McCarthy đã được các đại biểu Cộng Hòa chiếm đa số trong Hạ viện thông qua, sẽ cắt bỏ rất nhiều thứ trợ cấp. Những người từ 50 đến 55 tuổi đang hưởng “phiếu mua thực phẩm” (food stamps) sẽ phải đi làm ít nhất 20 giờ mỗi tuần. Nếu áp dụng, 275,000 người sẽ mất “food stamps” nếu không kiếm được việc làm. Hiện nay, chỉ những người từ 18 đến 49 tuổi phải theo điều kiện đó để được lãnh “food stamps” hơn ba tháng trong thời gian ba năm. Dự luật mới vẫn bắt những người từ 50 đến 54 tuổi phải đi làm, nhưng sẽ không áp dụng đối với các cựu chiến binh, những người không có chỗ ở, và những trẻ em đang sống với cha mẹ nuôi.

Dự luật cũ của ông Kevin McCarthy tại Hạ viện cũng tính đòi hỏi những người từ 19 đến 55 tuổi đang hưởng trợ cấp y tế cho người nghèo (Medicaid, Medical ở California) phải đi làm ít nhất 80 giờ một tháng. Hậu quả là có thể cắt trợ cấp y tế của 1.7 triệu người lợi tức thấp tại các tiểu bang đã mở rộng chương trình Medicaid sau đạo luật ACA, thường gọi là Obama Care.

Một điều ít được nhắc tới là phần lớn những người hưởng Medicaid thường vẫn làm việc, trừ khi không có sức. Năm 2021, trong số 25 triệu người hưởng Medicaid có 61 phần trăm đang đi làm, toàn phần hay bán thời gian. Số còn lại là những người bị tật nguyền, phải trông coi con nhỏ hoặc đang đi học.

Năm 2018 tiểu bang Arkansas áp dụng luật buộc người hưởng Medicaid phải đi làm. Một cuộc nghiên cứu của tạp chí y tế The New England Journal of Medicine cho biết sau đó khoảng17,000 người đã bị mất Medicaid,13 phần trăm tổng số, nhưng số người làm việc trong tiểu bang không thay đổi bao nhiêu. Sau đó, một tòa án liên bang đã xóa bỏ đạo luật này vì vi hiến.

Trong một nhượng bộ lớn với ông McCarthy, ông Biden chịu cắt bớt ngân sách của I.R.S. Năm ngoái, ông đã tăng $80 tỷ đô la cho Sở Thuế liên bang; trong năm qua đảng Cộng Hòa vẫn đòi phải xóa bỏ hết. Số tiền này sẽ giúp tuyển thêm hàng ngàn nhân viên và tân trang hệ thống tin học của IRS (được mô tả là không hiệu quả bằng một cái điện thoại iPhone) trong 10 năm tới. Mục tiêu chính là kiểm tra hồ sơ thuế của các người giàu nhất nước, chiếm một phần ngàn (0.1%) cho đến 1% dân đóng thuế; hy vọng sẽ thâu được thêm hàng trăm tỷ mỹ kim. Ông cũng hứa là không nhắm vào những người lợi tức dưới $400,000 mỹ kim một năm. Năm nay, ông chấp nhận cắt bỏ $1.38 tỷ và chuyển $20 tỷ đô la qua dùng vào việc khác, Sở Thuế chỉ còn được tăng $60 tỷ.

Ông Biden cũng nhượng bộ, bỏ ý định tăng thuế những người lợi tức cao; ông cũng không đặt vấn đề cắt giá tiền mua thuốc cho những người về hưu đang hưởng Medicare, một điều vẫn bị các công ty dược phẩm phản đối quyết liệt. Bản thỏa hiệp mới không nói gì đến các ý kiến đó.

Ông Biden đã phải nhượng bộ rất nhiều. Nhưng không chắc ông McCarthy đã thuyết phục được các đại biểu Cộng Hòa trong Hạ viện chấp nhận thỏa hiệp của ông.

