Ông Donald Trump, người sắp được Đảng Cộng hòa đề cử tranh chức tổng thống và ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đã lên tiếng chống lại thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lúc hầu như không ứng cử viên nào bênh vực những thỏa thuận thương mại tự do khi họ vận động tranh cử.
Được ký kết vào tháng hai năm 2016, TPP nhắm mục tiêu hạ thấp thuế quan và thúc đẩy thương mại giữa 12 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương. Hiệp ước vẫn chưa có hiệu lực và không ứng cử viên nào bày tỏ sự ủng hộ trong chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ.
Ông Trump nói với những người ủng hộ hôm Chủ nhật ở thành phố Spokane, bang Washington: "Chúng ta sẽ dẹp bỏ TPP. Chúng ta phải chặn nó lại. NAFTA [Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ] là một thảm họa. Cái này [TPP] sẽ còn tệ hơn."
Tuần trước, bà Clinton nhắc lại sự phản đối của mình đối với TPP, giống như quan điểm của đối thủ tranh cử của Đảng Dân chủ Bernie Sanders. Đáp lại những câu hỏi của những tổ chức lao động, môi trường và những nhóm nhân quyền, bà Clinton viết rằng Quốc hội không nên cứu xét thỏa thuận trước hay sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.
Ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Dân chủ khẳng định lập trường của mình ngay sau khi thỏa thuận được công bố vào cuối năm ngoái.
Bà nói: "Tôi không ủng hộ những gì tôi đã biết về nó. Tôi lo ngại việc việc vấn đề thao túng tiền tệ không nằm trong thỏa thuận. Chúng ta đã mất công ăn việc làm ở Mỹ vì những nước, đặc biệt là ở Châu Á, đã thao túng tiền tệ."
Khi còn là ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, bà Clinton đã ca ngợi TPP là "tiêu chuẩn vàng cho những hiệp định thương mại." Những nghi ngại của bà về hiệp định này trong tư cách ứng cử viên tổng thống cho thấy những thỏa thuận thương mại nhìn chung đang không được lòng cử tri trong đợt bầu cử hiện tại ở Mỹ.
Trong số ba ứng cử viên Cộng hòa tranh nhau tới phút cuối – ông Trump, Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thống đốc John Kasich - chỉ có ông Kasich là luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với những thỏa thuận thương mại tự do nói chung và TPP nói riêng.
Thống đốc bang Ohio cho biết hồi tháng Ba: "Tôi vẫn luôn là người ủng hộ thương mại tự do và công bằng cùng lúc. 38 triệu người Mỹ có việc làm liên hệ tới thương mại. Vì vậy chúng ta muốn có thương mại tự do."
Ngay cả trước khi đình chỉ chiến dịch tranh cử của mình vào tuần trước, tiếng nói của ông Kasich thường bị ông Trump lấn át.
Ông Trump nói: "Khi bạn nhìn vào những thỏa thuận thương mại tệ hại đang khiến cho chúng ta mất đi vô số của cải vào tay những đối tác của mình, bạn sẽ thấy công ăn việc làm của chúng ta đang bị hút đi. Những chuyện đang xảy ra thật là quá tệ."
Cuộc tranh luận đôi khi có những điều làm cho người nghe cảm thấy khó hiểu. Ví dụ, ông Trump thường chỉ trích việc các nước khác đánh thuế vào hàng xuất khẩu của Mỹ - nhưng một trong các mục đích chính của TPP là loại bỏ thuế nhập khẩu.
Tuần trước, ông Trump nói với những người ủng hộ ở bang Nebraska, nơi có nhiều nông trại, rằng "Khi bạn gửi những nông sản tuyệt vời của bạn, tốt nhất trên thế giới, khi bạn gửi những nông sản đó đi, chuyện gì sẽ xảy ra? 38 phần trăm thuế? Phải đóng 38 phần trăm thuế cho Nhật Bản. Thử nghĩ mà xem."
Bất chấp những lời lẽ chống TPP, Tòa Bạch Ốc vẫn giữ vững lập trường.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết hồi tuần trước: "Nhìn từ góc độ kinh tế, chiến lược và giá trị, chúng tôi có một lập luận rất vững chắc để đưa ra về sự khôn ngoan của Quốc hội khi họ xúc tiến việc phê chuẩn thỏa thuận TPP mà Tổng thống đã thương thuyết."
Quốc hội do Đảng Cộng hòa chiếm đa số đã cấp thẩm quyền "cấp tốc" để tạo điều kiện cho việc chấp thuận thỏa thuận thương mại này, nhưng cả hai viện đều không đưa ra bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy họ sẽ biểu quyết về TPP trong tương lai gần.