Báo chí Miến Điện nói rất ít về các ứng cử viên đối lập

Ông Zaw Win nói rằng các nhà báo trong nước sẽ lãnh nhiều hậu quả nặng nề nếu vi phạm các luật lệ cho chính quyền đặt ra

Tin cho hay báo chí tại Miến Điện nói rất ít về các chính đảng và các ứng cử viên không thuộc phe chính phủ, vào lúc sắp sửa có bầu cử ngày Chủ nhật. Thông tín viên VOA Ron Corben ở Bangkok còn tường trình rằng các đài phát thanh nước ngoài đóng vai trò chính để cung cấp thông tin bầu cử cho người dân Miến Điện.

MEMO 98, một tổ chức nghiên cứu và truyền thông tại Slovakia, đã kết luận rằng các cơ quan truyền thông của nhà nước hoàn toàn áp đảo các thông tin liên quan đến cuộc tổng tuyển cử.

Phúc trình của tổ chức này cho rằng “tính cách đa dạng được thể hiện rất ít” trong các bài tường trình về ứng cử viên, các giới chức và các báo chí tư nhân Miến Điện.

Phúc trình công bố hôm thứ Sáu tại Bangkok nói rằng tin tức trên đài truyền hình chỉ nói về những nhân vật lãnh đạo quan trọng của quân đội.

Trên đài truyền hình Myawaddy, hầu như 90% tin tức tập trung vào Thủ tướng Thein Sein. Thời giờ còn lại của các tin tức được dành cho tướng Than Shwe, nhà lãnh đạo cao cấp.

Phúc trình nói rằng có rất nhiều giới hạn về tin tức báo chí và bàn tay kiểm duyệt được thấy ở nhiều nơi.

Ông Marek Mracka, chuyên viên của tổ chức nghiên cứu MEMO 98 nói rằng các ứng cử viên đối lập chỉ được tiếp cập báo chí Miến Điện một cách hạn chế:

“Về mặt cơ bản, không có thông tin về các ứng cử viên đối lập. Ý tôi muốn nói về mặt cơ bản, quyền tự do phát biểu hoàn toàn không được thể hiện ở đây. Kết luận tổng quát là trước tình hình người dân Miến Điện chỉ nhận được thông tin từ báo chí nhà nước, họ đơn giản chẳng có đủ thông tin để lựa chọn. Thật là đáng tiếc.”

Có hơn 3.000 ứng cử viên trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật, đến từ 37 đảng để cho 29 triệu cử tri lựa chọn. Nhưng có hơn 20 đảng, trong đó có đảng của bà Aung San Suu Kyi, đã bị giải thể, do luật bầu cư quá khắt khe.

Ông Zaw Win, chuyên viên của MEMO 98 về vấn đề Miến Điện nói rằng vì có rất ít thông tin từ báo chí trong nước, cử tri Miến Điện phải dựa vào các đài phát thanh nước ngoài:

“Các đài mà họ có thể dựa vào là VOA, BBC, Á châu Tự do, và Tiếng Nói Dân chủ Miến Điện. Đài phát thanh thì nghe dễ, do đó họ có thể tiếp cận tất cả thông tin bằng đài phát thanh. Còn truyền hình thì có giới hạn. Internet cũng rất giới hạn. Muốn sử dụng Internet người ta phải ra quán cà phê, nhưng các trang web của đối lập không thể truy cập được, lúc nào các trang này cũng bị từ chối.”

Các tin tức nói rằng trong những ngày qua, người dân Miến Điện càng bị hạn chế truy cập Internet, nhiều trang web thực hiện tại nước ngoài không thể truy cập được. Chính quyền cũng không cấp thị thực nhập cảnh cho các nhà báo nước ngoài.

Ông Zaw Win nói rằng các nhà báo trong nước sẽ lãnh nhiều hậu quả nặng nề nếu vi phạm các luật lệ cho chính quyền đặt ra:

“Các nhà báo Miến Điện vi phạm sẽ bị bắt và tống giam với những bản án thật nặng. Một số nhà báo đã ngồi tù vì chỉ trích chính quyền.”

Theo tin của Hội Giúp đỡ Tù nhân Chính trị Miến Điện, có 40 người đang ngồi tù vì các hoạt động có liên quan đến báo chí.