Tôi còn nhớ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan trên toàn thế giới đầu năm 2020. Các quốc gia dần dần đóng cửa biên giới. Trung tâm cho Hệ thống Khoa học và Kỹ thuật của Johns Hopkins University trở thành tâm điểm cho các cơ quan truyền thông và chuyên gia vào cập nhật dữ kiện về Covid-19 tại thành phố hay quốc gia của mình. Lâu nay, tôi không vào lại trang mạng này. Hôm nay (thứ Hai 21 tháng 6) vào lại, các con số làm tôi quả thật choáng ngợp. Hơn 178.43 triệu ca bị nhiễm, 3.86 triệu ca chết, mà Mỹ chiếm nhiều nhất, hơn 600 ngàn người, kể từ ngày 14 tháng 6. Thấy toàn màu đỏ. Buồn quá.
Dù sao, tin vui bên cạnh là hơn 2.60 tỷ người được chích ngừa cho đến nay. Vaccine là đáp án duy nhất để giúp ngăn chặn Covid-19 tiếp tục lây lan, giảm thiểu số người chết, và tạo ra tình trạng miễn dịch bầy đàn (herd or population immunity, mà cho đến nay thì Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng không rõ là đối với Covid-19 nó cần bao nhiêu phần trăm mới đủ). Đạt được miễn dịch bầy đàn thì cuộc sống bình thường như trước thời đại dịch có thể trở lại. Có lẽ bình thường một phần nào đó thôi. Đúng hơn là một bình thường mới (new normalcy). Bởi vì đại dịch đã thay đổi sâu sắc cung cách sống, làm việc, giao tiếp và hầu như mọi mặt đời sống của con người ở trên toàn cầu trong một năm rưỡi qua.
Úc là một trong các quốc gia quản lý dịch bệnh rất tốt cho đến nay. Có một thời gian dài tại Úc, Covid-19 đã hoàn toàn được loại trừ (elimination). Lúc ban đầu các lãnh đạo chính trị và y tế chỉ mong ngăn chặn đến mức tối thiểu (suppression), nhưng rồi họ không ngờ chiến lược loại trừ cũng có thể đạt được. Tuy nhiên, một số công dân Úc vẫn tiếp tục trở về lại nước từ nước ngoài, cũng như Úc mở cửa cho New Zealand, nên đây là nguồn làm tái gây nhiễm chính cho toàn quốc gia. Trong đó tiểu bang Victoria là bị nặng nhất. Nhiều lần đóng cửa (lockdown), và giới hạn (restriction), đã xảy ra tại Victoria trong hơn một năm qua. Câu hỏi đặt ra là vì cách quản lý tệ, hay vì xui xẻo, nên tình trạng bị đóng cửa lần thứ tư lại tái diễn tại Victoria vào cuối tháng 5 vừa qua?
Ngoại trừ Victoria, toàn nước Úc còn lại quản lý Covid-19 rất hiệu quả. Nhưng cũng vì thế mà nhu cầu chích ngừa không cao, một phần vì tự mãn hay lo sợ rủi ro của vaccine. Đầu năm 2021, chính quyền Úc đã chi 24 triệu đô la cho các quảng cáo trên truyền thông nhằm khuyến khích người dân đi chích ngừa. Nhưng vẫn không hiệu quả. Số người quan ngại tác hại của AstraZeneca vaccine còn rất cao, mà đều là những người ưu tiên được chích ngừa. Cho nên vẫn còn nhiều người chưa muốn chích. Tính đến nay, chính phủ Úc đã chi 40 triệu chỉ để quảng cáo về chích ngừa. Chính phủ chi tiền cho quảng cáo nhưng thông điệp khuyến khích chích ngừa vẫn bất nhất nên tốn tiền mà không hiệu quả. Nhưng đây cũng là điều dễ hiểu bởi vì chính phủ Úc quan tâm sâu sắc cho sự an toàn của người dân. Họ trông cậy vào quan điểm chuyên môn của các nhà lãnh đạo y tế. Chính phủ không thể ép buộc họ.
Hiện nay, vấn đề không phải là muốn hay không nữa, mà là không đủ vaccine để chích cho người từ 40 tuổi trở lên, khoan nói đến người dưới 40. Không ai quan ngại Pfizer/BioNTech vaccine, nhưng loại vaccine này thiếu trầm trọng so với nhu cầu tại Úc và toàn thế giới.
