Hết biển đỏ, biển Thừa Thiên Huế chuyển sang màu vàng. Cái màu vàng chết chóc này khiến cho cả một dãy bờ biển dài không có sự sống. Không có cá, không có tôm, không có bất kì sinh vật biển nào tồn tại trong khu vực biển màu vàng. Và theo các ngư dân thì màu vàng này đang kéo từng luồng từ ngoài khơi dạt vào bờ, mỗi luồng dài vài cây số và rộng từ 100 mét đến 500 mét.
Ông Ngọc, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Thuế chia sẻ với VOA Việt ngữ: “Nước buổi sáng ở đây đã vàng khè rồi, tôi múc một ca cất lên, giờ đọng lại nhiều cặn thế này đây. Như cái cặn nước nó đủ màu, màu trắng, màu vàng, lợn cợn. Trước đây lội nước vô chân trắng thôi, nhưng lội nước hai ba ngày nay thì giờ chân đỏ lên. Dân làm nghề ở đây giờ lo sợ lắm, giờ lưới bị bám dẻo dẻo vào, giờ đóng cặn vào, gỡ không ra. Sáng ni lưới bị dính cách đây 16, 17 hải lý, ai ngờ vào đây cũng có.”
Cái nước này dính vô tay người thì ngứa. Ở ngoài xa cách đây 18 hải lý, nó đi từng mé, từng mé. Nếu lưới thả phải vùng nước này thì nó chìm xuống không kéo được luôn. Ai mà gặp là bó tay luôn.Ngư dân Ngọc
Nhìn lệch về phía cảng Chân Mây, nước vẫn còn xanh. Theo các ngư dân đánh bắt xa bờ, có đến hàng chục luồng nước màu vàng đục, có mùi hắc và tanh đến ngạt thở, cứ cách chừng 1 hải lý thì có một luồng như vậy trôi nổi trên biển. Hiện nay, dòng hải lưu trên biển Thái Bình Dương đang di chuyển theo hướng Bắc – Nam, như vậy, khả năng các luồng nước này đến từ Hà Tĩnh hoặc Quảng Bình, Quảng Trị là rất cao. Luồng nước mà chúng tôi tận mắt chứng kiến ở bờ biển Thừa Thiên Huế vào hôm Thứ Năm ngày 23 tháng 3 chỉ mới là luồng nước vàng đầu tiên kéo vào bờ. Và đúng như lời các ngư dân chia sẻ, mùi nước tanh tưởi, hắc đến mức khó thở, dường như đây là phức hợp mùi pha trộn giữa xác sinh vật biển bị chết và các loại chất thải công nghiệp. Dòng nước vàng, đặc quánh như dầu nhớt.
Ông Ngọc tiếp lời: "Nước trước đây trong xanh, tắm mát mẻ. Chứ giờ nước thế này, du lịch gì nữa, ai dám tắm, nhúng vào nước là ngứa. Đây lưới bị hư hết, vì lợn bợn bám vào lưới, không có cá nào đóng vào được hết. Anh em tôi làm xa bờ 17 đến 18 hải lý nhưng ra đó chỉ làm được vài con cá trích. Bữa nay cả đêm làm năm chục, bảy chục cân, trước đây làm cả tấn. Làm ra thì chủ thuyền như tôi hay trai bạn đò cũng rên xiết. Nói chừ cá hiện nay tìm không ra, mà ra gặp nước ni nữa, kéo lên thì ngứa tay.."
Nước trước đây trong xanh, tắm mát mẻ. Chứ giờ nước thế này, du lịch gì nữa, ai dám tắm, nhúng vào nước là ngứa. Đây lưới bị hư hết, vì lợn bợn bám vào lưới, không có cá nào đóng vào được hết.Ngư dân Ngọc
Có thể nói rằng chưa bao giờ ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, nói riêng, và ngư dân Việt Nam nói chung lại thất thu trong chính vụ, lại bất an và cảm nhận tương lai hết sức u ám như hiện tại. Bởi với một dải dài bờ biển dài 3.260 cây số mà không có cá để đánh bắt, trong khi ngư nghiệp, hải sản là mũi nhọn kinh tế của Việt Nam, quyết định sự sống còn của hàng triệu gia đình gắn với biển. Tình trạng này kéo dài chừng hai năm thì sẽ có hàng triệu gia đình ngư dân lụn bại.
“Trước đây, cá ngư dân đánh trong bờ rất nhiều. Nhưng giờ đánh trong bờ không có gì cả, cuộc sống của người dân khó khắn lắm,” ông Toàn, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, chua chát ca thán.
Ngư dân Ngọc cho biết làm nghề mấy chục năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy nước có màu lạ vậy. “Trước đây nghe cái vụ sự cố môi trường thì cá chết rất nhiều nhưng cái nước này chưa thấy. Có thể trong 5-6 tháng nay thì giờ nước ni tự về, không biết nó đẩy cá thế nào mà giờ không còn con cá nào hết. Cái nước này dính vô tay người thì ngứa. Ở ngoài xa cách đây 18 hải lý, nó đi từng mé, từng mé. Nếu lưới thả phải vùng nước này thì nó chìm xuống không kéo được luôn. Ai mà gặp là bó tay luôn,” ông Ngọc nói.
Những con cá trích vớt vát được từ mẻ lưới quện đầy chất lạ của ông Ngọc như một giải an ủi cho một đêm dài đi đánh bắt không được gì mà lưới lại bị hỏng vì chất lạ. Ông Ngọc nói với chúng tôi là ông sẽ dùng mấy con cá trích nướng này để nhấm nháp, uống rượu cho quên đi cái ngày hết sức tàn tạ trong nghề đánh bắt của mình. Và liệu những con cá trích này có an toàn cho bữa ăn của ông Ngọc hay không, một câu hỏi mang tính sinh tử đối với ngư dân lúc này.