Một số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đang chuyền cho nhau xem câu chuyện gây xôn xao dao dư luận Nam Hàn hồi tuần trước [1]...
Theo đó, hôm 20/11/2023, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đã để lại cửa hiệu tại Gangnam (Seoul) của công ty điều hành chuỗi nhà sách tên là Kyobo (Kyobo Bookstore) một phong bì dán kín. Nhân viên của cửa hiệu đã giữ phong bì đó cho đến ngày 20 tháng 3 vừa qua mới mở nó ra với hi vọng có thể liên lạc với người bỏ quên phong bì ...
Họ tìm thấy trong phong bì 20 tờ bạc loại 50.000 won (tổng cộng một triệu won - khoảng 740 Mỹ kim) và một lá thư viết tay. Đại ý: Tôi từng phạm nhiều lỗi lầm không thể sửa chữa, bao gồm cả việc liên tục trộm sách và học cụ trong chuỗi cửa hiệu của quý vị. Đã có lần tôi bị bắt và cha tôi phải bồi hoàn. Giờ tôi đã có hai đứa con. Nhìn lại quá khứ tôi nhận ra tôi đã có những lỗi lầm không thể đền trả. Hôm nay mùi thơm của sách mới khiến tôi nôn nao khi nhận ra tôi có thể hoàn lại những cuốn sách và học cụ mà tôi từng trộm cắp... Tác giả lá thư và chủ số tiền một triệu won nói thêm: Tôi muốn kể với gia đình của tôi về những lỗi lầm của tôi và tôi sẽ cảm thấy hổ thẹn hơn nếu như họ hỏi tôi rằng tôi đã làm gì để sửa chữa. Do vậy, dẫu là quá trễ nhưng tôi thật sự cảm kích nếu quý vị rộng lượng nhận lại khoản tiền này. Tôi mang ơn quý vị bao nhiêu thì sẽ giúp đỡ, cho đi và tha thứ bấy nhiêu. Sau đó, lá thư và tiền trong phong bì đã được chuyển đến cho những người điều hành Kyobo Bookstore...
Nhận định về sự kiện hi hữu này, Ahn Byung-hyun và Kim Sang-hoon - hai giám đốc điều hành của Kyobo Bookstore – cho rằng: Không dễ để thừa nhận lỗi lầm trong quá khứ và khó hơn khi là chủ một gia đình trong độ tuổi 30 vừa thừa nhận lỗi lầm, vừa tự nguyện bồi hoàn một khoản tiền lớn. Cả Ahn lẫn Kim cùng nhắc đến Shin Yong-ho, người sáng lập Kyobo Bookstore, hồi xưa từng là thượng cấp của họ: Câu chuyện khiến chúng tôi nhớ tới những gì cựu Chủ tịch Shin dặn dò. Không bao giờ được làm nhục bất kỳ ai trộm sách và xử lý những người trộm sách một cách kín đáo, đừng như cách thiên hạ vẫn làm với trộm đạo! Đến giờ Kyobo Bookstore vẫn yêu cầu nhân viên tuân thủ các yêu cầu mà Shin Yong-ho đề ra từ lúc khởi nghiệp: Hãy tử tế với tất cả khách hàng, lễ độ cả với học sinh tiểu học. Không tỏ thái độ hay có bất kỳ cử chỉ nào bất kính với những người không mua sách. Để khách thoải mái với sách, kể cả khi họ ngồi chép nội dung vào vở. Chỉ dùng lời lẽ ôn nhu, tốt lành để ‘trói” những người trộm sách...
Kyobo Bookstore đã góp thêm một triệu won vào khoản “chậm trả” và chuyển hai triệu won cho một tổ chức từ thiện, chuyên hỗ trợ trẻ con nghèo ở Nam Hàn [2].
***
Chuyện thủ phạm tự nguyện hoàn lại khoản tiền tương đương với số sách và học cụ ông ta đã từng trộm tại các cửa hiệu của Kyobo Bookstore ở Nam Hàn xảy ra cùng lúc với chuyện công an Việt Nam tiến hành khám xét tư gia, thực thi lệnh bắt hàng loạt viên chức là lãnh đạo một số địa phương ở Việt Nam.
Giống như hàng loạt vụ khám xét tư gia, bắt giữ viên chức đã từng xảy ra trước đây, dân chúng Việt Nam thêm một lần được mục kích sinh hoạt xa hoa của “công bộc”. Ngoài bất bình, khinh bỉ, không có bất kỳ ai ngạc nhiên tại sao “công bộc” lại có thể tạo lập những tư dinh nguy nga, bề thế đến như vậy ở Vĩnh Phú [3], ở Quảng Ngãi [4],...
Ai cũng biết “nhà cao, cửa rộng” là do “công bộc” trộm cắp, thậm chí cướp giật công quỹ, công sản nhưng không những không xấu hổ, các “công bộc” còn thi nhau khoe khả năng trộm cắp, cướp giật của mình và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam xem việc phô bày khả năng này là... bình thường!
Cuối thập niên 2010, từng có một số người tin các tuyên bố về “phòng, chống tham nhũng” của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam là thật tâm và những vụ khám xét tư gia, bắt giữ, xử lý “tham quan, ô lại” là thực hành tôn chỉ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Một trong những người đó là ông Thái Văn Đường, làm việc tại Trung tâm Quỹ đất của huyện Đông Anh, Hà Nội. Với niềm tin và sự hào hứng ấy, ông Đường trở thành một trong những người khởi tạo trang facebook “Lều của đầy tớ” – vừa giới thiệu, vừa kêu gọi mọi người tham gia giới thiệu tư dinh của các “công bộc”. Đó cũng là lý do ông Đường bị xếp vào loại “bất mãn, cơ hội chính trị” [5] và bị truy bức tới mức phải trốn sang Thái Lan, trở thành một nhân vật đối kháng về chính trị, bị bắt cóc hồi tháng 4 năm ngoái và đến cuối năm ngoái, công an Việt Nam mới chính thức thừa nhận đang tạm giam ông để điều tra vì “tuyên truyền chống nhà nước”.
Chú thích
[2] https://www.mk.co.kr/en/society/10969221
[3] https://vietnamnet.vn/kham-xet-nha-rieng-pho-bi-thu-tinh-uy-vinh-phuc-pham-hoang-anh-2264341.html
[5] https://canhco.net/duong-van-thai-ve-viet-nam-de-lam-gi-p620752.html