Đường dẫn truy cập

Mỹ ủng hộ đối thoại trực tiếp Trung Quốc - Philippines


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, phải, chào đón Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip S. Goldberg, trái, và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại dinh tổng thống ở Manila, Philippines, 27/7/2016.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, phải, chào đón Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip S. Goldberg, trái, và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại dinh tổng thống ở Manila, Philippines, 27/7/2016.

Hoa Kỳ tỏ ý phấn khởi trước sự kiện Trung Quốc và Philippines sẵn lòng tham gia đối thoại trực tiếp về vấn đề Biển Đông sau phán quyết của tòa trọng tài chống lại Bắc Kinh hồi đầu tháng này.

Tại Manila hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry họp với các giới chức Philippines, trong đó có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye mà Trung Quốc nhất mực phản đối.

Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, ông Kerry nói Hoa Kỳ khuyến khích tất cả các bên, kể cả Trung Quốc và Philippines “đàm phán, giải quyết mọi việc thông qua đường lối ngoại giao, song phương, đa phương và xây dựng các biện pháp xây dựng lòng tin”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao của Hoa Kỳ nói Trung Quốc đã cho thấy thiện chí và sự sẵn sàng tham gia đàm phán song phương với Philippines vào thứ Ba, một ngày sau khi ông Kerry gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Trong khi một số người cho rằng có hiện tượng đi chệch ra khỏi lập trường của Hoa Kỳ, một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Washington chưa bao giờ phản đối các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Bắc Kinh và Manila và một cuộc đàm phán song phương luôn là một giải pháp.

Giới chức này nhấn mạnh rằng điều mà Hoa Kỳ phản đối là đề ra một cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên tranh chấp như một điều kiện tiên quyết.

Trung Quốc lâu nay vẫn nói sẽ chỉ giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh hải thông qua các cuộc đàm phán song phương, và bác bỏ tất cả những lời kêu gọi cho bất kỳ một giải pháp đa phương nào.

Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói với đài VOA rằng Washington “đã không loại trừ các hình thức đàm phán khác và nhấn mạnh rằng các cơ chế đa phương cũng nên được triển khai, nhất là khi các cuộc đàm phán song phương không đem lại kết quả”.

Một chuyên gia khác cho rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Bắc Kinh và Manila phản ánh thực tế rằng có nhiều vấn đề giữa hai quốc gia cần phải được giải quyết song phương.

Ông Peter Dutton của Trường đại học Chiến tranh của Hải quân Hoa Kỳ nói: “Chẳng hạn như một vấn đề là cách thức Trung Quốc, nước đang kiểm soát Bãi cạn Scarborough, trao quyền đánh bắt cá truyền thống cho Philippines ở trong và xung quanh bãi cạn, hiện đã được công nhận về mặt pháp lý”.

Ông Duterte sẽ chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia vào cuối ngày thứ Tư, khi cuộc họp giữa ông với ông Kerry và vụ kiện trọng tài về tranh chấp lãnh hải dự kiến sẽ nằm trong nghị trình.

Hôm thứ Ba, Tòa án Tối cao Philippines đã ủng hộ tính hợp hiến của cái gọi là Hiệp định Tăng cường về Hợp tác Quốc phòng (EDCA) cho phép quân đội Hoa Kỳ luân phiên đến các căn cứ của Philippines và các hình thức hợp tác quân sự tăng cường khác.

Trên đường tới dự cuộc họp với ông Kerry, ông Yasay cho biết “điều này thực sự giải quyết trở ngại pháp lý cuối cùng còn lại khi chúng ta nhận ra tiềm năng đóng góp của EDCA vào việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”. Ông nói thêm rằng Philippines đã sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.

Trong khi đó, ông Kerry nói với ông Yasay:

“Và ngay cả khi có những lúc căng thẳng và áp lực, như chúng ta đã thấy qua các vấn đề ở Biển Đông hay những vấn đề khác, tôi biết chúng tôi có thể trông cậy vào ông và ông biết ông có thể trông cậy vào chúng tôi”.

Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng trong một cuộc họp của ông Kerry với Tổng thống Philippines Duterte hôm thứ Tư, ông Kerry cam kết sự sẵn sàng của Mỹ tiếp tục cung cấp những sự hỗ trợ cho chính phủ Philippines giữa lúc nước này làm việc để giải quyết các hoạt động buôn ma tuý và chủ nghĩa cực đoan bạo động, và sẽ đào sâu và củng cố các quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Cuộc gặp gỡ và bữa ăn trưa còn là một cơ hội để ông Kerry chúc mừng ông Duterte đã thắng cử, điều mà ông Kerry nói cho thấy sức mạnh và sức sống của nền dân chủ Philippines.

Một giới chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington và Manila “đang hợp tác ráo riết không chỉ về các vấn đề khu vực và toàn cầu, mà còn trong những vấn đề rất thiết thực như thực thi công lực và xây dựng năng lực hàng hải, thực thi EDCA”.

Các cuộc họp của ông Kerry với các lãnh đạo của Philippines diễn ra sau các cuộc họp của ông tại Viêng Chăn, Lào, nơi các ngoại trưởng của khu vực tề tựu để tham dự Diễn đàn Khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Philippines sẽ là Chủ tịch ASEAN vào năm 2017 khi tổ chức của khu vực này chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập.

XS
SM
MD
LG