Các nhà tranh đấu TQ kêu gọi cải cách, tôn trọng tự do ngôn luận

  • Shannon Sant

Luật sư của bà Tào Thuận Lợi nói chuyện điện thoại bên ngoài bệnh viện nơi bà Tào đang được chữa trị các chứng bệnh lao phổi và bệnh gan. Những người bạn của bà Tào e rằng bà sẽ qua đời trong nay mai.

Một ngày trước khi quốc hội Trung Quốc nhóm họp, các nhân vật tranh đấu nhân quyền Trung Quốc lên tiếng thúc giục chính phủ cải cách và tôn trọng tự do ngôn luận. Lời kêu gọi được đưa ra trong lúc bạn bè của nhà hoạt động Tào Thuận Lợi cho biết bà sắp qua đời trong lúc bị cảnh sát giam giữ. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Shannon Van Sant gởi về bài tường thuật sau đây.

Bà Tào Thuận Lợi, một nhân vật tranh đấu nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc, đã bị cảnh sát giam giữ khi bà bị suy nội tạng hồi cuối tuần trước. Các luật sư của bà nói rằng bệnh tình của bà trở nên nguy kịch vì không được chữa trị một cách thỏa đáng các chứng bệnh lao phổi và bệnh gan.

Bà Tạo bị bắt hồi mùa thu năm ngoái sau khi thực hiện một cuộc biểu tình ngồi lỳ bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Mục tiêu của cuộc biểu tình là phản đối việc chính phủ không cho phép công chúng tham gia việc soạn thảo bản báo cáo nhân quyền quốc gia của Trung Quốc trước một cuộc kiểm điểm của Liên hiệp quốc. Bà bị giam cần từ đó cho đến nay.

Những người bạn của bà Tào e rằng bà sẽ qua đời trong nay mai. Họ nói rằng đây là một dấu hiệu khác nữa của nạn đàn áp những người bất đồng chính kiến và họ hối thúc nhà cầm quyền thay đổi trong lúc các nhà lập pháp hàng đầu của nước này chuẩn bị nhóm họp ở Bắc Kinh.

Bà Maya Wong, một nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho biết như sau về tình trạng của bà Tào Thuận Lợi.

"Những người đã có thể vào thăm bà Tào nhận thấy rằng bệnh tình của bà rất đỗi nguy kịch và có lẽ bà chỉ sống thêm được vài ngày nữa thôi.

Khi được hỏi là bệnh tình nguy kịch của bà Tào Thuận Lợi phản ánh như thế nào về tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng hai vấn đề này không liên hệ với nhau."

Ông Tần nói rằng bà Tào bị nghi vi phạm pháp luật và phạm tội và giới hữu trách đang làm việc theo pháp luật. Ông nói rằng vụ án của bà Tào không dính líu gì tới tình trạng nhân quyền Trung Quốc.

Tin về bệnh tình của bà Tào Thuận Lợi được loan báo vài ngày sau khi một nhà tranh đấu nổi tiếng khác là ông Ilham Tohti bị bắt. Ông Tohti là một học giả được kính trọng, một nhà kinh tế học và là người dốc sức tranh đấu cho quyền lợi của người Uighur. Đây là sắc dân thiểu số hầu hết theo đạo Hồi và sinh sống trong vùng Tân Cương, nơi xảy ra những vụ biểu tình phản kháng và những vụ rối loạn trong vài năm gần đây. Tuần trước, cảnh sát Trung Quốc khởi tố ông Tohti về tội âm mưu chia cắt đất nước và luật sư của ông nói rằng ông có thể lãnh án tử hình.

Trong lá thư gởi cho Chủ tịch Nước Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc hôm thứ ba, tổ chức Human Rights Watch kêu gọi tiến hành những biện pháp cải cách, trong đó có việc tôn trọng tự do ngôn luận và thể chế pháp trị.

Năm ngoái, Trung Quốc đã hủy bỏ chế độ lao động cải tạo, như bà Wong của tổ chức Human Rights Watch nói rằng việc đó không đủ lớn để ảnh hưởng tới tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

"Chính phủ chỉ tìm cách phô trương những sự cải cách nhỏ nhặt với hy vọng xoa dịu sự bất bình của công chúng."

Luật sư Đằng Báo nói rằng việc đàn áp và bắt bớ những nhân vật bất đồng chính kiến đã gia tăng trong năm ngoái, nhưng số người công khai tranh đấu cũng đang trên đà gia tăng.

"Mặc dù có rất nhiều nhà tranh đấu nhân quyền bị bắt giữ, nhưng số người trở thành các nhà tranh đấu nhân quyền cũng mỗi ngày một đông hơn, và vì thế cho nên, niềm hy vọng nằm ở xã hội dân sự chứ không phải ở chính phủ trung ương."

Nhiều người thuộc xã hội dân sự Trung Quốc đang lên tiếng đòi chính phủ tiến hành cải cách và thách thức của ông Tập Cận Bình trong năm tới là làm thế nào để có thể thỏa mãn những đòi hỏi đó mà vẫn có thể duy trì quyền cai trị của Đảng Cộng Sản.