Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết sẽ làm việc với ông Donald Trump sau chiến thắng gây sốc của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng một số quan chức bày tỏ lo ngại rằng cuộc bầu cử có thể đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên mà trong đó Washington cổ súy những giá trị dân chủ và được những đồng minh xem là nước bảo đảm hòa bình.
Ông Trump, tỉ phú bất động sản và cựu ngôi sao truyền hình thực tế, gửi đi những tín hiệu hòa dịu trong bài phát biểu đầu tiên của ông kể từ bất ngờ đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton, và tuyên bố sẽ tìm kiếm điểm chung, không phải xung đột, với những đối tác của Mỹ.
Các chính phủ ở Anh, Trung Quốc, Đức, Israel, Nhật Bản, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chúc mừng ông Trump và nói rằng họ sẽ làm việc với ông.
"Đó không phải là con đường dễ dàng, nhưng chúng tôi sẵn sàng làm phần việc của mình và làm tất cả mọi thứ để đưa mối quan hệ Nga-Mỹ trở lại con đường phát triển ổn định," Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu. Ông Trump từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin trong chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông hy vọng sẽ đạt được "tầm cao mới" trong quan hệ song phương dưới chính quyền của ông Trump. Và Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng "mối quan hệ lâu dài và đặc biệt" giữa Anh và Mỹ sẽ vẫn nguyên vẹn.
Nhưng những quan chức khác, một số trong số họ có vai trò cao cấp trong chính phủ, đã có một hành động bất thường là lên án kết quả bầu cử, gọi đó là một tín hiệu đáng lo ngại cho nền dân chủ tự do và sự khoan dung trong thế giới.
"Trump là người tiên phong của phong trào quốc tế sô-vanh và độc đoán mới. Ông ta cũng là một cảnh báo cho chúng ta," Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tập đoàn báo chí Funke.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin của Nga, đặt nghi vấn về những nguyên lý cốt lõi của liên minh quân sự NATO và gợi ý rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên tự phát triển vũ khí hạt nhân để chịu gánh nặng quốc phòng của riêng mình.
Ông đã tuyên bố sẽ hủy bỏ một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu mà các cường quốc thế giới đạt được tại Paris vào năm ngoái, hủy bỏ những hiệp định thương mại mà ông nói là có hại cho người lao động Mỹ, và đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới mà đã đưa tới việc nới lỏng những chế tài nhắm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Nhưng những đồng minh của Mỹ thừa nhận là không chắc liệu ông Trump có làm đúng tất cả những cam kết chính sách đối ngoại mà ông đã đưa ra trong khi vận động tranh cử hay không.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif kêu gọi ông Trump tiếp tục theo đuổi thỏa thuận với Iran.
Tổng thống Hàn Quốc thì bày tỏ hy vọng rằng ông Trump sẽ duy trì chính sách hiện thời của Mỹ gây sức ép với Bắc Triều Tiên về những vụ thử hạt nhân và phi đạn của nước này.
Chính phủ Hàn Quốc lo ngại là ông Trump có thể đưa ra những đề xuất không thể tiên đoán được cho Bắc Triều Tiên, theo lời một quan chức của đảng cầm quyền phát biểu tại Seoul, dẫn lời những quan chức an ninh quốc gia hàng đầu.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản, phát biểu trước khi ông Trump đắc cử, kêu gọi ông gửi một thông điệp trong thời gian sớm nhất có thể để trấn an thế giới về cam kết của Mỹ đối với những nước đồng minh.
"Chúng tôi chắc chắn lo ngại về những phát biểu mà ông Trump đã đưa ra về liên minh và vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản," quan chức Nhật Bản này nói.
Một số nhà lãnh đạo đang bất bình về những lời sỉ nhục mà ông Trump đã thốt ra trong những tháng qua. Ông gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel là "điên rồ" vì cho phép một triệu di dân vào nước này năm ngoái.
Nhưng những đảng cánh hữu ở Châu Âu có cùng tư tưởng với ông Trump đã ca ngợi chiến thắng của ông. Họ đang hy vọng sẽ gây được ảnh hưởng của riêng mình vào năm 2017, năm mà Đức, Pháp, Hà Lan, và có thể là Ý và Anh, có thể tổ chức những cuộc bầu cử.