Tình hình Biển Đông trong năm qua tiềm ẩn nhiều bất ổn với các vụ va chạm ngày càng tăng giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh Bãi Cỏ Mây còn Việt Nam tăng tốc bồi đắp đảo trong khi Bộ Quy tắc Ứng xử vẫn tiến triển hết sức chậm chạp, các chuyên gia cho biết tại một hội thảo mới đây về Biển Đông.
Cụ thể, hải cảnh Trung Quốc đã liên tục quấy rối và ngăn cản tàu hải quân Philippines tiếp tế cho một con tàu mà phía Philippines cố tình để mắc cạn ở bãi Cỏ Mây để đánh dấu chủ quyền. Đỉnh điểm là vụ việc hôm 17/6 khi hải cảnh Trung Quốc nhảy lên tàu tiếp tế Philippines mang theo dao và búa khiến cho một quân nhân Philippines bị thương.
Về phần mình, chỉ trong hơn 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã bồi đắp một diện tích gần bằng với diện tích mà họ bồi đắp trong cả hai năm trước đó, đưa diện tích đảo mà Việt Nam bồi đắp trên Biển Đông lên gần bằng một nửa của Trung Quốc, theo số liệu mà Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) theo dõi được.
Đội tàu đông đảo
Ông Harrison Prétat, phó giám đốc AMTI, đã nêu bật hai diễn biến này trong phiên thảo luận về tình hình Biển Đông trong năm qua tại hội thảo thường niên về Biển Đông được CSIS tổ chức hôm 11/4 tại thủ đô Washington D.C., Mỹ.
Điểm lại hoạt động dày đặc của hải cảnh và dân quân Trung Quốc trong năm qua, ông lưu ý sự hiện diện này đã diễn ra kể từ năm 2018 khi Trung Quốc lần đầu triển khai các lực lượng này ra Biển Đông để khẳng định đòi hỏi chủ quyền cũng như ngăn cản hoạt động của các nước tranh chấp khác sau khi đã hoàn tất xây dựng các đảo nhân tạo.
Theo các hình ảnh vệ tinh mà AMTI có được thì tàu hải cảnh Trung Quốc gần như có mặt mỗi ngày tại 5 bãi đá lớn thuộc quần đảo Trường Sa là Scarborough, Cỏ Mây, Tư Chính, Luconia và Thị Tứ, theo lời chuyên gia này. Số lượng tàu dân quân được điều tới còn lớn hơn nhiều, với trung bình 250 tàu, đỉnh điểm lên tới 375 tàu, trên khắp 10 bãi đá trong khu vực.
“Con số này là bình thường trong vòng những năm qua, có tăng lên hay giảm xuống ở một số chỗ. Nhưng nó cho thấy Trung Quốc tiếp tục thực thi chiến lược khẳng định chủ quyền thông qua sự hiện diện của đội tàu của họ,” ông giải thích và chỉ ra tình hình đặc biệt căng thẳng xung quanh Bãi Cỏ Mây.
Theo lời ông thì căng thẳng ở mức độ như hiện nay là ‘chưa từng thấy’ vì quay trở lại năm 2021 trung bình chỉ có một tàu Trung Quốc, đôi khi không có chiếc nào, hiện diện ở Bãi Cỏ Mây khi Manila đưa tàu tiếp tế ra khu vực, và thường không xảy ra va chạm gì giữa hai bên. Nhưng kể từ cuối năm 2021 trở đi, căng thẳng đã gia tăng xung quanh bãi đá này, cho đến nửa sau của năm 2023, Bắc Kinh đã bố trí từ 30 cho đến 40 tàu để đối phó với tàu tiếp tế của Philippines, và các sự cố như va chạm hay hay phun vòi rồng vào tàu Philippines đã xảy ra thường xuyên.
