Đường dẫn truy cập

Hãy cám ơn các blogger


Hãy cám ơn các blogger
Hãy cám ơn các blogger

Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội kiêm lễ mừng Quốc khánh Trung Quốc (1/10) và Đài Loan (10/10) tại Việt Nam đã chấm dứt có thể nói là một cách...thắng lợi. Không có biến cố nào đáng tiếc xảy ra trừ vụ nổ kho pháo ở sân vận động Mỹ Đình làm bốn người chết vào trưa ngày 6 tháng 10. Đọc báo chí chính thống trong nước, chỉ thấy toàn những lời ca ngợi. Đại khái đó là một lễ hội hoành tráng nhất trong lịch sử Việt Nam với trên 30 ngàn người tham gia diễu binh và diễu hành vào buổi sáng và trên 10000 văn nghệ sĩ cũng như cổ động viên tham gia văn nghệ vào buổi tối ngày chủ nhật 10/10. Chỉ cần nói thêm một điểm ít được báo chí trong nước nhắc đến: đó là một lễ hội tốn kém nhất từ trước đến nay với chi phí nghe nói lên đến 94 ngàn tỉ đồng Việt Nam, tương đương với 4,5 tỉ Mỹ kim.

Về ý nghĩa của lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trên các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và du lịch có lẽ cần có thời gian người ta mới thấy rõ và phân tích một cách thấu đáo. Ở thời điểm này, khi lễ hội vừa chấm dứt, nhìn lại, tôi thấy có một điểm nổi bật nhất, cần được ghi nhận: đó là vai trò của các blog.

Trước đây, nhiều người đã bàn luận, và bản thân tôi cũng từng đề cập một số lần, về vai trò của blog trong quá trình hình thành xã hội dân sự cũng như vận động cho tự do và dân chủ. Bằng chứng phần lớn lấy từ ngoại quốc. Riêng tại Việt Nam, mọi sự bàn bạc đều có tính chất lý thuyết. Bây giờ, qua kinh nghiệm lễ hội 1000 năm Thăng Long, chúng ta có khá nhiều bằng chứng về ý nghĩa của blog ngay tại Việt Nam. Những bằng chứng tươi rói và đầy thuyết phục. Có thể nói chính các blogger, phần lớn ở trong nước và một số ở ngoài nước, đã đóng góp một cách hữu hiệu quả việc ngăn chận phần nào sự lãng phí gần như vô bờ bến của chính phủ và làm cho chính phủ phải thức tỉnh trước sức mạnh của công luận.

Có thể thấy rõ điều đó qua quyết định huỷ bỏ việc bắn pháo hoa trên 29 điểm tại Hà Nội. Bản tin trên báo chí trong nước vào ngày 8/10 cho biết:

“Những ngày qua tình hình mưa lũ ở miền Trung diễn biến phức tạp, gây tổn thất lớn: 52 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trước tình hình này, Hà Nội đã quyết định hủy kế hoạch bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn thành phố trong dịp 1000 năm như kế hoạch. Toàn bộ kinh phí này được dành gửi tặng các tỉnh miền Trung gặp thiên tai.

Đồng thời, Hà Nội phát động quyên góp, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ nhằm giúp các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Thủ đô đã ủng hộ mỗi tỉnh miền Trung bị mưa lũ 1 tỷ đồng.

Trao đổi với VnExpress.net, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, kế hoạch bắn pháo hoa nghệ thuật tại sân vận động Mỹ Đình tối 10/10 nằm trong kịch bản chương trình Văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm. Để tránh xáo trộn chương trình, thành phố giữ lại điểm bắn này. Đây cũng là điểm bắn pháo hoa dùng kinh phí xã hội hóa do Công ty Interserco phối hợp thực hiện.”

