Hôm nay, các cơ quan truyền thông nhà nước Miến Điện công bố chính phủ quân nhân đã chính thức giải thể và quyền hành được bàn giao cho cái được gọi là chính phủ do dân sự lãnh đạo.
Cựu thủ tướng Thein Sein đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống cùng với một chính phủ mới được chọn ra sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi hồi tháng 11 năm ngoái.
Nhưng cuộc bàn giao lịch sử này đã bị coi nhẹ vì những quan ngại rằng chế độ quân trị vẫn tiếp tục qua những người đại diện trung thành với quân đội.
Lãnh tụ Dân chủ Aung San Suu Kyi đã bị cấm không cho tham gia và Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà, tức phe đối lập chính, - còn gọi tắt là NLD - đã bị giải tán trong tư cách một đảng vì đã tẩy chay cuộc bầu cử.
Ông Nyan Win là người phát ngôn cho NLD. Ông nói họ chấp nhận sự kiện rằng có một chính phủ mới và sẵn sàng đối thoại nhưng cũng sẽ theo dõi sát các dấu hiệu quân đối nắm quyền kiểm soát.
Ông Nyan Win nói: “Chúng tôi cũng sẽ chờ xem mọi việc ra sao. Chúng tôi luôn lo ngại liệu có sự kiểm soát của quân đội đối với chính phủ hay không. Chúng tôi không biết đích xác. Chúng tôi sẽ chờ và nghe ngóng xem sao.”
Chính phủ quân nhân đã quảng bá cuộc bầu cử là một bước tiến tới dân chủ nhưng cuộc bầu cử này đã bị nhiều người lên án là một trò giả hiệu.
Hiến pháp do quân đội soạn thảo bảo đảm quân đội chiếm 1 phần tử số ghế, và đảng được quân đội hậu thẫun đã được bầu lên với số phiếu áp đảo giữa những lời cáo buộc gian lận và hăm dọa cử tri.
Nhiều sĩ quan quân đội đã từ nhiệm để ra tranh cử, kể cả tổng thống mới, bản thân là một cựu tướng lãnh, và được coi là những người trung thành với quân đội.
Các đảng dân chủ nhỏ hơn đã được bầu nhưng chỉ chiếm được rất ít ghế.
Vai trò của tướng lãnh kỳ cựu Than Shwe trong chính phủ mới vẫn chưa rõ và một số nhà phân tích trông đợi ông này sẽ nắm quyền ở hậu trường.
Chính phủ quân nhân, chính thức có danh xưng là Hội đồng Phát triển và Hòa bình, đã cai trị Miến Điện từ năm 1988 nhưng đất nước nghèo khó này đã bị đặt dưới hình thức này hay hình thức khác của quân trị từ nửa thế kỷ nay.
NLD đã thắng trong cuộc bầu cử trước vào năm 1990 nhưng quân đội làm lơ trước kết quả và đã quản thúc bà Aung San Suu Kyi phần lớn thời gian trong 2 thập niên qua.
Bà Suu Kyi được phóng thích khỏi tình trạng quản thúc tại gia hồi năm ngoái, chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử.
Chính phủ quân nhân Miến Điện đã chính thức giải thể và một chính phủ dân sự trên danh nghĩa đã tuyên thệ nhậm chức sau mấy chục năm quân đội cầm quyền. Nhưng các thành phần trung thành với quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát chính phủ mới, theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Daniel Schearf từ Bangkok.