“Rất nhiều vấn đề được đặt ra: Làm sao Manila có thể duy trì các sứ mạng tiếp tế cho Sierra Madre (tên con tàu Philippines để mắc cạn)? Và khi nào thì những sự cố như thế này được xem làm hành động tấn công Philippines để kích hoạt cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ theo Hiệp ước Phòng vệ Tương hỗ?” ông phân tích.
Về việc Hà Nội bồi đắp đảo, chuyên gia này cho rằng đây là diễn biến không thể bỏ qua vì nếu như trước đây số lượng tôn tạo của Việt Nam ‘chỉ là muối bỏ bể’ so với Trung Quốc nhưng hiện nay nó đã chiếm gần một nửa.
“Việt Nam sẽ sử dụng những hòn đảo mở rộng này vào mục đích gì? Liệu trong vòng 2 cho đến 3 năm tới khi chúng hoàn thành chúng ta sẽ thấy đông đảo cảnh sát biển hay dân quân Việt Nam được triển khai và sẽ có thêm nhiều cuộc tuần tra?” ông Harrison Prétat đặt vấn đề.
‘Cần xuống thang căng thẳng’
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Sơn, phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, biện hộ rằng Việt Nam làm như thế chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình trên Biển Đông chứ không nhằm đe dọa ai, và rằng do Việt Nam nắm giữ nhiều thực thể ở Trường Sa nên khối lượng bồi đắp đó chia nhỏ ra là ‘không lớn’.
“Tôi nghĩ Việt Nam không làm gì trái với những gì chúng tôi đã cam kết và chỉ làm những gì được luật pháp quốc tế hay các thỏa thuận khu vực cho phép,” ông Sơn nói.
Vị học giả đại diện Việt Nam này cho rằng vụ việc tại Bãi Cỏ Mây ‘một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng nguy cơ tất cả các bên bị kéo vào cuộc xung đột không mong muốn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là rất cao’.
“Tôi nghĩ vụ việc ở Bãi Cỏ Mây cũng cho chúng ta thấy rằng xuống thang là lợi ích của tất cả các bên,” ông Sơn nói, nhắc đến Trung Quốc, Philippines và Mỹ, và bày tỏ hy vọng Manila sẽ nhờ ASEAN đứng ra đóng vai trò trung tâm để giúp các bên xuống thang.
Ông kêu gọi các siêu cường Mỹ và Trung Quốc ‘làm nhiều hơn để củng cố thay vì làm xói mòn các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu’. Ông cảnh báo luật lệ quốc tế đang bị xói mòn nghiêm trọng ở các khu vực khác trên thế giới khiến cho hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông ‘có vẻ dường như ít nguy hiểm hơn’ mặc dù chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh về lâu dài ‘thật sự rất nguy hiểm’.
Phó giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng lưu ý rằng các hành động vùng xám của Bắc Kinh, chẳng hạn như dùng các tàu ngụy trang làm tàu cá, dùng tàu thăm dò, cáp ngầm dưới biển… để khẳng định chủ quyền, không được phơi bày đúng mức nên công chúng sẽ không nắm được điều gì đang diễn ra ở Biển Đông.
Kinh tế át chủ quyền?
Một trong những phương cách là giảm căng thẳng trên Biển Đông, theo quan sát của bà Lynn Kuok, nhà nghiên cứu thuộc Viện Brookings, là tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước tranh chấp với Trung Quốc.
“Quan hệ kinh tế mạnh mẽ nhìn chung giúp kiểm soát căng thẳng ngay cả khi nó không ngăn chặn hoàn toàn leo thang căng thẳng trên Biển Đông,” bà cho biết và dẫn chứng trường hợp của Indonesia và Malaysisa vốn có quan hệ đấu dịu với Bắc Kinh trrên Biển Đông,
Bà lưu ý rằng Tổng thống đắc cử Subianto Prabowo của Indonesia đã có chuyến công du đầu tiên đến Bắc Kinh sau khi đắc cử và ông đã thể hiện mong muốn có quan hệ kinh tế gắn kết hơn với Trung Quốc trong khi Malaysia vừa ký lại hiệp định kinh tế và thương mại 5 năm với Bắc Kinh đồng thời bày tỏ ý định gia nhập khối BRICS. Trái lại, Manila hồi cuối năm 2023 đã hủy bỏ một thỏa thuận cho Trung Quốc đầu tư xây dựng ba dự án đường sắt trong khuôn khổ Vành đai và Con đường.