Xin lưu ý là trước đó một ngày, sau vụ nổ kho pháo ở Mỹ Đình, “Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn Hóa Thể Thao và Du lịch, Chủ nhiệm chương trình Đêm hội Văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (ngày 10/10) cho biết, vẫn có màn bắn pháo hoa như chương trình trước đây, mục tiêu và thời lượng ban đầu đặt ra cũng không có gì thay đổi.”

Vậy chuyện gì đã xảy ra để chỉ ngay một ngày sau đó nhà cầm quyền Hà Nội thay đổi 180 độ như vậy? Tại sao ngày hôm trước họ nói vẫn duy trì chương trình bắn pháo hoa rầm rộ kéo dài 15 phút trên 30 địa điểm khác nhau, vậy mà, ngày hôm sau, họ đã đổi ý định, rút xuống còn một địa điểm duy nhất? Tại sao những ngày hôm trước, cụ thể hơn, bảy ngày trước, tính từ lúc cơn lũ dữ dội tràn ngập mấy tỉnh miền Trung, làm cho cả mấy chục người chết và hàng chục ngàn người dân khốn đốn, hàng ngũ cán bộ cao cấp ở Hà Nội cũng như Trung ương, vẫn im thin thít, vậy mà, thoắt một cái, họ ra vẻ quan tâm đến lũ lụt và kêu gọi mọi người cứu giúp các nạn nhân? Tại sao bỗng dưng họ lại trở thành thân dân và nhân đạo như vậy?

Câu trả lời, thật ra, rất dễ hiểu: áp lực của công luận.

Mà, ở Việt Nam, công luận được thể hiện ở đâu? Chắc chắn không phải trên các phương tiện truyền thông chính thống do nhà nước nắm giữ và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Suốt hơn một tuần lễ, báo chí trong nước, từ báo in đến báo mạng, đều rặt một giọng tụng ca; không ai lên tiếng về sự hờ hững một cách có thể nói là dã man của giới lãnh đạo trước nỗi khổ của dân chúng miền Trung. Không có tờ báo nào lên tiếng cả. Chỉ có trên blog. Chỉ có các blogger lên tiếng.

Ví dụ blogger Nguyễn Quang Lập lên tiếng một cách chua chát:

“Hãy bắn pháo hoa đi. Cháy kho pháo Mỹ Đình thì mua ngay kho khác. Bắn lên cho tỏ mặt người yêu nước, ai không hớn hở sẽ bị coi là vô cảm.

Hãy bắn pháo hoa đi. Nhảy nhót hát ca đi, màn múa hát 30 ngàn người nếu thấy còn ít quá thì sang Bắc Triều mà học tập. Ở đấy lúc nào cũng có 200 ngàn người nhảy múa ngợi ca đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh.

Hãy bắn pháo hoa đi để thấy dân Miền Trung đang ngoi ngóp trong lũ lụt, 20 ngàn hộ dân lũ cuốn, thiệt hại hơn 2 ngàn tỉ. Ok ok không sao không sao, hãy bắn đi để ngợi ca đất nước.

4, 5 tỉ đô la cho Thủ đô kỉ niệm Ngàn năm, 60 triệu đô la cho Đại lễ… ok ok không sao không sao, vì Hà Nội là trái tim của Tổ quốc. Chỉ sợ trái tim không còn biết đau khi thấy dân Miền Trung phải ngụp lặn kiếm tìm từng gói mì tôm từ thiện.

Hãy bắn pháo hoa đi để biết nhà ta đang có tang, tám chục con người bỏ mạng trong bão lụt. Ok ok không sao không sao, ai chết cứ chết, ai vui cứ vui, hãy bắn pháo hoa đi.

Hãy bắn pháo hoa đi để thấy dân Miền Trung đang kêu cứu. Ok ok không sao không sao, 19 điểm pháo hoa sáng rực rỡ trên bầu trời Đất nước tất thấy rõ mặt người, ai là kẻ bất lương, ai là người vô cảm.

Hãy bắn pháo hoa đi, trời có mắt đấy.

Nhưng mạnh mẽ nhất là blogger Trương Duy Nhất:

“Không có đất nước nào lại đi nhảy múa hò reo, bắn pháo hoa làm lễ hội giữa lúc hàng chục vạn ngôi nhà đang chìm trong lũ, gần 50 người chết và hàng vạn sinh mạng đang cầu cứu.

Cứ tưởng sau sự cố nổ hôm qua, chương trình pháo hoa nghìn năm sẽ hủy. Nhưng không, chẳng những không hủy, mà còn tức tốc chi thêm tiền nhập pháo. Cứ tưởng sẽ có thêm những chiếc trực thăng bay về cứu dân vùng lũ. Nhưng không, khi ông Bí thư Quảng Bình gào xin như van lạy mới có được 2 chiếc trực thăng bay về cứu dân. Trong khi 10 chiếc trực thăng khác lại đang được tập trung cho việc tập dượt kéo mấy lá cờ duyệt binh mừng đại lễ nghìn năm.

Cứ tưởng sẽ có Cụ này, Bác nọ bay về vùng lũ động viên dân. Nhưng không, vẫn chưa thấy ai nhấc chân khỏi Hà Nội.

Gần 50 mạng người- quốc tang đấy chứ! Trước thời khắc này, nên ứng xử ra sao?

Đại lễ nghìn năm sẽ thật sự để tiếng thơm nghìn năm, thật sự linh thiêng hơn nếu hủy bỏ tất cả các hoạt động phần hội, chỉ còn phần lễ. Cả cụ Lý Công Uẩn, đất trời, thần linh, tiên tổ chắc cũng chẳng ai dám gật đầu ủng hộ cho thần dân, cháu con mình hò reo nhảy múa, bắn pháo hoa giữa lúc này.

Ừ thì khách đã mời. Ừ thì lịch đã diễn. Ừ thì tiền đã chi. Nhưng xin đừng nhảy múa hò reo nữa, đừng bắn pháo đừng duyệt binh. Chỉ một buổi lễ giản đơn nhưng vẫn là đại lễ, vẫn nghìn năm, vẫn linh thiêng, vẫn… vĩ đại!

Không có đất nước nào lại đi nhảy múa hò reo, bắn pháo hoa làm lễ hội giữa lúc hàng chục vạn ngôi nhà đang chìm trong lũ, gần 50 người chết và hàng vạn sinh mạng đang cầu cứu.

Trước Nguyễn Quang Lập và Trương Duy Nhất cũng như trước vụ nổ kho pháo hoa, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã viết bài “Vô cảm” đăng trên blog của ông như sau:

“Năm nay đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra vào một thời điểm không mấy hay. Trong khi Hà Nội ăn mừng thì miền Trung bị nạn lũ lụt hoành hành dữ dội. Ấy vậy mà hình như các lãnh đạo vẫn chưa có động thái thực tế nào để tỏ ra quan tâm ...

Hai tình cảnh đối nghịch đến vô lí. Hà Nội ăn mừng đại lễ với những chương trình ca hát, nhảy nhót vui mừng, diễu hành. Cùng lúc đó thì ở miền Trung đang bị chìm trong lũ lụt nghiêm trọng, người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thậm chí tử vong. Nhìn qua những ảnh dưới đây trên báo mạng mà xót ruột. Những con số thống kê làm cho ai có chút thương cảm phải chóng mặt: 20,000 hộ đang ở vào tình trạng nguy cơ bị cuốn đi; cả trăm ngàn người lâm vào tình cảnh đói khát; nhưng quan trọng hơn hết và đau lòng hơn hết là có trên 20 người bị chết vì lũ lụt. [...]

