Đường dẫn truy cập

Hơn 600,000 người


Ngày Thứ Hai, 14 tháng Sáu, 600,000 người Mỹ đã qua đời vì bệnh dịch Covid-19. Hình minh họa.
Ngày Thứ Hai, 14 tháng Sáu, 600,000 người Mỹ đã qua đời vì bệnh dịch Covid-19. Hình minh họa.

Ngày Thứ Hai, 14 tháng Sáu, 600,000 người Mỹ đã qua đời vì bệnh dịch Covid-19. Một nhà thờ ở thủ đô thỉnh một hồi chuông báo tử 600 tiếng, mỗi tiếng để tưởng niệm 1,000 nạn nhân. Con số 600,000 người chết lớn hơn số binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong tất cả các cuộc chiến tranh thế kỷ 20.

Những người lính ra trận đều là thanh niên, họ chấp nhận rằng mình có thể sẽ hy sinh vì nhiệm vụ. Còn 600,000 người thường dân tử nạn, từ tháng Hai năm 2020, trước đó chắc không ai nghĩ rằng sắp đến lượt mình chết. Chắc cũng không ai đoán được một nước Mỹ với nền y học tiến bộ bậc nhất thế giới, dân số bằng 4 phần trăm cả nhân loại, mà số người chết vì Covid-19 lớn bằng 15% tổng số tử vong toàn cầu.

Không nên coi đây chỉ là những con số thống kê. Những người đã chết là những bà mẹ, những ông bố, là con, là anh chị, em, bạn bè của người còn sống. Trong tháng Hai năm ngoái, một đồng nghiệp của tôi mất đứa con trai, đó là nạn nhân đầu tiên của Covid mà tôi biết. Sau đó, một người bạn khác mất cô em gái ngoài 70 tuổi. Cô Chi đã về hưu nhưng tình nguyện đến làm giúp một nhà dưỡng lão ở Seattle. Cô tiếp một người khách mang bệnh mà không biết. Cô mắc bệnh ngay, sau bốn ngày vào bệnh viện thì ngưng thở. Tháng sau, một người bạn báo tin hai vợ chồng người em ở Ohio đã qua đời, họ nghĩ bệnh Covid là một tin bịa đặt nên không đề phòng. Rồi tới chú Điểm, một đồng nghiệp, từ trần sau khi nằm bệnh viện hai tháng.

Những người đã chết đều có thật. Đáng lẽ họ vẫn sống với chúng ta nếu không bị loài vi khuẩn SARS-CoV-2 xâm nhập. Chúng ta biết những vi khuẩn vô hình đó tác hại kinh khủng, nếu tin lời các chuyên viên. Nhiều người không tin. Đó là lý do chính khiến nước Mỹ chết nhiều nhất thế giới.

Trong những tháng đầu tiên vẫn còn người nói rằng Covid-19 cũng giống như bệnh cảm cúm hàng năm, nó sẽ biến mất “như một phép lạ.” Phải gần bốn tháng số người chết mới lên tới 100,000. Bốn tháng nữa mới lên tới 200,000. Với tốc độ chậm chạp đó, người ta dễ coi thường bệnh dịch. Lại có người bảo rằng con số người chết lớn như thế chỉ vì đếm sai, đếm quá sự thực để đánh lừa dân Mỹ. Lúc đó bệnh dịch đã trở thành trừu tượng, như một đề tài cho các nhà chính trị khai thác. Người ta bỏ quên người chết! Ở các tiểu bang có lệnh cấm tụ họp đông, bắt cách ly 6 feet, bắt đeo mạng che miệng, dân chúng biểu tình. Họ đòi “giải phóng” khỏi ách độc tài đeo mạng. Có người tổ chức ám sát một bà thống đốc ra lệnh cấm gắt gao.

Sau con số 200 ngàn, những trăm ngàn người chết tiếp theo chỉ cần 84 ngày, 37 ngày rồi 35 ngày! Trong năm tháng mất 300,000 người. May mắn, trăm ngàn sau cùng, từ 500 lên 600, tốc độ đã giảm, cần đến bốn tháng. Theo Reuters.

