Đường dẫn truy cập

Hội Từ thiện 'Mầm Hy vọng'


Phái đoàn của Hội Từ thiện 'Mầm Hy vọng' lên Thượng viện Mỹ vận động Quốc hội thông qua nghị quyết kêu gọi bảo vệ Vùng Châu thổ Sông Mekong
Phái đoàn của Hội Từ thiện 'Mầm Hy vọng' lên Thượng viện Mỹ vận động Quốc hội thông qua nghị quyết kêu gọi bảo vệ Vùng Châu thổ Sông Mekong

Ngày thứ Sáu 22 tháng 7 năm 2011 vừa qua, Hội Từ thiện “Mầm Hy vọng” đã cử một phái đoàn lên Thượng viện Mỹ để vận động Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết do Thượng nghị sĩ Dân chủ Jim Webb, bang Virginia bảo trợ kêu gọi bảo vệ Vùng Châu thổ Sông Mekong và tăng cường sự ủng hộ của Hoa Kỳ trì hoãn việc xây dựng những con đập dọc theo sông Mekong. Trong chuyên mục Sinh hoạt cộng đồng tuần này Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý thính giả Hội Từ thiện “Mầm Hy vọng” vừa mới được thành lập trong năm nay.

Hội Từ thiện “Mầm Hy vọng” tuy đã có những hoạt động từ thiện từ năm 2010 nhưng chỉ mới được chính thức thành lập vào đầu năm nay, qui tụ các bạn trẻ mong muốn giúp đỡ những người kém may mắn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tiên hội quan tâm đến nạn buôn người hoành hành tại vùng biên giới Việt Nam-Kampuchia. Tuy nhiên sau đó hội chuyển hướng sang những vấn đề liên hệ đến sông Cửu Long. Anh Đức Đặng, kỹ sư điện tử hiện phục vụ tại trung tâm các chuyến bay không gian Goddard của NASA tại Maryland, phó Chủ tịch Hội Từ thiện “Mầm Hy vọng” giải thích:

“Nạn buôn người tại Việt Nam là mục đích chính của hội này nhưng lúc tìm hiểu thêm mới thấy rắc rối hơn là mình nghĩ. Thứ nhất là mấy người môi giới ở miền Tây lừa đảo các phụ huynh để bán con. Thứ hai là dân trí ở đây thấp, họ bán con để lấy tiền. Thứ ba nếu mình đến mấy cái động ở Kampuchia để cứu, để đem con gái người ta về thì mấy tháng sau không có công ăn việc làm thì mấy em cũng trốn đi nữa. Cách giải quyết là người dân miền Tây phải có công ăn việc làm thì lúc mình đem họ về họ mới ở lại để sinh sống. Muốn kinh tế khá thì phải tạo ra chăn nuôi, nông nghiệp hay huấn nghệ cho dân nghèo miền Tây. Tất cả đều phụ thuộc vào sông Cửu Long nên cần phải chữa trị cho sông Cửu Long trước vì sông Cửu Long đã bị tàn phá nhiều rồi. Thành ra từ vấn đề buôn người chạy qua vấn đề sông Cửu Long.”

Cô Hannah Lý, một thành viên trong ban chấp hành Hội Từ thiện “Mầm Hy vọng” giải thích thêm:

“Mục đích tụi em muốn làm là để tạo điều kiện cho những vùng đồng bằng sông Cửu Long có một đời sống tốt hơn và có những công việc làm để người dân có đời sống ổn định hơn.”

Hiện nay Hội Từ thiện “Mầm Hy vọng” đang tích cực vận động để Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết SR 227 do Nghị sĩ Jim Web, Dân chủ bang Virginia, và 2 Nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe, bang Oklahoma và Richard Lugar bang Indiana đồng bảo trợ. Nghị quyết SR 227 kêu gọi Hoa Kỳ dùng ảnh hưởng để trì hoãn việc xây dựng những con đập trên sông Mekong đồng thời bảo đảm tuân thủ một cách chặt chẻ những tiêu chuẩn về môi trường của những dự án này.

Cô Hannah Lý, cho biết về việc vận động này:

“Thứ Sáu tuần rồi 22 tháng 7, anh Đức Đặng, anh Philip Trần, chị Ngọc Giao, chị Kim Việt, anh Hoan Đặng, đã đi đến Quốc hội Mỹ và trình bày nỗi niềm của mình, hy vọng của hội, yêu cầu họ nhờ chính phủ Mỹ can thiệp. Quốc hội Mỹ cũng đã biết và thế giới cũng đã biết là dòng sông Mekong đang bị ô nhiễm.”

Anh Đức Đặng nói thêm về quá trình vận động của Hội trong việc giúp bảo vệ sông Cửu Long:

“Trước đây mấy tuần tụi này có đến gặp hai Thượng nghị sĩ John McCain và Jim Web để trình bày quan tâm của mình. May mắn cho cộng đồng mình vợ của ông JimWeb là người Việt, ông lưu tâm rất nhiều về Việt Nam. Ông đã có kế hoạch để cải thiện môi trường sông Cửu Long. Mình đến thứ nhất là để cám ơn về những gì ông đã giúp đỡ cho cộng đồng. Thứ hai mình nói lên sự ủng hộ của mình đối với nghị quyết của ông. Còn ngày 22 vừa rồi mình đến Quốc hội gặp lãnh tụ khối đa số, khối thiểu số để vận động. Mình bắt chước cách vận động của người Do Thái.”

Việc vận động Hoa Kỳ cũng như các quốc gia thành viên trong Ủy ban sông Mê Kông bảo vệ con sông này trước những tàn phá do con người gây ra là chuyện lâu dài nên trước mắt Hội Từ thiện “Mầm Hy vọng” có những kế hoạch cụ thể như đào những giếng nước sâu với máy bơm để giúp người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long có nước sạch dùng, cải thiện cuộc sống hàng ngày của mình.

Anh Philip Trần, tốt nghiệp trường đại học Maryland với bằng Thạc sĩ về Kinh doanh và Viễn thông, hiện là một doanh nhân thành đạt trong lãnh vực địa ốc, chủ tịch Hội Từ thiện “Mầm Hy vọng”, đặc trách liên lạc với các tổ chức của chính quyền cũng như tư nhân Mỹ và các cộng đồng thiểu số khác cho biết:

“Hội đang có chương trình kiếm tiền để giúp mua máy lọc nước cho người dân sống dọc theo sông Mekong.”

Cũng như các tổ chức từ thiện khác, để có ngân quỹ hoạt động, ngoài sự đóng góp công sức và tiền bạc của các thành viên và các mạnh thường quân, vào giữa tháng 8 tới, Hội Từ thiện “Mầm Hy vọng” sẽ tổ chức một đêm ca nhạc và gây quỹ với chủ đề “Đâu rồi một dòng sông” để khởi đầu công tác bảo vệ môi trường sông Mekong cho đồng bào miền Tây Việt Nam. Số tiền thu được sẽ được sử dụng vào việc thực hiện một cuốn phim tài liệu về sự ô nhiễm của sông Cửu Long và ảnh hưởng đối với người dân sinh sống tại đây. Anh Đức Đặng giải thích:

“Mình phải bỏ một số tiền để thuê một hãng phim quốc tế nghiên cứu về sông Cửu Long và phỏng vấn người dân tại đây. Cuốn phim sẽ là tài liệu chính thức của hội để trình bày cho Quốc hội Mỹ hay Ngân hàng Thế giới để không ai có thể nói là tài liệu của mình không có giá trị. Vận động ở Mỹ phải theo luật lệ của Mỹ.”

Cô Hannah Lý cũng nêu lên sự cấp thiết cần phải có tiền để nói lên tiếng nói bức thiết của dòng sông Mekong bị cạn kiệt nguồn nước cũng như những nguồn thủy lợi khác vì ảnh hưởng của các con đập do các quốc gia trên thượng nguồn xây dựng mà điển hình là những con đập của các nhà máy thủy điện Trung Quốc.

“Tụi em cần một quỹ như vậy để tụi em có thể làm một bộ phim tài liệu. Từ phim tài liệu đó mình mới có chứng minh rõ ràng dòng sông Mekong đang bị ô nhiễm nhưng mà không có những người lên tiếng dùm cho dòng sông Mekong. Tụi em là lớp trẻ sống ở hải ngoại, tụi em muốn có một chứng minh sự thật để mình cầu cứu xã hội Mỹ, Quốc hội Mỹ cũng như thế giới làm ơn ngó lại dùm cho đất nước tôi, những người dân ở vùng sâu của đồng bằng sông Cửu Long thực sự cần nguồn nước uống để sinh sống. Đó là ý nguyện của tụi em.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG