Ngoại trưởng John Kerry ca ngợi những lợi ích của hai hiệp định thương mại lớn của Mỹ vốn vấp phải sự ngờ vực từ một số thành viên của Quốc hội, những tổ chức thương mại và những ứng cử viên tổng thống.
Trong một bài phát biểu hôm thứ Ba trước một nhóm chính sách quốc tế ở thành phố Los Angeles, ông Kerry nói hai hiệp định thương mại này có những lợi ích rộng lớn bao gồm việc bảo vệ những lợi ích chiến lược của Mỹ và củng cố an ninh quốc gia.
Vào tháng 2, những quan chức nước ngoài đã kí kết thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại lớn giữa Mỹ và 11 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương khác chiếm 40% nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.
Hiệp định này đối diện với một tương lai bất định tại Mỹ, một phần là vì có những lo ngại của những nhà lập pháp Mỹ nói rằng thỏa thuận này sẽ làm tổn hại thương mại và đầu tư.
Trong một lá thư hồi tháng 3 gửi cho Tổng thống Barack Obama, một nhóm những nhà lập pháp lưỡng đảng của bang New York nói rằng họ "nghi ngờ" là TPP sẽ "làm tốt hơn so với những hiệp định thương mại trước đó." Họ dẫn ra những điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và nói rằng những điều khoản đó đã dẫn tới việc hàng ngàn công ăn việc làm bị mất ở bang của họ.
"Đây không phải là thỏa thuận thương mại của cha mẹ quý vị hay của ông bà quý vị," ông Kerry nói. Ông nói thêm rằng có rất nhiều "thông tin sai lạc xung quanh TPP."
Ông nêu ra ý kiến của những người chỉ trích thỏa thuận nói rằng nó sẽ lấy mất công ăn việc làm ở Mỹ.
"Lý do chính mà những công việc cũ biến mất không phải là thương mại mà là công nghệ, và chắc chắn không phải là những thỏa thuận thương mại," ông nói.
Ông Kerry cũng nêu ra những lợi ích của thỏa thuận Quan hệ Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (T-TIP), một thỏa thuận đầu tư đang được đàm phán giữa Mỹ và Liên minh châu Âu.
Ông cho biết thỏa thuận này sẽ thực thi "những cải cách hợp lý để loại bỏ thuế quan, loại bỏ nạn quan liêu cho những mặt hàng vượt qua biên giới của chúng ta và thúc đẩy những dịch vụ."
Sự xuất hiện của ông Kerry tại bang California khép lại chuyến công du kéo dài một tuần bao gồm những điểm dừng chân tại Bahrain, Iraq và Afghanistan. Ông về lại California từ Nhật Bản, nơi ông đã tham gia một cuộc họp của Nhóm Bảy Quốc gia công nghiệp hóa và thăm một địa điểm tưởng niệm Thế chiến thứ hai tại thành phố Hiroshima.