“Với những yếu tố khác không đổi, chúng ta có thể trông chờ căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Manila,” bà nói nhưng cho rằng Manila sẽ không để căng thẳng với Bắc Kinh vượt khỏi tầm kiểm soát.
Bà Lynn Kuok lập luận rằng nếu Bắc Kinh muốn giành ưu thế trước Washington trong cuộc cạnh tranh chiến lược trong khu vực thì nước này ‘nên hành động nhanh chóng để giải quyết tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng để có thể tập trung đối phó với Mỹ’.
Về phần Mỹ, bà cho rằng việc Trung Quốc có thể chiếm lấy bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines và tự do xây dựng trên bãi cạn này mà Mỹ không có phản ứng gì đã ‘làm tổn hại uy tín của Mỹ trong mắt của đồng minh và đối tác trong khu vực cũng như trên thế giới’.
“Tôi nghĩ các chính quyền Mỹ hiện tại và tương lai cần truyền đạt rõ ràng và riêng tư với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ phản ứng nếu Trung Quốc xây cất trên bãi cạn có vị trí rất chiến lược này của Philippines,” bà nói.
COC ì ạch
Về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, tức COC, vốn đã được các nước ASEAN bàn thảo với Trung Quốc hơn 20 năm qua, bà Lynn Kuok bày tỏ bi quan rằng cho đến năm 2026 cũng sẽ không có bộ COC nào có ý nghĩa hay thậm chí sẽ không có COC nào luôn do bất đồng còn quá lớn giữa các bên, trong đó có sự phản đối của Việt Nam.
Bà nêu ra một số điểm tồn tại như phạm vi áp dụng COC, tức là nó áp dụng với toàn bộ Biển Đông hay chỉ với những khu vực mà Tòa Trọng tài cho là có tranh chấp; nó có tính ràng buộc về pháp lý hay không; những hành vi nào gây quan ngại cần phải hạn chế; và cơ chế giải quyết tranh chấp như thế nào – có mang tính ràng buộc trong khuôn khổ UNCLOS, tức Công ước Quốc tế về Luật Biển, hay là giải quyết bất đồng thông qua đàm phán song phương giữa Trung Quốc và các nước?
Bà Nong Hong, giám đốc điều hành và là nhà nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu Trung-Mỹ, nói rằng mặc dù Trung Quốc và cả 10 nước ASEAN đều có ý chí chính trị mạnh mẽ để hoàn thành một bộ COC nhưng ‘vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức’.
Bà Hong nêu lên một số vấn đề còn bất đồng như Việt Nam muốn phạm vi của COC áp dụng luôn cho cả quần đảo Hoàng Sa trong khi Trung Quốc không chịu vì cho rằng quần đảo này không có tranh chấp. Không những thế, có ý kiến đòi phải cho các nước khác như Mỹ, Úc tham gia vào quá trình đàm phán COC.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, khẳng định tại hội thảo rằng Hà Nội mong muốn có COC càng sớm càng tốt ‘nhưng không phải bằng bất cứ giá nào’.
‘Trừ phi COC thực chất, hiệu quả, hoàn toàn tuân theo luật pháp quốc tế và công nhận quyền của các nước có tranh chấp và các nước khác có sử dụng Biển Đông, nếu không thì chẳng thà không có,” ông nói.
“Mặc dù COC là cần thiết, nhưng nó không đủ để duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Chúng tôi tin rằng cần có thêm những dàn xếp khác bên cạnh COC để giải quyết sự tham gia ngày càng nhiều của các đối tác có quyền lợi hợp pháp khác trong khu vực,” ông nói thêm.