Nói nhân vụ BOT Hòa Lạc – Hòa Bình

Người dân tụ tập tại trạm thu phí Hòa Bình - Hòa Lạc. (Hình: Trích xuất từ Zing.vn / Hồng Quang)

Thủ tướng Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất kỳ ý kiến nào về trạm thu phí cho dự án đầu tư đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức BOT.

Dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình có hai phần: Phần một, làm mới 25 cây số và phần hai, cải tạo 30 cây số của quốc lộ 6, đoạn từ Hòa Bình đến Xuân Mai.

Theo báo chí Việt Nam, nhà đầu tư phải bỏ 2.723 tỉ để thực hiện dự án. Khoản này vừa là tiền vay ngân hàng, vừa là tiền lãi phải trả cho khoản đã vay. Đổi lại, nhà đầu tư được phép thu phí trong 27 năm sáu tháng, tùy loại phương tiện qua lại trên đường Hòa Lạc – Hòa Bình mà mức phí dao động từ 35.000 đến 180.000 đồng/xe/lượt đi hoặc về.

Nhà đầu tư dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình bắt đầu thu phí từ ngày 3 tháng 5 và chỉ bốn ngày sau liên tục bị rơi vào tình trạng “thất thủ” – dân chúng địa phương chặn xe, không cho thu phí và để tránh tình trạng giao thông tắc nghẽn, nhà đầu tư phải ngưng thu phí (1).

Đến giữa tháng này, tình trạng “thất thủ” ở trạm thu phí cho dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình đã trở thành thường trực. Đại diện nhà đầu tư than rằng, mỗi ngày, họ thất thu khoảng 230 triệu đồng (2), cứ thế nhân lên và chia đều cho khoản vốn kèm lãi phải trả ngân hàng hàng tháng, có lẽ nhà đầu tư sẽ sớm phá sản.

Không chỉ nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Thủ tướng Việt Nam rõ ràng là rất khác Thủ tướng của chính phủ các quốc gia khác. Thủ tướng Việt Nam là người phê duyệt dự án đầu tư đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức BOT (thiết kế, tổng vốn đầu tư, kế hoạch tài chính, vay ngân hàng thế nào, trả vốn và lãi ra sao, thu phí để hoàn vốn, đặt trạm thu phí,…).

Tuy được Thủ tướng phê duyệt nhưng dự án đầu tư đường Hòa Lạc – Hòa Bình trở thành không chắc chắn, có thể yểu mệnh vì dân không ưng. Không may là dân lại có lý. Trước kia, dân chúng địa phương từng phải góp tiền làm tỉnh lộ 446, hà cớ gì nhà đầu tư lại chiếm một đoạn để “cải tạo” rồi đặt trạm thu phí ngay tại đoạn đó, bắt họ trả tiền (?).

Tình thế này buộc nhà đầu tư phải… đu theo Thủ tướng, trong chuyện này, dân có lý hay vô lý không thành vấn đề, vấn đề nằm ở chỗ Thủ tướng đã phê duyệt, ngân hàng dựa vào đó cho vay, kế hoạch tài chính liên quan đến vay – trả cũng dựa vào chữ ký của Thủ tướng, thành ra tính sao, Thủ tướng phải có ý kiến cuối cùng…

***

BOT là một sự sáng tạo của thiên hạ: Mời gọi đầu tư, tận dụng khả năng, vốn liếng của tư nhân để phát triển hệ thống hạ tầng. Sau khi khai thác trong một thời gian nhất định nhằm thu hồi cả vốn lẫn lãi, nhà đầu tư sẽ giao lại công trình cho hệ thống công quyền, công trình sẽ trở thành một dạng phúc lợi công cộng mà công quỹ không mất đồng nào.

Từ khi Việt Nam từ bỏ kinh tế theo kế hoạch, tuyên bố phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, BOT mới xuất đầu, lộ diện và nhanh chóng trở thành đại họa.

BOT trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN không đấu thầu để chọn nhà đầu tư mà các cơ quan hữu trách chỉ định nhà đầu tư. Thay vì khai thác năng lực, vốn liếng của nhà đầu tư để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thì chính phủ lại đứng ra vay tiền của bá tánh thông qua bán trái phiếu rồi giao cho các nhà đầu tư, hoặc sử dụng nhiều hình thức khác nhau để các nhà đầu tư ồ ạt vay ngân hàng, dùng tiền tiết kiệm của bá tánh rán chính họ.

