Các nhà lãnh đạo NATO tới Bruxelles trong tình hình an ninh nghiêm ngặt để dự một hội nghị mà chủ đề xoay quanh cuộc tấn công khủng bố ở Manchester.
Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nhiều nhà lãnh đạo với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người mà trong thời gian vận động tranh cử, đã chỉ trích liên minh NATO là “lỗi thời” vì không hữu hiệu trong việc chống chủ nghĩa khủng bố. Từ Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, thông tín viên Luis Ramirez của VOA tường thuật rằng các cuộc tấn công khủng bố xảy ra hồi gần đây ở Châu Âu có nghĩa là nhà lãnh đạo Mỹ có thể được sự hậu thuẫn mà ông cần để củng cố các nỗ lực chống khủng bố của liên minh NATO.
Hàng ngàn người khuynh tả tuần hành tại Bruxelles để phản đối cả NATO lẫn nhà lãnh đạo Mỹ. Một số người nói họ hoan nghênh những chỉ trích của ông Trump đối với NATO, nhưng giờ cảm thấy thất vọng vì ông lại hợp tác với các nước này.
Một người tham gia biểu tình, anh Frans de Maegd nói:
“Ông Trump đã có những phát biểu tích cực trong chiến dịch vận động tranh cử. Ông nói Hoa Kỳ sẽ không can dự vào chuyện của các nước trên khắp thế giới nữa. Tôi nghĩ đó là điều tốt. Nhưng bây giờ chính quyền của ông phải chịu sức ép từ cả phe Dân chủ lẫn thành phần cốt cán của Đảng Cộng hoà, họ đang nắm đầu ông, buộc ông phải thay đổi suy nghĩ và áp dụng một chính sách hung hăng, chẳng kém gì chính sách của Obama.”
Ông Trump tới Bruxelles vào thời điểm khi mà tình hình Châu Âu đang hết sức căng thẳng tiếp theo sau cuộc tấn công khủng bố trong tuần này ở Manchester, Anh quốc.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo đang ở trong tâm trạng sẵn sàng hành động cứng rắn để chống khủng bố.
Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg nói:
“Các cuộc tấn công mà chúng ta đã chứng kiến ở Manchester, theo ý tôi, là một vấn đề sẽ được tất cả các nhà lãnh đạo xử lý theo cách này hay cách khác, bởi vì các cuộc tấn công đó vô cùng tàn bạo và cố ý nhắm vào trẻ con, những người trẻ tuổi và gia đình họ.”
Thông điệp chủ yếu của ông Trump cho các thành viên NATO là họ phải khởi sự bằng cách đóng góp công bằng vào nỗ lực chống khủng bố, nghĩa là phải dành riêng 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg:
“Chúng tôi đang có tiến bộ. Sau nhiều năm suy giảm, tổng chi tiêu quốc phòng của các nước đồng minh Âu Châu và Canada đã tăng hàng tỉ đôla trong năm ngoái.”
Tuy nhiên tăng chi tiêu quốc phòng là một vấn đề chính trị mà cử tri các nước Tây Âu khó chấp nhận vì áp lực từ các chương trình an sinh xã hội rất tốn kém tại các nước này. Tại một căn cứ của người biểu tình ở Bruxelles, các nhà hoạt động chống NATO bày tỏ lo ngại. Cô Stephanie Demblon nói:
“Điều đó có nghĩa là một khoản tiền khổng lồ sẽ được dành riêng cho chiến tranh, và điều đó có nghĩa là khoản tiền khổng lồ ấy sẽ không được dùng để chi vào các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và những dịch vụ khác.”
Hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra vào lúc Tổng Thống Emmanuel Macron tìm cách gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Pháp. Một loạt cuộc tấn công khủng bố hồi gần đây ở Pháp và Anh có nghĩa là các lãnh đạo NATO sẵn sàng bàn về đề tài chiến tranh hơn là nói về hòa bình.
Trong tình hình đó, những người biểu tình ở Bruxelles khó có thể đạt được nguyện vọng.