“Cửa vẫn mở” là thông điệp được Pháp và Đức đưa ra tại Paris hôm thứ Hai cho các nước Balkan đang hy vọng trở thành thành viên EU sau cuộc bỏ phiếu Brexit.
Không có gì thay đổi. Đó là điều ngắn gọn mà Tổng thống Francois Hollande nói với các nhà lãnh đạo Balkan trong cuộc họp với các đối tác EU của họ tại Paris, mặc dù khối này hồi tuần trước đã trì hoãn các cuộc đàm phán với Serbia về vấn đề gia nhập liên hiệp.
Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu: “Cuộc bỏ phiếu của nước Anh để rời khỏi EU sẽ không ảnh hưởng tới các hiệp định của khối với các quốc gia Balkan. Đây không chỉ là vấn đề danh dự, mà còn là một lời nhắc nhở về các nền tảng của EU với các quốc gia đã trải qua sự tan rã của Nam Tư cũ, nội chiến, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cực đoan... và bây giờ đã có hòa bình”.
Thông điệp tương tự cũng đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra trong các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo bốn nước EU và các đối tác thuộc các nước Balkan không phải là thành viên EU.
Các quốc gia -- gồm Serbia, Montenegro, Bosnia, Kosovo và Albania, cũng nói rằng cuộc bỏ phiếu của London sẽ không làm thay đổi ý muốn của họ là trở thành thành viên EU.
Ngoài Brexit, cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và kiểm soát vụ khủng hoảng di cư là những vấn đề đứng đầu chương trình nghị sự tại Paris.
Tuy nhiên, một số các tổ chức phi chính phủ bày tỏ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu đang ít được chú ý tới, trong đó có hậu quả đáng lo ngại của một thỏa thuận di dân mới giữa EU vàThổ Nhĩ Kỳ khiến di dân phải chuyển sang các tuyến đường nguy hiểm hơn để đến châu Âu từ Libya hay Ai Cập.
Ông Florent Schaeffer, người phụ trách các vấn đề Balkans của tổ chức CCFD-Terre Solidaire của Pháp, nói: “Giờ đây, tuyến đường Balkan đã đóng lại, chúng ta trở lại với tuyến đường chết chóc, hiểm nguy hơn nhiều, và vẫn không có phản ứng quốc tế từ châu Âu đối với cuộc khủng hoảng này, một vụ khủng hoảng đòi hỏi phải có một giải pháp lâu dài”.
Ông Hollande nói các nước đã thảo luận việc tiếp đón di dân và truy bắt những kẻ buôn người. Ông cũng vạch ra các thỏa thuận về việc hợp tác giới trẻ và năng lượng giữa các quốc gia vùng Balkan.
EU cũng xem xét đến sự hội nhập nhiều hơn giữa các nước Balkan nhằm củng cố sự ổn định của khu vực.