Năm ngoái, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam công bố một báo cáo, theo đó, các nhà đầu tư chỉ góp từ 10% - 15% vốn cho các dự án mà họ… đầu tư theo hình thức BOT, số còn lại (từ 85% đến 90%) là tiền các nhà đầu tư vay của bá tánh thông qua các ngân hàng. Tính đến tháng 8 năm 2018, 91% tổng số tiền mà bốn ngân hàng lớn (SHB, BIDV, VietinBank, Vietcombank) đã cho vay được đổ vào các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông (3).

Không rõ đến nay, chính phủ đã trao cho giới đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT bao nhiêu tỉ tiền bán trái phiếu. Cũng không rõ các nhà đầu tư đang nợ hệ thống ngân hàng bao nhiêu (?). Số liệu gần nhất được công bố hồi năm ngoái là 154.000 tỉ song lúc đó mới chỉ có 55 dự án được đầu tư theo hình thức BOT. Giờ, số dự án được đầu tư theo hình thức BOT ít nhất cũng là 68 và tất nhiên số tiền mà các nhà đầu tư nợ ngân hàng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Cho dù Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước liên tục chỉ ra đủ thứ sai phạm nghiêm trọng liên quan tới các dự án đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT: Chọn toàn nhà đầu tư không đủ năng lực. Cho phép nhà đầu tư khai thác, thu phí trên những công trình giao thông sẵn có. Đặt các trạm thu phí sai vị trí. Tính… sai đủ thứ (tổng mức đầu tư, khối lượng, đơn giá, thời gian thu phí,…) song chắc chắn các trạm thu phí BOT vẫn đồng hành cùng người Việt trên… con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Không phải tự nhiên mà cách nay hai tuần, Bộ GTVT loan báo dự tính, đề nghị Thủ tướng cho 37 trạm thu phí tăng mức phí được thu để cứu các dự án sụt giảm doanh thu, giữ cho các dự án này không bị “vỡ phương án tài chính”, nợ của các nhà đầu tự không trở thành “nợ xấu của quốc gia” (4).

Cho đến giờ này, vẫn còn rất nhiều người Việt tỏ ra hết sức ngây thơ và rât đáng tội nghiệp khi khăng khăng thắc mắc tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bất chấp tất cả tác hại, kể cả tác hại về nhân tâm để bảo vệ cho bằng được các nhà đầu tư, trong khi đúng ra, đầu tư vào vào hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT phải là và nên là “lời ăn, lỗ chịu”? Đó chính là một trong những đặc điểm của kinh tế thị trường theo định hướng XHCN!

Tất nhiên, kinh tế thị trường thuần túy phải có đấu thầu, lựa chọn cẩn thận, không để nảy ra những nhà đầu tư như vậy. Kinh tế thị trường thuần túy không có chuyện chính phủ hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư bằng trái phiếu, không hỗ trợ để các nhà đầu tư biến hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế thành con tin, dân chúng vừa phải nuôi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, vừa phải nuôi các nhà đầu tư. Không nuôi thì chết chùm. Quốc gia vỡ nợ, “dân ngu, khu đen” sẽ là đối tượng… chết trước bình minh.

Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì khác, không cho phép “chặt đầu, lột da” những viên chức hữu trách, những doanh nhân hối mại quyền thế, hợp tác với nhau biến BOT trở thành thảm nạn và là hiểm họa thường trực, có thể làm cả quốc gia sụp đổ nếu “phương án tài chính” của nhà đầu tư bị… vỡ. Cũng vì vậy, Thủ tướng đâu có xử ai, dân lành có oán thán cỡ nào về các trạm thu phí BOT thì Thủ tướng cũng chỉ làm một chuyện: Hối thúc triển khai hệ thống thu phí tự động (5).

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/tram-bot-hoa-lac-hoa-binh-tac-nghen-vi-tai-xe-dan-xe-phan-doi-20190611183606222.htm

(2) https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bot-hoa-lac-hoa-binh-thiet-hai-ra-sao-sau-1-tuan-that-thu-4011484-v.html

(3) https://nhadautu.vn/bon-nha-bang-nao-dang-cho-vay-bot-nhieu-nhat-d2386.html

(4) https://plo.vn/do-thi/giao-thong/bo-gtvt-de-xuat-tang-phi-37-tram-bot-838689.html

(5) https://tuoitre.vn/thu-tuong-yeu-cau-bo-truong-gt-vt-khan-truong-bao-cao-ve-thu-phi-tu-dong-20190611185618095.htm