Cũng trong ngày nước Mỹ đạt con số 600 ngàn, một tiểu bang (đầu tiên) đã chính thức bãi bỏ tất cả các lệnh cấm: Vermont, ở miền Đông Bắc. Nhật báo Wall Street Journal ngày Thứ Hai, 14 tháng Sáu cho biết dân Vermont lại ôm nhau “hắc” (hug); các trường đã cho học sinh đến dự lễ mãn khóa không cần đeo mạng; các bệnh viện đóng cửa Khu Covid; khách đến tiệm ăn, siêu thị ngừng không che mặt nữa. Một bà 69 tuổi, đi chợ, đã thổ lộ: Bỏ cái mặt nạ thấy như mình không mặc quần áo!

Tại sao Vermont lại dẫn đầu cả nước khi trở lại bình thường “như ngày xưa,” trước Covid?

Theo báo Wall Street Journal thì tiểu bang này ra lệnh cấm toàn diện và nghiêm khắc nhất. Tất cả mọi người đều phải đeo mạng. Lý do chính là dân ở đó, gần bảy trăm ngàn, tin rằng những gì cơ quan y tế nói thì phải tin. Họ nghe theo lời khuyên của giới chức y tế. Ông thống đốc Phil Scott, Cộng Hòa, được tín nhiệm với đa số cao nhất, hơn 49 vị thống đốc khác. Tiểu bang cũng chiếm tỷ lệ số người được chích ngừa cao nhất. Nhờ thế, nhiều người thuộc giới có học, kỹ năng nghề nghiệp cao, sẽ kéo đến ở, kinh tế sẽ phục hồi sớm hơn!

Có lần tôi lái xe đưa nhà báo Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập nhật báo Người Việt, đi Vermont thăm một người bạn, nhân ghé qua ngôi làng núi xanh đầy lá phong và cây bạch dương mà nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn chọn sống khi qua Mỹ tị nạn. Dân trong làng không bao giờ mách cho ai biết nhà văn Nga ở chỗ nào, lo mật vụ Xô Viết đến ám hại ông; như Stalin đã sai sát thủ tìm giết Trotsky ở Mexico nửa thế kỷ trước.

Dân Vermont đã bầu một phó thống đốc Cộng Hòa ba nhiệm kỳ liền, ba năm trước mới đưa lên làm thống đốc. Họ bầu một nghị sĩ Dân chủ từ năm 1974, tới giờ vẫn tín nhiệm, và ba lần liền bầu một nghị sĩ “xã hội chủ nghĩa” độc lập. Có lẽ dân tiểu bang này may mắn hết bệnh dịch sớm vì họ không chính trị hóa chuyện chữa bệnh, phòng bệnh. Đó cũng là thái độ của những người sống bình thường, đầu óc lành mạnh. Khi chúng ta đến bệnh viện, có ai hỏi bác sĩ theo đảng nào thì mình mới cho chữa hay không?

Những người bình thường, đầu óc lành mạnh thì ai cũng thấy chống vi khuẩn giống như đánh nhau với ma. Không biết nó ở đâu, không biết hành tung nó thế nào. Giới y khoa lúc đầu cũng không biết, họ phải dò dẫm tìm tòi. Họ khuyên không cần đeo mặt nạ sợ dân kéo nhau đi mua mặt nạ thì nhà thương sẽ thiếu. Và họ không nghĩ vi khuẩn có thể sống trong không khí (họ lầm). Sau đó, họ lại khuyên mọi người phải đeo mạng. Sở dĩ mình tin vào giới y khoa bởi vì họ theo phương pháp khoa học, với các thủ tục đã dùng thử trên trái đất mấy trăm năm nay. “Biết thì thưa thốt.” Không biết thì không thưa.

Những người suy nghĩ bình thường sẽ thấy rằng trước hai lựa chọn, hoặc đeo mạng, hoặc không đeo, thì đeo mạng tốt hơn. Đây là một cuộc đánh cá đơn giản. Nếu theo lời khuyên của bác sĩ mà bác sĩ lầm thì mình chịu một thiệt hại nhỏ, phải đeo mạng vướng vít. Nếu bác sĩ nói đúng thì mình thoát chết và cứu người khác thoát chết. Giữa hai đường đó thì nên chọn đường nào? Người đầu óc lành mạnh sẽ thấy thà mình chịu một thứ khó chịu nhỏ còn hơn chết và có thể làm người khác chết.

