Chiến tranh mạng

Chiến tranh mạng

Vào tháng 6 năm 1982, vệ tinh thám thính của Mỹ phát hiện một vụ nổ lớn, cực lớn, ở Seberia. Lửa rực trời và khói bốc nghi ngút. Có vẻ như một vụ thử nghiệm nguyên tử. Nhưng không phải. Đó chỉ là một vụ nổ ống dẫn ga của Nga.

Nguyên nhân của vụ nổ, sau này, dần dần được sáng tỏ: nó xuất phát từ chiếc computer mà gián điệp Nga đánh cắp được ở một công ty Canada. Chỉ có điều Nga không biết là gián điệp Mỹ đã cài bẫy sẵn bằng cách gắn vào chiếc computer ấy một phần mềm có chức năng làm tăng tốc máy bơm và thay đổi các nắp đậy (valve) khiến áp lực của ga vượt ra ngoài khả năng chịu đựng của các ống dẫn và, cuối cùng, chúng phát nổ. Chưa có vụ nổ nào, ngoài các cuộc thử nghiệm nguyên tử, lại lớn đến như vậy.

Có thể xem đó là bằng chứng đầu tiên của computer với tư cách là một vũ khí.

Ba mươi năm trôi qua, computer và hệ thống internet càng ngày càng phát triển, thứ vũ khí ấy càng ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Nó mở ra một thứ chiến trường mới, bên cạnh bốn loại chiến trường quen thuộc: trên bộ, trên biển, trên không (air) và trên không gian (space) xa xôi cao ngất. Chiến trường thứ năm ấy chính là trên mạng internet (cyberspace).

Chiến tranh trên mạng khác hẳn các cuộc chiến tranh truyền thống. Ở đó không có súng nổ; không có bom rơi; không có những vụ chuyển quân ào ạt bằng máy bay hay tàu thuỷ; và đặc biệt, người ta có thể không biết ai là kẻ thù của mình nữa. Tất cả diễn ra trong tích tắc. Và vô cùng bí mật.

Một cuộc chiến tranh như vậy không phải là giả tưởng. Nó đã diễn ra. Trận địa đầu tiên là ở Estonia, một nước nhỏ, chỉ có trên một triệu dân, trước, thuộc Liên Bang Xô Viết, sau, từ năm 1991, trở thành một quốc gia độc lập và là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất ở châu Âu, được coi là một con hổ ở vùng Baltic. Estonia tự hào là có một chính-phủ-điện-tử (e-government hay paperless government), nơi phần lớn các thủ tục hành chính, kể cả việc bầu cử, đều được tiến hành trên internet.

Vào năm 2007, hầu như toàn bộ các hệ thống internet ở Estonia đều bị tin tặc tấn công. Mạng lưới internet của chính phủ Estonia bị tấn công với nhịp điệu 60,000 lần mỗi giây! Hậu quả là vô số các trang mạng của chính phủ, của giới truyền thông cũng như của ngân hàng đều bị tê liệt. Không ai có thể rút tiền từ ngân hàng được. Mọi việc buôn bán đều bị ngưng trệ. Công việc trao đổi bằng email giữa các công chức đều bị đình chỉ. Dân chúng rất đỗi hoang mang. Xã hội chìm ngập trong sợ hãi. Không khí chiến tranh bao trùm lên cả nước Estonia nhỏ bé.

Nhưng ai đã gây nên cuộc tấn công trên mạng ấy?

Mọi ánh mắt đều hướng về phía Nga. Nhưng không ai có thể nêu lên bằng chứng đích xác được. Virus đến, một phần, từ Nga, nhưng phần khác, từ khắp nơi trên thế giới. Cuối cùng, chỉ có một thủ phạm bị bắt. Đó là một sinh viên ở Tallinn. Hình phạt đối với sinh viên ấy là số tiền khoảng 2000 đô!

