Nhà văn Phong Thu tên thật là Nguyễn Thị Phong Thu, sinh trưởng tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chị là cựu học sinh Trường Quốc gia Nghĩa Tử Sài Gòn và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn về Kỹ Thuật Văn chương và Tâm lý Giáo dục. Sau khi tốt nghiệp chị là giáo sư Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương.
Nhà văn Phong Thu bắt đầu cầm bút vào năm 1980 khi còn ở trong nước. Chị viết về ký sự, tin tức cho một số báo địa phương. Ngoài ra chị còn viết chuyện thiếu nhi cho báo Khăn Quàng Đỏ. Nhà văn nữ Nguyễn Thị Ngọc Dung, chủ nhiệm kiêm chủ bút Tam cá nguyệt san Cỏ Thơm giới thiệu về sự nghiệp viết văn của Phong Thu:
“Những tác phẩm đã in của Phong Thu là tập truyện thiếu nhi ‘Gấu bông giúp bạn’ trong đó có chuyện ‘Vì sao hoa phượng đỏ’được xưởng phim Tổng hợp chọn dựng thành phim giáo dục cho thiếu nhi năm 1990. Tập truyện ngắn ‘Cô bé bên giàn hoa giấy đỏ’ được in tại Hoa Kỳ năm 2003. Năm 2005, Phong Thu cho xuất bản tập truyện ngắn “Đóa Phù Dung’. Ngoài ra Phong Thu có chuyện ngắn in chung với nhiều tập truyện khác như ‘Mùa Xuân không bao giờ quên’ chuyện ‘Một người và một chuyến đi.’"
Hiện nay nhà văn Phong Thu cộng tác và viết cho tạp chí Văn nghệ Tiền phong, tạp chí văn học Cội Nguồn và tam cá nguyệt san Cỏ Thơm. Phong Thu cũng phụ trách trang văn học cho Phù Sa online ở Paris và cộng tác với các trang web khác như Trời Nam, Thư Viện Toàn Cầu, Văn chương Việt, Văn tuyển, Đàn Chim Việt online và nhiều tờ báo khác tại hải ngoại.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, trong phần giới thiệu tập truyện ngắn song ngữ ‘Sài Gòn mưa vẫn rơi’ (The rain still falls in Saigon) cho rằng 12 truyện ngắn của nhà văn Phong Thu in trong tập truyện này có tính cách thời sự, phản ánh những gì xảy ra trong xã hội Việt Nam hiện tại:
“Trong một nghĩa nào đó, ‘Sài Gòn mưa vẫn rơi’ đối với người chưa đọc có thể bị hiểu lầm là một cuốn sách để hoài niệm về một thời hoàng kim đã mất. Song nghĩ như thế thì không thể nào sai hơn được. Khi ta đọc những chuyện này ta có cảm tưởng như đọc báo ngày hôm nay, song câu chuyện được tả một cách tròn trịa, đầy đủ, nghệ thuật hơn báo hàng ngày rất nhiều vì báo hàng ngày bản chất của nó vẫn có tính chất mánh mung, nhìn vào từng khoanh câu chuyện, không thấy đầu đuôi ở đâu cả.”
Nhà văn Phong Thu cho biết khi còn ở trong nước những tác phẩm của chị không phải lúc nào cũng được in ấn suôn sẻ. Chị kể lại:
“Nhiều cuốn sách viết chung với các tác giả trong nước cũng in ra và cũng xuất bản trong đó có chuyện ‘Chuyện một người’ cũng gây ra những tranh cãi trong tỉnh rất nhiều. Thậm chí trong năm đó họ đã mua những bài đó cắt bỏ đi. Họ buộc ông chủ nhiệm nhà xuất bản đó phải tường trình với Tỉnh ủy về chuyện đã in bài đó ra. Bài đó đã được đăng trong cuốn sách đầu tiên của Phong Thu ở hải ngoại là ‘Cô bé bên giàn hoa giấy đỏ’. Đó là chuyện gây nhiều suy nghiệm cho những người ở nước ngoài.”
Tháng 3 năm 1992, nhà văn Phong Thu qua Mỹ, đi học trở lại. Sau đó vì công ăn việc làm nên mãi đến năm 2003, tác phẩm đầu tiên ở hải ngoại của chị ‘Cô bé bên giàn hoa giấy đỏ’ mới được xuất bản tại Mỹ.
Nhà văn Phong Thu cho biết phải mất 5 năm mới hoàn tất tập truyện ngắn song ngữ ‘Sài Gòn mưa vẫn rơi’ trong đó thời gian dịch sang Anh ngữ mất khoảng một năm. Chị Phong Thu giải thích lý do xuất bản sách song ngữ:
“Cuốn sách này tại sao tôi phải đưa cho nhà xuất bản Mỹ in vì tôi muốn họ xuất bản trên toàn thế giới. Thứ hai nữa là họ xuất bản bằng e-book, bằng điện tử để những người trong nước có thể mua được, có thể đọc trên Internet được, trên computer được, bất cứ nơi đâu. Đó là một vấn đề tôi rất khuyến khích. Tất cả những ai cầm bút nên làm những điều như vậy, nên viết tiếng Việt và tiếng Anh, nên đưa vào trong nước qua Internet để người trong nước mở rộng tầm suy nghĩ. Chúng ta nói thay cho những người bị áp bức trong nước. Những trí thức, những người cầm bút, những blogger, những nhà báo, những nhà thơ có cơ hội nói dùm cho những người dân những suy nghĩ nhưng không nói được, không làm được.”
Nhà văn Phong Thu cho biết thêm là hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh đất nước đã khiến cho chị có những suy nghĩ, nhiều trăn trở. Những suy nghĩ, trăn trở đó đã kết tinh thành những dòng chữ chị muốn để lại cho con cháu, cho những người thân và cho xã hội.
“Tôi không có vũ khí, tôi cũng chẳng có tiền. Tôi cũng không phải là một người vĩ đại gì, tôi là người rất nhỏ bé. Tôi chỉ góp một tiếng nói nhỏ trong ảnh hưởng của dòng thời sự Việt Nam. Tôi viết những câu chuyện chạy theo dòng thời sự Việt Nam. Đó là những câu chuyện rất nóng hổi, rất sôi động ở Việt Nam và có ảnh hưởng đến quốc tế. Những câu chuyện đó cứ tuôn trào như vậy, bởi vì những dòng tin thời sự của ai cung cấp cho tôi, tôi nắm bắt được. Nếu tôi đọc qua tôi sẽ quên nhưng một khi đã đi vào dòng văn học rồi thì nó ở đó, nó thấm sâu vào lòng người. Nó sẽ khơi dậy cho người ta sự suy nghĩ, sự liên tưởng và nó sẽ thay đổi cách nhìn của con người đối với số phận, đối với xã hội, đối với lịch sử và đất nước Việt Nam. Cũng như nó sẽ khơi gợi cho người ta vai trò, vị trí cũng như trách nhiệm của người Việt lưu vong và người Việt trong nước làm những gì cho quê hương đất nước mình.”
Buổi ra mắt sách của nhà văn Phong Thu được phụ diễn bằng một chương trình ca nhạc do các ca nhạc sĩ địa phương trình diễn với những nhạc phẩm nổi tiếng viết về Sài Gòn xưa cũng như nay.
Chiều ngày thứ Bảy 30 tháng 7 vừa qua, Tạp chí Cỏ Thơm đã tổ chức buổi ra mắt tác phẩm song ngữ “Sài Gòn mưa vẫn rơi” (The rain still falls in Saigon) của nhà văn nữ Phong Thu tại trung tâm cộng đồng James Lee, thành phố Falls Church, Virginia. Hà Vũ đã đến dự và ghi lại một số điểm chính trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này.