Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có phần chắc vẫn duy trì các tuyên bố chủ quyền trước đây về Biển Đông, bất chấp việc Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận giá trị pháp lý của đường 9 đoạn mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền đối với hầu hết diện tích vùng biển giàu tài nguyên.
Các tuyên bố của Trung Quốc lâu nay luôn vấp phải sự phản đối của hai bên tranh chấp chính khác là Việt Nam và Philippines.
Nhà nghiên cứu Muhamad Arif tại Trung tâm Habibie, Indonesia, hôm 26/7 phát biểu tại một phiên thảo luận ở Jakarta rằng: “Các nước chỉ tuân thủ luật pháp quốc tế khi điều đó phục vụ lợi ích của họ”.
Ông Arif nói luật pháp quốc tế có sức mạnh hạn chế vì luật quốc tế không thể được cưỡng chế thực thi bởi bất cứ cơ quan nào có thẩm quyền vượt qua các đường biên quốc gia, và vì vậy không có vai trò độc lập trong việc quản trị hành vi của các nước. Ông nói thêm rằng các luật như vậy thiếu một cơ chế cưỡng hành hợp pháp được các bên cùng nhất trí.
Hôm 12/7, Tòa Trọng tài (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết về việc áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một bên ký kết. Trung Quốc khẳng định PCA không có thẩm quyền về vấn đề và đã tẩy chay thủ tục tố tụng.
Ông Rene Pattiradjawane, chủ tịch một quỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Hoa, nói Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều nên không thể dỡ bỏ các hòn đảo giả mà họ đã xây để củng cố cho các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển rộng lớn. Ông Rene cũng nhận định rằng cho dù có những căng thẳng cao độ ở vùng biển tranh chấp, Trung Quốc có phần chắc vẫn kiềm chế nhằm tránh xung đột. Ông cho rằng “Trung Quốc sợ dính líu vào một cuộc xung đột nếu xét đến tình trạng kinh tế hiện nay của nước này”.