Doanh số hàng hóa của Trung Quốc bán ở nước ngoài là một trong những động lực lớn nhất cho sự tăng trưởng kinh tế phi thường của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các dữ liệu mới cho thấy tăng trưởng xuất khẩu có thể đã đạt đỉnh.
Chuyên viên đầu tư chiến lược Phó Dung Hiệu, thuộc nhóm quản lý tài sản UBS ở Washington cho rằng các bất trắc về kinh tế đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng trên khắp thế giới. Ông nói tiếp:
"Xuất khẩu tất nhiên phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Tôi nghĩ rằng môi trường này vẫn còn yếu và chậm. Tuy nhiên, về mặt tiêu dùng nội địa hoặc sản xuất hoặc lạm phát, Trung Quốc đang di chuyển theo hướng tích cực hơn."
Các nhà kinh tế cho biết nếu Trung Quốc nâng cao giá trị đồng nguyên, tiêu dùng trong nước có thể tăng trưởng, nhưng cũng có thể làm tổn thương xuất khẩu vì làm cho hàng hóa của Trung Quốc đắt hơn.
Ông Phó Dung Hiệu nói chính vì e ngại tăng trưởng xuất khẩu yếu đi nên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục cưỡng lại áp lực định giá lại đồng nguyên.
Tại Hoa Kỳ, các công ty đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu. Tuần trước, Phòng Thương mại Mỹ kêu gọi Quốc hội ký thêm các thỏa thuận thương mại tự do với các thị trường mới nổi, từ Brazil cho tới Indonesia.
Ông Thomas Donohue, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ trình bày trước Quốc hội:
"95% những người mà chúng ta muốn bán một cái gì đó đều sống bên ngoài Hoa Kỳ. Do đó, chúng ta hãy lên đường để thuyết phục những khách hàng và người tiêu dùng này hãy mua của Mỹ.”
Lời hô hào này có thể hiệu quả. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong hơn một năm.
Tuy nhiên, các số liệu thương mại đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy một bức tranh khác.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết mặc dù số lượng nhập khẩu hàng tiêu dùng có giảm, nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ lại tăng hơn 10% vì người Mỹ chi tiền nhiều hơn cho dầu thô và xe ô tô.
http://www.voanews.com/templates/widgetDisplay.html?id=137327163&player=article