Những người suy nghĩ bình thường cũng thấy rằng nếu một người bị bệnh mà không che miệng thì có thể truyền vi khuẩn cho tất cả mọi người chung quanh. Ai may thì thoát, không may thì dính. Những vụ lây nhiễm Covid-19 lớn đầu tiên đều cho một vài người không đeo mạng truyền cho cả một đám đông. Theo Economist, tháng Giêng 2020, có 21 người ngồi trong một tiệm ăn ở Quảng Châu, một người mang vi khuẩn sars-cov-2 mà không biết. Hai tuần lễ sau, thêm 10 người vào bệnh viện vì Covid. Cùng thời gian đó, 68 người đi cùng chuyến xe buýt trong một giờ rưỡi, ở Ninh Phố, tỉnh Triết Giang. Xe đóng kín cửa, máy lạnh hút không khí trong xe rồi lại chuyển ngược vào. Có người mang vi khuẩn làm 23 người lây. Câu chuyện tương tự xảy ra ở một nhà thờ ở Skagit Valley, tiểu bang Washington nước Mỹ. Sau hai giờ rưỡi tập hát trong ban đồng ca, 53 trong số 61 ca bị lây Covid-19.

Nếu suy nghĩ bình thường thì chúng ta có thể đoán được trong những trường hợp như trên nếu có một người đã mắc bệnh thì thế nào loài vi khuẩn cũng nhân cơ hội tủa ra tìm các nạn nhân mới. Các biện pháp như đứng cách xa nhau, ai cũng đeo mạng che, là những cách đề phòng tối thiểu. Tại sao nhiều người lại không tin? Tại sao không hy sinh một chút, vì lòng thương đồng loại? Tại sao lại chống đối như thể đang chống phát xít, chống cộng sản?

Tất cả chỉ vì bệnh dịch đã bị đem dùng làm vũ khí chính trị. Thủ đoạn chính trị hóa đi tới cùng cực, đã biến thành “chiến tranh ý thức hệ.” Cho nên, cũng trong ngày Thứ Hai vừa qua, ABC News đưa tin, khi dân chúng Vermont bắt đầu bỏ mạng che miệng, thì có người đã chết oan ở Georgia. Một người thâu tiền ở Siêu thị Big Bear trong quận DeKalb yêu cầu một khách hàng đeo mạng lên. Anh ta nổi giận thấy “quyền tự do” của mình bị “xúc phạm,” đã rút ngay súng bắn chết nạn nhân. Tại sao một con người có thể rút súng bắn chết đồng loại vì một chuyện nhỏ nhặt như vậy? Vì họ đã bị “tuyên truyền,” đã được “tẩy não,” thấy mình vinh quang được đóng vai một chiến sĩ trong cuộc thánh chiến?

Sau khi số người chết vì Covid ở Mỹ đã vượt qua con số 600 ngàn, nhiều người vẫn còn chống việc chích ngừa. Một lần nữa, người ta lại nhân danh quyền tự do thân thể mình, không cho ai đem thí nghiệm. Đó cũng một cuộc thánh chiến khác. May mắn, một tòa án mới bác bỏ đơn kiện của 117 nhân viên Bệnh viện Methodist tại Houston, Texas. Họ đi kiện vì bị cho nghỉ việc khi từ chối chích ngừa. Họ dọa sẽ kiện lên tới Tối cao pháp viện! Theo NBC News.

Thực ra đi chích ngừa cũng không phải chỉ vì tự vệ bản thân. Một cuộc nghiên cứu ở Israel, nước chích ngừa nhiều nhất và sớm nhất, cho thấy ai chích ngừa cũng đang giúp trẻ em chung quanh mình. Israel chỉ mới chích ngừa cho những người trên 16 tuổi. Nhưng cuộc nghiên cứu cho thấy trong mỗi cộng đồng nếu số người trên 16 được chích tăng thêm một phần năm thì số trẻ em dưới 16 bị nhiễm Covid giảm đi một nửa. Theo New York Times.

Tôi viết những dòng này trong tiếng chuông tưởng niệm hơn 600 ngàn người đã khuất, xin hương hồn quý vị, chú Điểm, cô Chi, các bạn, các cháu, chứng giám cho.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG