Mấy ngày gần đây khi Việt Nam phóng thích vài tù nhân lương tâm giữa bối cảnh Mỹ dỡ bỏ phần nào lệnh cấm vận võ khí cho Hà Nội, công luận trong và ngoài nước một lần nữa tập trung chú ý đến tên tuổi một blogger đang thọ án 12 năm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì các hoạt động phản đối Trung Quốc xâm lược Biển Đông và cổ súy cho dân chủ-nhân quyền Việt Nam.
Anh là nhân vật chính của một trong bốn phần trong loạt phóng sự thực tế do Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ vừa thực hiện tại Việt Nam nói về nền tự do báo chí trong nước và những nguy hiểm rình rập các ngòi bút độc lập cổ súy cho quyền tự do thông tin và ngôn luận.
Anh là một trong những người đi đầu trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam và cũng là một trong những ngòi bút tiên phong trong phong trào báo chí công dân, sáng lập ra Câu lạc bộ Nhà báo Tự do trong đất nước không có báo chí tư nhân và thông tin-truyền thông bị kiểm duyệt gắt gao.
Anh từng nhận Giải thưởng Hellman-Hammett năm 2009 của tổ chức Human Rights Watch dành cho các ngòi bút can đảm bất chấp đàn áp chính trị. Anh từng đoạt Giải Tự do Báo chí Quốc tế 2013 do Ủy ban Bảo vệ Ký giả trao tặng. Anh cũng từng được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh trong ngày Tự do Báo chí Thế giới 2012 khi nhắc tới những ngòi bút bị tù đày vì đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền. Trường hợp của anh được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, và các bản án Việt Nam đã tuyên phạt anh lần lượt từ 2, 5 năm tù về tội trốn thuế cho tới 12 năm tù về vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự bị thế giới xem là bằng chứng của sự vi phạm trầm trọng các quyền căn bản của công dân.
Người được Ân xá Quốc tế gọi là tù nhân lương tâm từng tuyệt thực 33 ngày hồi năm ngoái để phản đối những sai trái bất công trong trại giam.
Blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), một trong những tên tuổi hàng đầu trong danh sách những nhà hoạt động ôn hòa mà thế giới thúc giục Hà Nội trả tự do, đang được chính phủ Việt Nam thuyết phục viết đơn ‘nhận tội-xin khoan hồng’ để được phóng thích sang Mỹ định cư, theo thông tin từ gia đình anh.
Chị Dương Thị Tân, vợ blogger Điếu Cày:
“Ông ấy nói họ đã thỏa thuận với nhau. Họ đây là chính phủ của hai nước. Tôi cho rằng vai trò quyết định chuyện này thuộc về phía ông Hải không phải là lớn. Đây là cuộc mặc cả trao đổi giữa hai quốc gia. Nếu ra đi để phải nhận tội với họ, phải cam kết, phải xin xỏ họ để thả ra thì ông Hải không bao giờ làm. Ông nói rõ là không bao giờ, vì ông không có tội.”
Trong cuộc trao đổi với Tạp Chí Thanh Niên hôm nay, một cựu tù nhân lương tâm vừa được phóng thích từng bị giam chung với blogger Điếu Cày chia sẻ với giới trẻ khắp nơi câu chuyện về người bạn tù bất khuất vì lý tưởng nhân quyền.
Nhà văn bất đồng chính kiến Nguyễn Xuân Nghĩa bị tuyên án 6 năm tù năm 2009 về cùng tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ cũng là người tiết lộ tin về cuộc tuyệt thực gây chú ý công luận của Điếu Cày từ trại giam.
Your browser doesn’t support HTML5
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi từ trại Nam Hà bị chuyển ra trại số 6 Nghệ An vào tháng 3/2012. Đến tháng 7/2013, anh Điếu Cày từ trong Nam bị chuyển ra trại Nghệ An lý do, theo anh nói, là vì anh không nhận tội và có những hành động đấu tranh giúp đỡ, bênh vực anh em tù hình sự. Ban giám thị ở đó không chịu nổi anh nên họ chuyển anh đi. Anh em chúng tôi gặp nhau ở Nghệ An rất mừng vì trước khi bị bắt, chúng tôi từng biết nhau, từng đọc bài viết của nhau, gọi điện cho nhau, và tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bảo vệ Hoàng Sa-Trừơng Sa.
