Hôm 22/12, khói mù dày đặc bao phủ thủ đô của 2 nước đông dân nhất thế giới. Các đài kiểm soát chất lượng không khí tại Bắc Kinh và New Delhi cho thấy những con số vượt xa ngưỡng nguy hiểm thuộc loại cao nhất. Từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok, thông tín viên Steve Herman gửi về bài tường thuật.
Thủ đô Trung Quốc hôm 21 và 22/12 bị đặt trong tình trạng cảnh báo đỏ về ô nhiễm ở mức cao lần thứ nhì từ trước đến nay, khiến chính quyền thành phố Bắc Kinh phải đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động ở các nhà máy, rút bớt một nửa số xe cộ lưu thông ra khỏi đường phố thủ đô và đóng cửa các trường học.
Hồi xế trưa 22/12, các máy đo chỉ số chất lượng không khí ở trung tâm Bắc Kinh cho thấy các con số vượt quá 400 microgram trên mỗi mét khối về PM2.5 (là những phần tử nhỏ hơn 2,5 micromet đường kính có thể lọt vào phổi).
Tuy nhiên, việc công bố lệnh cảnh báo đỏ không có nghĩa là không khí Bắc Kinh thực sự bị ô nhiễm hơn so với mức độ trước đây, theo như nhận định của ông Hoàng Nham Trung, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại.
“Lý do chính quyền thành phố quyết định công bố lệnh cảnh báo đỏ là để biện minh cho các biện pháp cấp thiết hơn nhằm kiểm soát mức độ ô nhiễm. Quả nhiên, kết quả là việc hạn chế số xe hơi lưu thông trên đường phố đã hạ thấp được mức độ ô nhiễm”.
Tại thủ đô Ấn Độ, sau một thời gian ngưng nghỉ khoảng một thập niên trước, là lúc các biện pháp chống ô nhiễm đã dẫn tới những cải thiện, thành phố một lần nữa lại bị ngột ngạt vì bầu không khí bị coi là tệ hại nhất thế giới.
Bà Anumita Roychowdhury là giám đốc điều hành về nghiên cứu và hỗ trợ tại Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi.
“Ngay lúc này vào mùa đông, điều đó rất rõ ràng. Ta có thể cảm nhận được, ngửi thấy mùi khói mù ấy”.
Năm nay Ngân hàng Thế giới tính rằng tuổi thọ bị rút ngắn của dân chúng ở các thành phố lớn của Ấn Độ do không khí ô nhiễm gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này mỗi năm là 18 tỷ đôla.
Bà Anumita Roychowdhury nói tiếp:
“Các cuộc khảo cứu cho thấy rằng ở Delhi cứ trong số 3 em nhỏ thì có 1 em bị hư phổi lúc này. Nếu ta nhìn vào con số những ca chết yểu được báo cáo từ các cuộc khảo cứu khác nhau ở thành phố này thì gần như kết quả là có một người chết mỗi giờ đồng hồ vì các bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí”.
Tòa Thượng thẩm Delhi, trước đây từng nói rằng sống ở thủ đô Ấn Độ giống như ở trong một “phòng hơi ngạt”, hôm 22/12 đã công bố lệnh khẩn trương. Hai thẩm phán của tòa này đã ra lệnh cho tất cả các giới hữu quan theo dõi những quy định hiện hữu và giảm thiểu các mức phân tử. Hai vị này cũng khiển trách cảnh sát giao thông vì tỏ ra không hữu hiệu trong việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc đường sá.
Theo giáo sư Hoàng Nham Trung, trong khắp khu vực, giới hữu trách vẫn còn đang chật vật tìm cách chống lại tình trạng ô nhiễm về lâu về dài.
“Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc, nơi chúng ta đã thấy chính các nhà lãnh đạo cấp cao nhất ngay càng cam kết kiểm soát ô nhiễm, cũng không có sự đồng thuận về cách thức giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả. Và lẽ đương nhiên, ở thủ đô New Delhi của Ấn Đô, ta cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự về cách xử lý vấn nạn giữa phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường”.
Tại Dhaka, thành phố vĩ đại tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ùn tắc giao thông và khó từ các lò gạch gây ra tình trạng ô nhiễm bị quy trách là giết chết hàng ngàn cư dân mỗi năm và gây ra khoảng từ 80 đến 230 triệu ca bệnh đường hô hấp mỗi năm.
Một lệnh cảnh báo ô nhiễm cao cũng khiến giới hữu trách Iran ở Tehran, Isfahan và Arak, phải đóng cửa tất cả các trường học trong 2 ngày kể từ hôm Chủ nhật. Đây là lệnh đầu tiên thuộc loại này kể từ năm 2010.