Một tàu chiến đổ bộ của Anh đã đi qua Biển Đông hồi tháng 8 và Trung Quốc đã buộc tàu Anh phải rời đi. Trung Quốc là nước có sức mạnh quân sự mạnh nhất châu Á với yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này. Hiện nay, Anh, quốc gia từng có chỗ đứng thuộc địa hùng mạnh ở châu Á, muốn thiết lập một căn cứ mới trong khu vực, truyền thông dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết.
Một căn cứ của Anh ở Đông Nam Á, nơi có bốn quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, sẽ giúp cho các con tàu tiếp cận nhanh hơn với bất kỳ nhiệm vụ nào giống như ngày 31/8.
Theo các chuyên gia chính trị châu Á, nhiều khả năng các nước Ðông Nam Á sẽ để cho Vương quốc Anh thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc - và bị thách thức trở lại - trong vùng biển giàu tài nguyên bằng cách giúp cho các tàu của Anh tham gia với các tàu của đồng minh Mỹ trong các cuộc tập trận hải quân định kỳ. Vẫn theo các chuyên gia, một mình Anh thì thiếu tiền, nên phải cậy nhờ vào mối quan hệ với các thuộc địa cũ ở Đông Nam Á.
“Họ sẽ phải hợp tác với Hoa Kỳ, nếu không thì không có lý gì cả”, Giáo sư Eudardo Araral của trường Chính sách công của Đại học Quốc gia Singapore, nói. “Họ nên tham gia cùng Hoa Kỳ trong cái gọi là hoạt động tự do hàng hải”.
Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson nói với hãng tin Anh The Telegraph hồi tháng 12 rằng đất nước ông đang tìm kiếm một căn cứ mới ở Đông Nam Á.
Thêm đối thủ tham gia cuộc tranh chấp lãnh hải lớn
Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc nhưng đã đẩy vào thế chống đỡ kể từ năm 2010, khi Bắc Kinh sử dụng lợi thế công nghệ và kinh tế để mở rộng ảnh hưởng của họ trong vùng biển. Trung Quốc đã xây đắp hàng loạt đảo nhỏ và một số được sử dụng cho quân sự.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% diện tích Biển Đông, kéo dài từ Hồng Kông đến Borneo, rộng 3,5 triệu km2. Trung Quốc và các nước đối thủ có tuyên bố chủ quyền ở châu Á coi trọng vùng biển này vì trữ lượng thủy sản và nhiên liệu.
Washington thường xuyên điều tàu hải quân đến Biển Đông để gây áp lực với Trung Quốc, và gọi nhiệm vụ này là hoạt động tự do hàng hải. Đầu tháng này, một tàu chiến của Hoa Kỳ đã đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc kiểm soát bất chấp tuyên bố chủ quyền của Việt Nam.
Mặc dù ít thường xuyên hơn, nhưng Nhật Bản và Úc cũng điều tàu đến đây để kiểm soát Trung Quốc. Theo các chuyên gia, nếu đi theo đường lối này, Anh cũng sẽ chọc giận Trung Quốc.
“Tất nhiên, Trung Quốc sẽ phản đối mạnh, nhưng tôi nghĩ đối với các quốc gia Đông Nam Á còn lại, đây không phải là điều mới mẻ”, ông Oh Ei Sun, thành viên cao cấp của Viện các vấn đề quốc tế Singapore, nhận định.
Hồi tháng 9, Bắc Kinh đã đối xử với tàu HMS Albion của hải quân Anh như một kẻ đột nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Hãng tin do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, Hoàn Cầu Thời Báo, dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói con tàu đã “đi vào lãnh thổ Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc”.
Anh có thể thiếu tiền cho một sáng kiến lớn ở Biển Đông, ông Oh nói. “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải rất thực tế về điều này. Thậm chí hải quân Anh cũng không giống như trong thời đế chế Anh”.
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Canberra, nói Anh có thể đang lên kế hoạch mở rộng sang châu Á cả về chiến lược và kinh tế “trong tư cách độc lập”.
Ông Thayer lưu ý rằng vào năm 2016, Thủ tướng Anh Theresa May và cựu ngoại trưởng nước này bắt đầu đưa ra ý tưởng về một nước Anh toàn cầu trong thời kỳ hậu Brexit.
Phản ứng của Đông Nam Á
Các nước Đông Nam Á có thể sẽ khó khăn trong việc chấp nhận một căn cứ của Anh.
Theo tờ Telegraph, Anh đã xem xét Singapore và Brunei là những lựa chọn cho việc đặt căn cứ.
Theo các chuyên gia, các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ lo lắng rằng việc cho phép một căn cứ sẽ mang trở lại chủ nghĩa thực dân hay hình thức thống trị khác của nước ngoài. Brunei, Malaysia, Myanmar và Singapore là các cựu thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á.
“Luôn có một yếu tố nội địa về vấn đề này đối với nước chủ nhà”, ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu An ninh Hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói.
“Về cơ bản, điều này tác động trên nhận thức về chủ quyền, và thực tế là mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi với chính phủ rằng liệu có nên cho phép sự hiện diện của nước ngoài để một cách nào đó phá vỡ chính sách đối ngoại của chúng ta hay không”, ông Koh nói.
Theo ông, các nước như Brunei cũng phải quan tâm đến mối quan hệ kinh tế đang phát triển của chính họ với Trung Quốc, trước khi tham gia vào một thỏa thuận quân sự mà Bắc Kinh phản đối.
Anh hiện đang duy trì một cơ sở hậu cần tại căn cứ hải quân Sembawang ở Singapore.
Tại Đài Loan, Tổng thống Thái Anh Văn hôm thứ Bảy đã tỏ ra ủng hộ sự hiện diện của Anh gần Biển Đông. Đài Loan tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng biển nhưng chỉ nắm giữ hai trong số hàng trăm hòn đảo nhỏ đang tranh chấp. Nước này cũng có vấn đề riêng về lãnh thổ với Trung Quốc và bà Thái đã yêu cầu các nước khác giúp chống lại Bắc Kinh.
“Chúng tôi tôn trọng bất kỳ quốc gia nào thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và chúng tôi cởi mở về vấn đề này, miễn là nó giúp duy trì hòa bình trong khu vực”, bà Thái nói với các phóng viên hôm thứ Bảy.