Trà Mi: Trong 4 tháng bị giam chung với Điếu Cày, ông ghi nhận thế nào về những tâm tình, chia sẻ của blogger Điếu Cày? Điếu Cày có biết anh ấy được sự ủng hộ ở bên ngoài ra sao không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Cụ thể anh Điếu Cày không biết, nhưng anh ấy và tôi đều tin rằng chúng tôi có một chỗ dựa rất lớn từ gia đình, bạn bè anh em và giới truyền thông. Khi Điếu Cày tuyệt thực, anh ấy nói với tôi rằng chỉ cần tôi đưa được thông tin ra ngoài thì mọi việc sẽ được ổn thỏa. Quả nhiên khi tôi đưa tin đó ra ngoài, mấy hôm sau ban giám thị đã phải vào xin lỗi anh ấy và đưa anh trở lại buồng giam cũ. Tôi xin kể thêm về tiến trình này. Anh ấy bị giam chung với tù nhân chung thân vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Hằng ngày, chúng tôi vẫn phê phán những cái xấu xa của chính phủ Trung Quốc và việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam. Những người gián điệp ấy không ưa những câu chuyện như vậy. Việc ấy dẫn tới xích mích và anh Hải với người gián điệp cho Trung Quốc ấy đã cãi nhau. Lợi dụng việc này, hai người gián điệp cho Trung Quốc đã làm đơn tố cáo anh Hải tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ trong trại giam và ‘mua chuộc lôi kéo anh em Tây Nguyên để họ phản ứng với cán bộ.’ Các tù nhân Tây Nguyên đều là những người khó khăn. Anh Hải hằng tháng biếu họ mỗi người 1 thùng mì 15 gói để giúp đỡ họ. Ban giám thị cuối cùng quyết định biệt giam anh Hải 3 tháng (sau khi nhận tố cáo của 2 tù nhân gián điệp cho Trung Quốc.) Bị biệt giam thì khổ vô cùng. Hằng ngày 24/24 ở trong buồng chỉ 5mét vuông , không sách vở báo chí hay TV, không một thứ gì hết. Anh Hải ở đến ngày thứ ba đã tuyên bố tuyệt thực để phản đối quyết định biệt giam anh ấy không có căn cứ, mang tính khủng bố và đàn áp. Anh chỉ uống nước với một chút muối, chút đường. Đến ngày thứ 25, anh ấy rất yếu. Tôi nghĩ tôi có nghĩa vụ phải đưa thông tin này ra ngoài. Tiếc là tôi không có cơ hội sớm hơn vì đến ngày thứ 25 mới tới ngày thăm nuôi của tôi. Họ đã yêu cầu tôi không được hé lộ thông tin anh Hải tuyệt thực, nếu không tôi cũng sẽ bị biệt giam giống anh và có thể bị biệt giam vĩnh viễn sau hai lần đã bị biệt giam trước ở nhà tù Nam Hà. Đến phút nói chuyện thứ 10 trong cuộc thăm gặp, tôi đã thông báo cho vợ biết anh Hải đã tuyệt thực 25 ngày. Lúc đó, hai cán bộ đã bịt mồm, túm gáy lôi tôi về văn phòng giám thị. Họ quy kết tôi không nghe lời cán bộ, đưa tin không đúng sự thật ra ngoài. Rất may khi vợ tôi chuyển tin ra ngoài, sức ép từ công luận và truyền thông đã khiến anh Hải được giải phóng và tôi cũng không bị biệt giam. Tất cả các tù hình sự khi bị biệt giam đều không dám phản ứng dù đúng hay sai. Có lẽ ban giám thị trại 6 đã không ngờ gặp phải anh Hải và tôi.
Trà Mi:: Anh Hải bị biệt giam trong phòng riêng, làm thế nào nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa biết được anh Hải đang tuyệt thực?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Cấu tạo khu giam giữ an ninh quốc gia là cùng khu, cùng dãy. Khi Hải tuyệt thực tất cả chúng tôi đều biết cả. Chúng tôi đi qua sân nhìn vào buồng và có thể nghe anh nói được dù không được nói chuyện trực tiếp với anh. Cán bộ dọa ai nói chuyện với anh sẽ bị kỷ luật. Họ còn đặt camera để theo dõi chúng tôi có ai đi ngang qua buồng anh ra hiệu hay nói gì không.
Trà Mi: Những ngày tháng sau khi tiết lộ tin này, trại giam đối xử thế nào với ông?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Họ cho 1 tù nhân làm gián điệp cho Trung Quốc đánh tôi trước khi chuyển tôi vào trại giam An Điềm, Quảng Nam.
