Dù ông Donald Trump không trực tiếp nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, bóng dáng Việt Nam vẫn hiển hiện trong các vấn đề tỷ phú Mỹ nêu lên, theo giới quan sát.
Tranh chấp ở Biển Đông, mà Việt Nam là một nước tuyên bố chủ quyền, đã được ông Trump nêu lên hôm 19/9, khi nói tới các nghĩa vụ “phải bảo vệ quốc gia, các quyền lợi và tương lai của chúng ta”.
Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông].Tổng thống Trump phát biểu.
“Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]”, ông Trump phát biểu, đồng thời nói thêm rằng “chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, tôn trọng văn hóa và sự giao tiếp hòa bình”.
Tổng thống Mỹ nói tiếp rằng “chúng ta phải hợp tác và cùng nhau đối phó với những ai đe dọa chúng ta bằng sự hỗn loạn và khủng bố”.
Cuối năm 2015, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Việt Nam khi ấy, cũng nhắc tới vấn đề Biển Đông, nhất là việc “giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”, nhưng lần này, sau khi ông Trump đề cập tới cuộc tranh chấp lãnh hải, Bắc Kinh mới phản ứng mạnh.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/9 nói rằng “một số quốc gia đã sử dụng cái cớ tự do hàng hải để mang máy bay và đội tàu tới gần Biển Nam Trung Hoa”. Washington từng thực hiện các cuộc tuần tra như vậy dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump và của cả người tiền nhiệm Barack Obama.
Ông Khảng nói thêm rằng “thực sự thì chính đây là thái độ đe dọa tới chủ quyền của các quốc gia ở Biển Nam Trung Hoa”, và rằng tình hình ở vùng này “đã nguội bớt” nhờ các nỗ lực của Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông cũng kêu gọi các nước liên quan thể hiện sự “tôn trọng”.
Dù Hà Nội chưa có phản ứng về tuyên bố Biển Đông của tổng thống Mỹ, báo chí nhà nước đã đưa tin về điều gọi là “dấu ấn của Donald Trump trong lần đầu xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc”.
Trong một tuyên bố mà nhiều nhà phân tích nói là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của một tổng thống Mỹ tại phiên họp khoáng đại của tổ chức lớn nhất thế giới, Tổng thống Trump tuyên bố rằng nếu cần phải bảo vệ Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Mỹ, “chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải hủy diệt Bắc Hàn”.
Ông Trump nêu dẫn chứng về sự tàn bạo của chính quyền Bắc Hàn qua vụ “ám sát người anh em cùng cha khác mẹ của kẻ độc tài [Kim Jong Un] tại một sân bay quốc tế bằng chất độc thần kinh bị cấm”.
Dù tuyên bố bị lừa, nghi can người Việt Đoàn Thị Hương cùng một nữ công dân Indonesia đã bị truy tố và phiên tòa xử hai người Đông Nam Á này sẽ tái tục vào đầu tháng sau.
Trong một động thái gợi nhắc tới khả năng trừng phạt các quốc gia có liên hệ kinh tế với Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump cũng nói về “sự phẫn nộ” khi thấy “một số quốc gia không những làm ăn với một chế độ như vậy mà còn cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho một quốc gia đẩy thế giới tới xung đột hạt nhân”.
Việt Nam mới đây bị cáo buộc trong một phúc trình của Liên Hiệp Quốc là điểm đến của than đá, một trong các mặt hàng bị cấm từ Bắc Hàn, bất chấp lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn của tổ chức lớn nhất thế giới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó nói với VOA Việt Ngữ rằng Hà Nội “luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.
Tin chính thức cho hay, đầu năm nay, “Đại sứ Phạm Việt Hùng thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên đã trao số tiền 1.000 USD (tương đương 7,5 tấn phân bón) ủng hộ Nông trường Hữu nghị Mi Cốc”. Ngoài ra, từ năm 2000 tới 2005, Hà Nội tặng Bình Nhưỡng tổng cộng “12 nghìn tấn gạo”.
Tuyên bố chung sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng hồi tháng Năm, đôi bên cũng nhắc tới Bắc Hàn, “bày tỏ quan ngại đối với các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Cộng hòa DCND Triều Tiên”. Động thái này được nhận định rằng nó cho thấy Hà Nội đóng một vai trò nào đó đối với tiến tình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngoài vấn đề Biển Đông và Bắc Hàn có liên quan tới Việt Nam, ông Trump cũng nhắc tới các thỏa thuận thương mại đa phương mà ông cho rằng đã làm người Mỹ “mất hàng triệu việc làm” và làm “hàng nghìn nhà máy biến mất”.
Ông nói rằng Hoa Kỳ “mưu tìm mối quan hệ thương mại vững mạnh hơn với tất cả các quốc gia có nhã ý, nhưng thương mại kiểu này phải công bằng và có đi có lại”.
Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, ngay sau khi mới nhậm chức, gây đình trệ thỏa thuận thương mại đa phương này, giữa lúc Việt Nam kỳ vọng sẽ có được “cú hích” cần thiết từ TPP.
Không chỉ lần này, hình bóng Việt Nam mới hiển hiện khi ông Trump phát biểu mà trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, tỷ phú này còn nhiều lần chỉ đích danh Việt Nam.
Ông từng cáo buộc Việt Nam là“một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới” và “đánh cắp” việc làm tại Mỹ.
Việt Nam xuất sang Mỹ các sản phẩm trị giá hơn 38 tỷ đôla trong năm 2016 và nhập từ Hoa Kỳ tổng giá trị hàng hóa gần 9 tỷ đôla, đẩy Hà Nội vào danh sách các quốc gia châu Á mà Mỹ đang có thâm hụt thương mại lớn, và gây quan ngại về “chiến tranh thương mại”. Hiện chưa rõ là đôi bên đã đàm phán để xử lý vấn đề này ra sao.
Your browser doesn’t support HTML5