Từ tháng Hai đến nay Úc chỉ có 6.1 triệu liều vaccine được sử dụng (chỉ bằng 3 ngày tiêm chủng tại Mỹ), và chỉ có 3% dân số được chích ngừa hoàn toàn. Cho nến nay chính phủ Scott Morrison bị chỉ trích nặng nề về cách quản lý đại dịch, nhất là chiến lược chích ngừa cho toàn dân. Sáng nay, quyền Thủ hiến Victoria, James Merlino, phê bình cung cách quản lý vaccine của chính phủ liên bang. Merlino nói rằng “Khi bạn so sánh Australia đang đi như thế nào với phần còn lại của thế giới, chúng ta đang tụt lại phía sau quá xa, điều đó thật không đùa chút nào.”
Trường hợp tương tự là Thái Lan. Trong khoảng một thời gian dài, Thái Lan đã quản lý dịch bệnh khá hiệu quả. Từ đầu tháng 5 năm đến cuối năm 2020, số ca bị nhiễm không đáng kể. Các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh và giới trẻ Thái Lan đã không gây lây lan Covid-19. Nhưng đợt 2 kể từ giữa tháng Giêng năm 2021 và đợt 3 từ cuối tháng Tư năm 2021 đã làm cho chính quyền của Prayut Chan-o-Cha lúng túng đối phó. Hiện nay mỗi ngày vẫn tiếp tục có 3 ngàn ca mới. Chính phủ Thái muốn mở cửa Phuket, trung tâm du dịch nổi tiếng của Thái, vào đầu tháng Bảy này cho những ai muốn đến đây du lịch nhưng đã chích ngừa rồi. Họ không cần phải mất thời gian cách ly 14 ngày. Thật ra thì dự án này đã được nghĩ đến và nỗ lực thực hiện vào cuối năm 2020 nhưng không thành. Lý do chính yếu là vì chưa chích ngừa để đạt được tình trạng miễn dịch bầy đàn thì tình trạng tái dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó mà chính quyền Thái đang nỗ lực tiêm chủng cho người dân tại Phuket trong những tuần qua. Kỹ nghệ du lịch của Thái chiếm tổng cộng khoảng 20% tổng sản lượng quốc gia, và nền kinh tế của Thái bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Người dân Thái bất mãn tột cùng vì lệnh giới hạn/khẩn cấp kéo dài, và vì không có công ăn việc làm.
Thứ Tư 16 tháng 6, đứng trước sự chỉ trích ngày càng gia tăng, Thủ tướng Prayut lấy quyết định táo bạo, lấy mốc 120 ngày làm mục đích mà cả nước sẽ mở cửa hoàn toàn. Prayut tuyên bố: “Đã đến lúc chúng ta phải nhìn về phía trước và đặt ra một ngày chúng ta có thể mở cửa hoàn toàn đất nước của mình và bắt đầu tiếp nhận du khách bởi vì mở cửa trở lại là một trong những cách quan trọng để bắt đầu giảm bớt những đau khổ to lớn của những người mất khả năng kiếm thu nhập… Do đó, tôi đặt ra mục tiêu cho chúng ta là có thể tuyên bố Thái Lan mở cửa hoàn toàn trong vòng 120 ngày kể từ hôm nay và cho các trung tâm du lịch sẵn sàng làm như vậy nhanh hơn nữa.”
Liền sau đó một trang web có tên Đại Khai trương Thái Lan đã được ra mắt vào thứ Năm 17 tháng 6 để đếm ngược thời gian còn lại, từng giây, trước khi lời hứa của Prayuth được cho là thành hiện thực. Đây là sáng kiến của người dân Thái để bắt buộc chính quyền Prayut phải giữ lời hứa của mình, và đừng nói suôn nữa.
Quả thật đại dịch Covid-19 đã đưa vấn đề sức khỏe và an toàn vào trung tâm của chính trị quốc gia và quốc tế. Nhận diện sai tầm ảnh hưởng của nó và không có đối sách kịp thời, thì giá phải trả không chỉ chết người mà còn có khả năng chết chính quyền. Đối với các nền dân chủ cấp tiến, chính quyền nào không quản lý tốt Covid-19 thì sẽ phải chịu trách nhiệm với người dân. Covid-19 sẽ tác động ra sao lên các thể chế độc tài thì chắc cần thêm thời gian để nhận định. Dù gì thì mọi chính quyền đang nỗ lực để quản lý tình trạng Covid-19. Việt Nam cũng đang loay hoay trong đợt bùng phát lần thứ tư từ cuối tháng Tư năm 2021 đến nay. Phương Phạm biện luận trên The Diplomat rằng, hành động mà Việt Nam đã thực hiện cho đến nay đối với COVID-19 về cơ bản là mang tính chiến thuật, nhưng chỉ có một chiến lược với tầm nhìn toàn diện mới giúp Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp ứng phó trước các mối đe dọa sinh học một cách hiệu quả hơn.