Trà Mi: Sau khi tin được tiết lộ ra ngoài, khoảng bao lâu thì mọi chuyện được thay đổi?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Rất nhanh. Ngay hôm sau đã có những hành vi hốt hoảng của ban giám thị. Họ mang TV lắp vào buồng anh Hải. Họ đưa 1 người án hình sự vào buồng của anh. Đến ngày thứ 30 của cuộc tuyệt thực, khi Viện kiểm sát Nghệ An vào, trại giam đưa đi giới thiệu rằng anh Hải không bị biệt giam. Họ dùng tất cả sự xảo trá để lừa bịp. Viện kiểm sát ra thông báo rằng anh Hải không tuyệt thực. Chúng tôi và anh Hải đã kiện lên Viện kiểm sát nhân dân trung ương. Khi Viện kiểm sát trung ương về, chúng tôi đã đòi gặp trình bày toàn bộ sự việc. Viện Kiểm sát trung ương thừa nhận rằng anh Hải đã bị biệt giam và tuyệt thực 33 ngày. Những hình ảnh trên TV nhà nước nói anh Hải vẫn ăn uống bình thường là họ quay sau khi anh đã ngừng tuyệt thực được 4 ngày.
Trà Mi: Thế còn những cảnh quay anh Hải được chăm sóc sức khỏe trong trại giam thực hư thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Những cảnh ấy đều ngoài thời gian anh đã tuyệt thực. Tôi chứng kiến và tham gia vào vụ việc anh Hải tuyệt thực. Từ ngày đầu đến trại 6 Nghệ An, tôi và Hải rất thân nhau. Cho nên diễn biến sự việc, tôi đều nắm được.
Trà Mi:: Qua thời gian gần gũi với Điếu Cày trong trại giam, ông có nhận xét thế nào về người bạn tù này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi rất cảm phục anh vì lòng kiên trung với lý tưởng theo đuổi. Anh có sự hiểu biết sâu sắc về nhân tình thế thái, chính trị, kinh tế, xã hội. Anh rất rộng rãi, anh từng giúp đỡ nhiều anh em Tây Nguyên để họ bớt khó khăn trong việc ăn uống và quần áo. Họ không quen khí hậu lạnh ở miền Bắc và gia đình họ cũng không có điều kiện thăm nuôi thường xuyên để gửi quần áo ấm. Anh Hải đã trợ giúp họ rất nhiều.
Trà Mi: Với những hiểu biết về người bạn tù đồng cảnh ngộ, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa có ý định có tác phẩm viết về anh Hải để chia sẻ nhiều hơn với công luận quan tâm về lý tưởng, niềm tin, và tình trạng của anh ấy?
Nguyễn Xuân Nghĩa:: Tôi có dự định viết hồi ký về những sự kiện nóng bỏng nhất mà đầu tiên là tôi viết về anh Hải, sau đó là về luật sư Lê Quốc Quân. Đây là hai người tôi từng được giam chung và rất mến phục.
Trà Mi: Ông mô tả điều kiện giam giữ tù nhân chính trị tại Việt Nam như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ấn tượng nhất là chế độ biệt giam vô cùng dã man. Họ coi người bị biệt giam như những con heo. Tôi từng bị biệt giam 2 lần. Trong căn buồng 5 mét vuông, tôi ngủ trên sàn xi măng bên cạnh cái bô đựng chất bài tiết của chính mình. 24/24 trong một căn buồng không ánh điện, không được tiếp xúc với ai cả, nếu không chuẩn bị tinh thần thì có thể phát điên lên được. Đêm cũng như ngày không có một ánh sáng nào. Cả ngày chỉ nhìn thấy các vật trong buồng giam lờ mờ như một người mù. Một ngày tôi được bước ra khỏi buồng 3 lần. Một lần là đi đổ chất thải, 2 lần đi lấy cơm sáng và chiều. Như vậy, chúng tôi có khoảng 45 phút ra ngoài nhìn thấy bầu trời mỗi ngày.
Trà Mi: Điều kiện ăn uống thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đã biệt giam không được liên lạc với gia đình, không được nhận quà gia đình gửi vào, chỉ ăn đồ trại giam. Tiêu chuẩn trại chỉ gồm cơm và rau. Thỉnh thoảng có cá thịt nhưng họ nấu không thể ăn được. Một tuần chỉ được một lần cá hoặc thịt, nửa con cá hoặc 2-3 miếng thịt nhỏ như ngón tay.
Trà Mi: Một số thông tin nói tù nhân khi biệt giam bị cùm chân, thực hư thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Những người bị cùm chân là có, nhưng đấy là những người trẻ.
Trà Mi: Sau những gì đã kinh qua, ông có đúc kết bài học thế nào cho riêng bản thân mình và những người tranh đấu?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Phải cứng rắn bảo vệ quan điểm, không nhụt ý chí dù có bị biệt giam, có bị đối xử tàn tệ. Trường hợp Điếu Cày là một ví dụ.
Trà Mi: Cảm ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.