Cảnh sát giao thông Việt Nam lần đầu tiên áp dụng camera đeo trên người khi tuần tra các quốc lộ và đường cao tốc trên cả nước, bắt đầu từ ngày 15/7, báo chí trong nước hay. Dư luận trên mạng xã cho rằng biện pháp này “mang tính hình thức” và không giúp giảm nạn mãi lộ vốn là tai tiếng gắn với cảnh sát giao thông hàng chục năm nay.
Theo tường thuật của VnExpress, Zing.vn và báo Tuổi Trẻ, đợt “ra quân” kéo dài một tháng lần này của cảnh sát giao thông (CSGT) là để “tổng kiểm tra phương tiện” trong đó tập trung xử lý tài xế “vi phạm nồng độ cồn, ma tuý”.
Mỗi tổ CSGT tuần tra trên cao tốc được trang bị 4 camera gắn ngực để ghi lại toàn bộ quá trình làm nhiệm vụ, các báo cho biết.
Một đại diện cục CSGT được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng việc lực lượng chức năng sử dụng camera chuyên dụng giám sát toàn bộ quá trình thi hành công vụ là nhằm “tăng cường minh bạch, ngăn chặn các hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ”.
Thông tin từ phía cảnh sát cho biết thêm là các camera này có khả năng ghi hình liên tục trong 8 giờ.
Trong diễn đàn OTO+ trên nền tảng Facebook, có gần 800.000 thành viên, việc CSGT nay mang trên người camera như ở nhiều nước khác đang thu hút sự chú ý đáng kể.
Một thành viên diễn đàn đăng bài viết ngắn có nội dung “Ae [Anh em] hết xin xỏ nhé! Các anh [cảnh sát] cũng nhịn luôn!” cùng 2 ảnh chụp màn hình bản tin của Zing.vn nhận được hơn 1.300 phản ứng “yêu, thích” và hơn 500 lời bình luận.
Từ “xin xỏ” hàm ý nói đến một thực trạng lâu nay ở Việt Nam là khi người lái xe vi phạm luật và bị CSGT dừng xe, người vi phạm thường tìm cách xin xỏ để chỉ phải hối lộ cho CSGT số tiền bằng khoảng một nửa mức phạt chính thức, hay còn gọi là “cưa đôi”, “50/50”.
Trên các tuyến quốc lộ, các lái xe tải, xe khách hay phải hối lộ nhất vì họ thường chở quá tải, quá số người hoặc chạy quá tốc độ để đạt lợi nhuận.
Báo chí trong nước nhiều lần đăng những phóng sự dài kèm ảnh và video clip về nạn CSGT “mãi lộ” ở các tỉnh thành khác nhau.
Một bài trả lời ý kiến cử tri hồi tháng 11/2017 trên cổng điện tử của Bộ Công an cũng phần nào thừa nhận tình hình nêu trên.
Bộ nói, khi phát hiện cán bộ chiến sỹ CSGT vi phạm tiêu cực, bộ “đã xử lý nghiêm khắc”, kể cả “xử lý trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, chỉ huy” ở những đơn vị có cán bộ chiến sỹ sai phạm.
Năm 2009, bộ “xử lý kỷ luật” 50 trường hợp, trong đó cách chức 3 người; trong 6 tháng đầu năm 2010, bộ xử lý 20 trường hợp, chủ yếu là “khiển trách” và “cảnh cáo”, vẫn cổng thông tin của Bộ Công an cho hay.
Nạn mãi lộ cũng được nêu ra quốc hội trong kỳ họp mới đây. Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói hồi đầu tháng 6 rằng các nhân viên công an nếu phạm tội mãi tội bị xử lý “rất nghiêm khắc như tước quân tịch, thậm chí là xử lý hình sự”. Tuy nhiên, vị bộ trưởng không cung cấp thêm thông tin về con số những người đã bị xử lý như vậy.
Cán bộ công quyền ở Việt Nam có tính tham nhũng hệ thống rồi, không thể chữa bằng biện pháp đơn giản như thế được. Có thể họ ghi lại đó, nhưng rồi có thể là họ điều chỉnh, xóa hay làm gì đó, làm nhiều biện pháp để bao che nếu bị tố cáo chẳng hạn.Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ
Phần lớn trong số 500 lời bình luận trên diễn đàn OTO+ về chủ đề CSGT đeo camera trên người cho rằng việc này sẽ không thực sự làm CSGT phải ngừng ăn hối lộ.
“Vấn đề là họ có bật [camera] hay không”, một thành viên viết. “Thấy mồi ngon quá [người vi phạm] tắt đi [và] báo cáo là hết pin là xong”, một thành viên khác nêu ý kiến. “Tắt cam [camera] ăn tiền cũng dễ mà”, một thành viên nữa nhận định.
Nhà hoạt động vì nhân quyền Vũ Quốc Ngữ nhận xét rằng việc CSGT lần đầu mang trên người camera không phải là sự thay đổi mang tính cách mạng và ông cũng chia sẻ mối hoài nghi của công chúng về công dụng của thiết bị mới này.
Ông Ngữ nói với VOA:
“Cán bộ công quyền ở Việt Nam có tính tham nhũng hệ thống rồi, không thể chữa bằng biện pháp đơn giản như thế được. Có thể họ ghi lại đó, nhưng rồi có thể là họ điều chỉnh, xóa hay làm gì đó, làm nhiều biện pháp để bao che nếu bị tố cáo chẳng hạn. Nó chỉ là một biện pháp có khả năng mang lại độ minh bạch cao hơn. Nhưng mà tôi không trông chờ nhiều lắm”.
Nhiều thành viên diễn đàn OTO+ có chung suy nghĩ như ông Ngữ. Ngoài ra, họ còn cho rằng mỗi tổ tuần tra thường nhiều hơn 4 nhân viên cảnh sát, trong khi chỉ có camera, nên vẫn có kẻ hở để những nhân viên cảnh sát còn lại nhận tiền hối lộ.
Trái với số đông mang tâm lý hoài nghi, một số thành viên đánh giá động thái mới của CSGT theo hướng tích cực.
Một người bày tỏ quan điểm trên OTO+ rằng một khi CSGT “cứ nghiêm minh thẳng tay 100%”, ngoại trừ những lỗi nhỏ chỉ cần nhắc nhở, còn những lỗi đáng kể, CSGT “cứ đúng quy trình lập biên bản” thì người dân sẽ dần “bỏ thói xin cho, hối lộ”.
Ủng hộ ý kiến này, một thành viên bổ sung rằng người dân “cứ đi đứng đàng hoàng, đúng luật”, trong trường hợp lỡ vi phạm luật, họ đề nghị CSGT viết biên bản 100%, như vậy “toàn bộ CSGT sẽ không còn cơ hội để nhũng nhiễu”. Khi đó, CGST “gắn 1 camera chứ 10 camera vẫn cứ là OK”.