Dân biểu Dan Bishop (C.H.-North Carolina) là người đầu tiên lên tiếng phản đối, yêu cầu các đồng viện bãi chức ông McCarthy vì đã thỏa hiệp nhiều quá. Năm ngoái, sau khi đảng Cộng Hòa chiếm đa số, Dân biểu Bishop là một trong 20 người đã chống ông McCarthy khiến cho ông chỉ đắc cử chức chủ tịch Hạ viện sau 15 lần bỏ phiếu, và hứa sẽ cắt giảm số chi tiêu của chính phủ. Nhóm dân biểu Cộng Hòa này còn yêu cầu thay đổi thủ tục để chỉ cần một người cũng có quyền đề nghị bãi chức chủ tịch. Thời trước, khi bà Nancy Pelosi làm chủ tịch, cần 5 dân biểu mới có thể đề nghị.

Ông Biden cũng đang bị nhiều dân biểu Dân Chủ phản đối, vì đã nhượng bộ nhiều quá! Họ so sánh với thỏa hiệp giữa Tổng thống Donald Trump và bà Nancy Pelosi vào năm 2019. Trong lần mặc cả đó, đảng Dân Chủ thắng thế khi hai bên đồng ý tăng các món chi tiêu về xã hội nhiều hơn cả số tăng thêm trong ngân sách quốc phòng.

Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có cảnh tượng Hành pháp và Lập pháp phải tranh đấu với nhau trong chuyện nhà nước được vay nợ bao nhiêu. Đối với nhiều nước, số nợ nần không quan trọng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund), tổng số nợ của chính phủ Nhật năm 2021 lên tới 221 phần trăm G.D.P. trong khi ở Mỹ chỉ bằng115 phần trăm. Theo tính toán của Sở Ngân sách Quốc hội (CBO, Congressional Budget Office), đến năm 2053 số nợ của chính phủ Mỹ sẽ lên đến 195 phần trăm G.D.P., vẫn còn thấp hơn nước Nhật bây giờ.

Nước Mỹ sẽ còn tranh luận về Trần Nợ trong nhiều năm tới vì luôn luôn khó cân bằng ngân sách. Có những món chi không ai dám cắt, như Quỹ Hưu Bổng (Social Security) và Y Tế cho người về hưu (Medicare). Các quỹ này mỗi năm đều tăng lên, vì dân chúng già hơn. Cũng không ai dám đề nghị giảm ngân sách quốc phòng, sang năm sẽ lên tới $886 tỷ và năm 2025 sẽ lên $895 tỷ đô la, như ông Biden đề nghị. Hai bên chỉ còn bàn cãi về những món chi tiêu có thể thay đổi, chiếm 15% ngân sách quốc gia. Cuộc bàn cãi về ngân sách thường khó khăn, có lúc bế tắc vì mọi người chỉ bàn về số chi mà không nói đến số thu.

Trong cuộc thảo luận về Trần Nợ vừa qua, không bên nào nêu lên ý kiến phải tăng thuế, trong khi số chi tiêu của chính phủ tăng lên mà số thuế thu vào không theo kịp. CBO ước tính, năm nay tổng số chi của nhà nước Mỹ lớn bằng 23.7% G.D.P., đến năm 2053 sẽ lên thành 30.2%. Hiện nay số thuế thu được chỉ bằng 18.3%, và chỉ tăng lên đến 19.1% vào năm 2053.

Cuối cùng, ông McCarthy có thể tuyên bố thắng lợi vì đã cắt được rất nhiều món chi tiêu xưa nay vẫn được đảng Dân Chủ ủng hộ. Nhưng ông Biden cũng có cơ hội chứng tỏ ích lợi thực tiễn của chủ trương hòa hiệp giữa hai đảng, như ông vẫn cổ động từ khi nhậm chức. Cả hai sẽ bị nhiều người trong đảng mình chỉ trích, tố cáo họ nhượng bộ nhiều quá. Nhưng trong chính trị, thế nào rồi cũng phải thỏa hiệp!