Biểu tình sau đợt tự thiêu trong khu vực của người Tây Tạng ở TQ

  • William Ide

Các nhà sư Tây Tạng cho biết các chính sách khắc nghiệt của Trung Quốc là lý do đưa tới các vụ tự thiêu

Các chuyên gia phân tích về Tây Tạng và giới tranh đấu cho nhân quyền cho rằng các vụ biểu tình lan rộng trong những khu vực của người Tây Tạng ở Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất của sự bất mãn ngày càng tăng trong số người Tây Tạng đối với các chính sách của chính phủ Trung Quốc. Và theo họ, nay có mối quan ngại là tình hình có thể còn trở nên tệ hại hơn nữa. Từ Washington, thông tín viên VOA William Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Các chuyên gia phân tích về Tây Tạng và giới tranh đấu cho nhân quyền cho rằng các vụ biểu tình lan rộng trong những khu vực của người Tây Tạng ở Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất của sự bất mãn ngày càng tăng trong số người Tây Tạng đối với các chính sách của chính phủ Trung Quốc. Và theo họ, nay có mối quan ngại là tình hình có thể còn trở nên tệ hại hơn nữa. Từ Washington, thông tín viên VOA William Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Quan ngại về các cuộc biểu tình tại các vùng Tây Tạng của Trung Quóc, nhất là tại tỉnh Tứ Xuyên, đã tăng thêm kể từ hồi tháng 3 năm ngoái. Kể từ lúc đó, có ít nhất 16 nhà sư và ni cô Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối các chính sách của Trung Quốc.

Bà Sophie Richardson giám đốc ở Trung Quốc của tổ chức Human Rights Watch có trụ sở tại Washington DC nói rằng trong khi một số người có thể hy vọng những vụ tự thiêu là các sự cố đơn lẻ và một sự kiện bất thường, thì rõ ràng nay không phải là như thế.

Bà Richardson cho biết: “Con số các vụ tự thiêu mà chúng ta thấy, thậm chí chỉ trong vòng vài tuần lễ trở lại, và sự kiện chúng lan rộng về mặt địa dư, sự kiện nay có thêm các hình thức phản kháng khác tiếp diễn, một số có liên quan đến các vụ tự thiêu, một số khác thì không, nhưng tất cả rõ ràng là bầy tỏ sự bất bình với các chính sách của chính phủ Trung Quốc, cho thấy rằng vấn đề này đang trở nên tệ hại hơn, chứ không phải tốt hơn.”

Ông Steve Marshall là cố vấn cấp cao cho Ủy ban Hành pháp-Quốc Hội về Trung Quốc, người đã dành hơn 2 thập niên để nghiên cứu về các vụ vi phạm nhân quyền tại những khu vực của người Tây Tạng ở Trung Quốc. Ông nói những gì đang xảy ra trong các vùng người Tây Tạng – những vụ biểu tình trong tuần này và những vụ tự thiệu – là một dấu hiệu cho thấy tình hình đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát.

Theo ông Marshall, mọi thứ đã tiến xa hơn mức mà chính quyền Trung Quốc muốn và đang trở nên nghiêm trọng hơn. Và chắc chắn các phương pháp mà lực lượng an ninh và chính phủ Trung Quốc sử dụng để đối phó với các vụ biểu tình này đang có tác dụng ngược hẳn lại với những gì mà chính phủ muốn thấy.

Ngoài hai vụ biểu tình xảy ra tại các khu vực người Tây Tạng trong tỉnh Tứ Xuyên vào hôm thứ Hai và thứ Ba vừa qua, các nguồn tin nói với ban Tây Tạng của đài VOA rằng chính quyền đã bắt giữ ít nhất 8 người đàn ông hôm qua tại Quận tự trị Golog của người Tây Tạng, thuộc tỉnh Thanh Hải cạnh tỉnh Tứ Xuyên.

Các nguồn tin nói hàng trăm người đã tụ tập ở đó để phản đối, đòi rút các lực lượng quân đội và an ninh đã được bố trí quanh hai tu viện trong khu vực.

Sớm hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hạ giảm tầm quan trọng của các bản tin về biểu tình hôm thứ hai ở huyện Lư Hoắc trong tỉnh Tứ Xuyên, nhưng xác nhận rằng có 1 người thiệt mạng trong vụ đối đầu.

Bộ này nói tin tức về hơn 30 nạn nhân bị bắn trong số hàng ngàn người Tây Tạng biểu tình tham gia hôm thứ hai ở Lư Hoắc là bị “thổi phồng.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói bộ rất lo ngại trước các tin tức về bạo động và căng thẳng gia tăng tại các khu vực của người Tây Tạng ở Trung Quốc.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland nêu nhận định.

Bà Nuland cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần hối thúc chính phủ giải quyết các chính sách phản tác dụng trong các khu vực của người Tây Tạng, đã gây căng thẳng và đe dọa đến bản sắc ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo độc nhất của Tây Tạng.”

Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc tiếp xúc qua một cuộc đối thoại xây dựng với Đức Đạt lai ma hay các đại diện của ngài và đề nghị họ nêu vấn đề ra khi Phó chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm Washington vào tháng tới.

Trung Quốc đã không chịu họp với các đại diện của Đức Đạt lai Lạt ma, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong, và thường quy trách cho ông là dàn dựng các vụ bất ổn trong các khu vực Tây Tạng ở Trung Quốc từ ngoài nước. Trung Quốc cũng gán cho những người quyết định tự thiêu là các phần tử khủng bố.

Tuy nhiên, với ngày kỷ niệm vụ tự thiêu đầu tiên năm ngoái vào tháng 3, và kỷ niệm các vụ biểu tình lan tràn vào năm 2008, cũng bắt đầu vào tháng 3 năm đó, các chuyên gia phân tích cho rằng trong vòng 2 tháng tới đây, chúng ta có thể thấy sự bất đồng tiềp tục gia tăng và lan rộng.

Sau đây vẫn là ý kiến của bà Sophie Richardson: “Tôi nghĩ điều không may là chúng ta sẽ chứng kiến thêm các vụ tự thiêu, thêm các vụ biểu tình, và thêm những phản ứng nặng tay hơn. Ở thời điểm này, thì việc tôn trọng một số nghĩa vụ cơ bản theo luật pháp của chính họ và theo các cam kết quốc tế về quyền phản đối ôn hòa và tự chế trong việc sử dụng vũ lực gây chết người là tùy thuộc chính phủ Trung Quốc.”

Nghe nói những người Tây Tạng tham gia biểu tình hôm thứ hai và thứ ba là để phản đối những vụ bắt giữ trước đó một số người hoạt động phát truyền đơn đòi quyền tự do của người Tây Tạng thoát khỏi sự cai trị của Trung Quốc. Các truyền đơn còn cảnh báo rằng có thêm những người Tây Tạng sẵn sàng tự thiêu để phản đối sự đàn áp của Trung Quốc.