Một số người cho cuộc tấn công trên mạng nhắm vào Estonia năm 2007 chưa phải là chiến tranh thực sự. Lý do là đối tượng bị tấn công chỉ giới hạn trong hai lãnh vực hành chính và tài chính. Mạng lưới internet quân sự của Estonia chưa hề hấn gì cả. Cũng chưa có ai thiệt mạng. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại cho đó đúng là hình thức chiến tranh mới mà nhân loại sẽ phải đương đầu trong thế kỷ 21 này. Chính vì vậy, khối NATO đã tổ chức ngay một cuộc hội nghị lớn về an ninh mạng tại Estonia để bàn về kế hoạch đối phó với hình thức chiến tranh mới này.

Tại cuộc hội nghị, Tiến sĩ Charlie Miller, một nhà tư vấn về an ninh mạng, đã khiến mọi người kinh ngạc với một màn biểu diễn ngoạn mục: chỉ trong vòng chưa tới mười giây, từ chiếc laptop của ông, ông đã giành được quyền kiểm soát một chiếc laptop của người khác, tìm được mật khẩu và vào được email, kích hoạt máy ảnh (gắn sẵn trên laptop) và chụp hình người đang ngồi đối diện với chiếc laptop ấy! Tất cả các động tác ấy được thực hiện trong vòng chưa tới 10 giây!

Cuộc biểu diễn ấy cho thấy cái gọi là an toàn khi ngồi trước chiếc computer và sử dụng internet thật là mong manh. Và giúp người ta dễ dàng hình dung thế nào là cuộc chiến trên mạng. Tiến sĩ Miller cho hay: chỉ cần 100 triệu đô la, ông có thể huấn luyện một đội ngũ tin tặc có khả năng tấn công vào mạng lưới internet, đặc biệt trong lãnh vực quân sự và ngân hàng, của bất cứ quốc gia phát triển nào. http://www.bbc.co.uk/news/10339543

Chính vì nhận thức được điều đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lần lượt thiết lập các cơ quan an ninh mạng thuộc nhiều cấp khác nhau nhằm chuẩn bị đối phó với hình thức chiến tranh mới.

Người ta hình dung cuộc chiến tranh ấy như sau:

Trong vòng 15 phút, toàn bộ thống email quân sự đều bị tắt nghẽn; hệ thống điều khiển tên lửa và vệ tinh ở các khu quân sự, hệ thống điều khiển không lưu ở các phi trường và hệ thống điều khiển giao thông cũng như các phương tiện giao thông công cộng như xe lửa và xe điện đều bị tê liệt; điện; ga và nước bị cúp; các ống dẫn dầu và các kho lọc dầu bùng nổ; các dữ liệu trong ngân hàng, kể cả thị trường chứng khoán, bị xoá sạch hoặc không thể mở được, v.v...

Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?

Trước hết, trên đường phố, xe lửa và xe điện cứ thản nhiên chạy và tông vào nhau rầm rầm; nếu không tông vào nhau thì cũng cán lên xe cộ ở các giao lộ; trên không, tất cả máy bay, từ quân sự đến dân sự đều bị mất phương hướng, không thể hạ cánh được, mà nếu liều hạ cánh thì cũng sẽ tông vào nhau rồi rớt như sung. Dân chúng không thể rút tiền và không thể mua bán gì được. Ngay cả điện, nước và ga trong nhà cũng bị cúp. Còn các tướng lãnh cũng như binh lính thì ngồi... ngó nhau bất lực!

Với viễn cảnh như vậy, chúng ta hãy tưởng tượng đến một cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lâu nay, nghĩ đến điều ấy, chúng ta chỉ hình dung ra các cuộc xung đột quân sự ở hải đảo hoặc dọc theo biên giới giữa hai nước. Nhưng không nên quên một cuộc chiến trên mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi tình hình đủ căng thẳng. Mà về phương diện này, liệu Việt Nam có đủ sức chống cự lại Trung Quốc?

Nên nhớ hiện nay Trung Quốc đã phát triển một lực lượng tin tặc cực lớn và cực mạnh. Họ vẫn thường xuyên tấn công vào hệ thống mạng liên quan đến quốc phòng của nhiều nước, kể cả Mỹ, Úc và các nước lớn ở châu Âu.

Việt Nam có đủ sức chống cự lại họ?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.