Còn nhớ trước đây ở Úc có nạn cháy rừng lớn làm thiệt hại tài sản của rất nhiều người (hình như không có ai tử vong), nhưng thủ tướng Úc phải hủy các chuyến công du ngoại quốc. Ở Mĩ cũng thế, mỗi khi có thiên tai ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, tổng thống cũng hủy các chuyến công du, thậm chí nếu họ đang công du thì họ sẽ cắt ngắn thời gian và quay về nước. Sự có mặt của họ ngay trong nước là một khích lệ tinh thần, để gián tiếp nói lên rằng tôi đang quan tâm, tôi đang đau cái đau của đồng bào, tôi đang làm hết mình để giảm nỗi đau đó.

Ấy thế mà tôi thấy báo chí và lãnh đạo chẳng có động thái nào để tỏ ra mình quan tâm đến những đồng hương đang chịu đau khổ. Các bác cao cấp thì đang công du nước ngoài. Bác cao cấp khác đang ở trong nước thì chưa thấy nói gì. Hay có nói gì nhưng chỉ là ... chỉ thị. Cấp trung ương chỉ thị cấp tỉnh, cấp tỉnh chỉ thị cho cấp huyện, huyện chỉ thị cho xã, và dây chuyền chỉ thị cứ thể mà tiếp diễn. Thật ra, hình như ở Việt Nam ta đã hình thành "văn hóa chỉ thị", chứ không có "văn hóa làm". Lãnh đạo cấp tỉnh đi thị sát tình hình mà giống như là đi… du lịch. Báo chí cũng chẳng thấy phản ảnh miền Trung tang thương. Chẳng lẽ cả xã hội đều vô cảm như thế sao? Thật là khó hiểu.”

Nhưng có thái độ sớm và cụ thể nhất là nhà văn Trần Nhương. Trong bức thư gửi Chủ tịch thành phố Hà Nội được công bố rộng rãi trên nhiều blog khác nhau, ông viết:

“Kính gửi: Ông Chủ tịch thành phố Hà Nội.

Tôi là Trần Nhương, Nhà văn, công dân thủ đô. Tôi viết thư này xin đề nghị mấy điểm sau đây:

- Cắt giảm 19 điểm bắn pháo hoa (thay vì 29 điểm) và các tiết mục khác không cần thiết để tiết kiệm tiền giúp đỡ bà con lũ lụt miền Trung. Nhân dân chúng tôi sẵn sàng xem pháo hoa qua TV cũng không sao. Hà Nội tổ chức kỉ niệm ngàn năm kéo dài tới 10 ngày liệu có quá lãng phí, phô trương không ? Một nước nghèo vào nhóm cuối của thế giới mà lễ hội quá linh đình liệu có nên không ?

- Sau đại lễ Hà Nội nên công khai cho dân biết số kinh phí chi cho đại lễ là bao nhiêu. Đây là tiền của dân, dân phải biết. Hà Nội nên làm gương về việc “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”.

Kính thư”

Không còn hoài nghi gì nữa, chính những tiếng nói nhạy bén và mạnh mẽ trên các blog ấy đã làm giới cầm quyền Việt Nam giật mình và thay đổi thái độ hẳn. Mà không phải chỉ có việc bắn pháo hoa. Cứ nhớ lại việc chuẩn bị lễ hội 1000 năm Thăng Long từ đầu năm đến nay mà xem. Ai đã khuấy động dư luận phản đối dự án xây dựng 5 cái cổng chào phản cảm ở các cửa ngõ đi vào Hà Nội? Chính là các blogger! Ai đã phản đối việc thay gạch dọc bờ hồ Hoàn Kiếm? Cũng là các blogger! Ai vạch trần tính chất vong bản, thậm chí, nô lệ trong bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” vừa rồi? Cũng lại các blogger.

Có thể nói chính các blogger đã góp phần tạo ra sự thành công của lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Chính họ góp phần làm cho nó sạch sẽ hơn và có tình người hơn.

Chính quyền Việt Nam, nếu khôn ngoan và thực lòng yêu nước, nên cám ơn họ thay vì dùng công an sách nhiễu họ hay sai đám tin tặc tấn công họ. Như cái điều họ vẫn làm, lâu nay.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG