Thị trường chứng khoán ở Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới và quy mô của thị trường này còn rất nhỏ (khoảng trên dưới 50 tỷ USD so với con số này ở thị trường chứng khoán Hong Kong là 3150 tỷ USD). Thế nhưng nó cũng đã trải qua một số thời kỳ thăng giáng rất mạnh, và rất đặc trưng ở những thị trường mới nổi.
Nếu như những năm 2004-2007 là những năm “vàng” của chứng khoán Việt Nam thì 2008-2012 là những năm đen tối. Sau khi bị cú sụp đổ ngoạn mục khiến VnIndex giảm từ hơn 1000 điểm về chỉ còn hơn 200 điểm, trong suốt 5 năm trời, chỉ số này chỉ loanh quanh ở ngưỡng 350 tới 500. Gần đây nhất là vụ suy sụp của thị trường năm 2012 trực tiếp do vụ bắt nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên và cựu Tổng Giám đốc ngân hàng ACB ông Lý Xuân Hải. Các vụ bắt giữ này khiến chỉ số VnIndex trên thị trường chứng khoán Việt Nam chìm sâu dưới mức 400 điểm trong một thời gian dài.
Giờ đây, có vẻ như các nhà đầu tư đã lấy lại được sự bình tĩnh và lạc quan vốn có. Thị trường chứng khoán trong 2 năm 2013 và 2014 đã tốt lên rất nhiều, đặc biệt là năm 2014. Từ đầu năm đến nay tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt 19% (VN-Index) và 28% (HNX-Index), đưa VN vào top đầu các thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới của năm 2014.
Sự phục hồi cũng thể hiện qua mức tăng giá trị giao dịch với giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày trong 9 tháng đầu năm của toàn thị trường đạt 2.900 tỷ đồng/ngày, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã dẫn đến sự bứt phá ngoạn mục về doanh thu của các công ty chứng khoán. Đơn cử như công ty chứng khoán SSI trong 9 tháng đầu năm 2014 đã đạt mức doanh thu 1.300 tỷ đồng, tăng 134.2% so với cùng kỳ năm 2013. Tỷ lệ này ở công ty chứng khoán HSC cũng đạt 47%.
Nhiều nhận định cho rằng lực đẩy của TTCK của giai đoạn này là các nhà đầu tư nước ngoài. Số tiền nước ngoài đổ thêm vào TTCK VN đang tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng khối lượng mua ròng của khối ngoại đã đạt tới 328 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị mua ròng đạt hơn 7.084 tỷ đồng (hơn 337,35 triệu USD), gấp 2,8 lần so với mức mua ròng 2.472 tỷ đồng của 6 tháng cuối năm 2013, và tăng 62,6% so với mức 4.356 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2013.
Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thí dụ Mark Mobius, TGĐ của Templeton Emerging Market Group (hiện đang quản lý khoảng 40 tỷ USD đầu tư, trong đó có 7% ở Việt Nam) thì lý do chính của sự hứng khởi trên thị trường chứng khoán VN là, thứ nhất, giá cả rẻ hơn tương đối so với các thị trường trong khu vực, thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định và tốt dần, và thứ ba, doanh nghiệp trả cổ tức cao.
Thế nhưng nếu nhìn vào thực lực của khu vực doanh nghiệp “nội”, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì điều dễ thấy là “sức mạnh” của các doanh nghiệp này chưa được cải thiện là bao. Vì thế khó lý giải việc giá chứng khoán ở VN tăng nhanh trong thời gian qua từ nguồn gốc sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt từ đầu năm 2014 trở lại đây, sự thăng giáng mạnh của giá cổ phiếu trở nên thường xuyên hơn. Có vẻ như TTCK Việt Nam đang hướng vào một thời kỳ bong bóng mới.
Một quan sát khác là trong số 3 khu vực kinh tế (tư nhân, nhà nước, và nước ngoài), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực khởi sắc nhất. Thế nhưng tại chính khu vực này, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lại giảm so với các năm trước (mặc dù số vốn FDI giải ngân thực tế tăng). Điều này trong ngắn hạn chưa có gì phải lo nhưng nếu kéo dài thành xu thế thì chắc chắn sẽ là một mảng tối cần phải khắc phục của kinh tế Việt Nam.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.