Hiện nay, các quốc gia đang tìm đủ mọi cách để có được vaccine càng nhiều, càng sớm và càng tốt. Trong kỳ họp G7 vừa qua, Mỹ hứa hẹn cung cấp 500 triệu liều Pfizer-BioNTech vaccine cho các quốc gia nghèo hoặc thu nhập thấp đến trung bình vào tháng 6 năm 2022, mà không có ràng buộc nào. 6 nước còn lại hứa hẹn 500 triệu liều. Nhưng một tỷ liều vẫn chưa đủ. WHO cho rằng cần đến 11 tỷ liều vaccine để tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu, thì mới chấm dứt đại dịch Covid-19 này.
Cung cho vaccine Covid-19 thì hiện nay ít và chậm, cầu thì nhiều và khẩn cấp. Vaccine cho Covid-19 đang là một món hàng ngoại giao quý giá. Tuy vaccine của Trung Quốc không hiệu quả so với các vaccine hàng đầu hiện nay, như Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson hay Moderna, nhưng có thuốc chích ngừa lúc này đã là quý rồi.
Trung Quốc đang chạy đua ráo riết trên mặt trận này để tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong vùng, từ Singapore, Mã Lai, Nam Dương, Bangladesh, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào, và trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia tại châu Á, Âu, Nam Mỹ và Phi đều cho biết cần vaccine của Trung Quốc, ngoại trừ Úc. 9 quốc gia thành viên ASEAN (ngoại trừ Việt Nam) dự tính dùng vaccine của Trung Quốc. Hàng trăm đến triệu liều vaccine Sinovac và Sinopharm được tặng miễn phí cho nhiều quốc gia, rồi nếu hài lòng họ có thể mua thêm. Theo hai nhà bình luận Ivana Karásková và Veronika Blablová thì logic của ngoại giao vaccine cho thấy Trung Quốc tiếp cận vấn đề không chỉ từ góc độ kinh doanh mà còn tính đến các động cơ chính trị; họ sử dụng nó như một công cụ để củng cố các mối quan hệ đã thiết lập và tận dụng các cơ hội mới.
Người dân tại các quốc gia như Bangladesh, Thái Lan, Việt Nam v.v… rất lo ngại khi biết sẽ được chích ngừa bằng Sinovac hay Sinopharm. Với cầu nhiều hơn so với cung thì vaccine của Trung cũng sẽ được dùng thôi, dù là trong tình huống khẩn cấp. Đây là thời điểm mà Trung Quốc vận dụng tối đa để đẩy mạnh chính sách “ngoại giao vaccine”. Xinhua cho biết sáng nay vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã đến Thái Lan, vì nó đã được chính quyền Thái cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, sau bốn loại vaccine AstraZeneca, Sinovac, Johnson & Johnson and Moderna vaccines. Hôm 20 tháng 6, Bộ Y tế Việt Nam cùng với Bộ Ngoại giao đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero-Cell của hãng dược Trung Quốc Sinopharm tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, mặc dầu người dân Việt Nam tỏ vẻ không tin tưởng và không muốn dùng Sinopharm. Trung Quốc hiểu rằng khi các công ty chế tạo vaccine tại Mỹ, Anh và Đức có khả năng làm ra số lượng lớn và cung cấp hàng loạt thì Trung Quốc mất ưu thế. Mỹ và các nước thuộc khối G7 đã hứa tặng một tỷ liều vaccine cho các nước nghèo không ràng buộc trong vòng một năm tới, và sẽ tạo số lượng lớn để cung cấp cho thị trường đang mong đợi. Trung Quốc dù có muốn cạnh tranh với 7 nước này thì cũng không hề dễ, nhất là họ cũng phải lo đủ liều vaccine cho 1.4 tỷ dân của mình.
Đại đa số giới lãnh đạo quốc gia đều muốn các loại vaccine hiệu quả, và không quá đắt, để nhanh chóng đem lại sự bình thường mới trong cuộc sống. Đằng sau các mặt trận ngoại giao vaccine của Trung Quốc, nhiều quốc gia đã và đang vận động ráo riết các nước Mỹ, Anh, Đức v.v… để có được vaccine chế tạo tại các nước này. Cho nên để thắng thế vượt trội trong cuộc chạy đua này, G7 và những quốc gia khác, như Liên hiệp Âu châu, Úc, New Zealand v.v… cần phải chung sức để một mặt nỗ lực chấm dứt Covid-19 trên toàn cầu, mặt khác, loại trừ các ảnh hưởng ngoại giao tiêu cực của Trung Quốc.