Tính tới thời điểm này, đại dịch Covid đã quay trở lại Việt Nam được gần một tháng, số ca dương tính được ghi nhận trong một số ngày đã chạm mức kỷ lục. Các tỉnh phía Bắc bao gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương hiện đang là những điểm nóng. Có thể thấy chính sách đóng cửa biên giới, cách ly người nhập cảnh và truy dấu tiếp xúc của Việt Nam trong suốt hơn 1 năm qua dù phát huy hiệu quả nhưng chỉ là biện pháp tình thế. Không có vaccine thì dịch bệnh sẽ còn âm ỉ và bùng lên bất cứ lúc nào.
Bắc Giang thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/5 trong khi Bắc Ninh đang xin thêm máy trợ thở và tính tới phương án cách ly F1 tại nhà khi các cơ sở cách ly tập trung không đáp ứng nổi mức cầu.
Hà Nội yêu cầu ngừng kinh doanh vỉa hè từ đầu tháng 5, đóng cửa các quán Karaoke, bia hơi để tránh tụ tập đông người… Theo một số người dân thì tình hình dịch bệnh lần này khá căng thẳng và gây nhiều lo lắng hơn những đợt bùng phát trước đây do số ca dương tính được ghi nhận nhiều. Trong nhiều trường hợp lại không tìm ra F0. Việc Hà Nội có chủ trương mới trong phòng tránh dịch lần này nhận được sự đồng thuận của nhiều người.
Chi Nguyễn Thu Hiền, một cư dân ở quận Thanh Xuân, cho VOA biết: “Lần này thành phố quan điểm là dịch ở đâu, khoanh vùng và cách ly ở đấy chứ không giãn cách toàn thành phố như lần trước. Theo tôi là điều này là rất hợp lý. Bởi cứ giãn cách, đóng cửa hoàn toàn thì dân đói, lấy gì mà sống. Hiện tại thì chỉ đóng quán vỉa hè thôi, chứ quán xá trong nhà, cà phê trên tầng vẫn ngồi thoải mái…”
Chị Hiền nói dù không giãn cách toàn thành phố nhưng do tâm lý lo ngại và tình trạng không tìm thấy F0, các ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện là tương đối cao nên cũng chẳng mấy ai muốn ra đường. Đường phố vắng tanh vắng ngắt. Những phố trung tâm như Hàng Đào, Hàng Gai giờ tối om, chỉ khoảng 7 – 8h tối là không một bóng người như giữa đêm vậy. Cảnh tượng thật ảm đạm, buồn chán, chị cho biết thêm.
Theo nhiều người, sở dĩ Hà Nội chưa thực hiện giãn cách toàn thành phố là vì còn vướng vào những nhiệm vụ khác, chứ không đơn thuần là muốn người dân được tiếp tục làm ăn, buôn bán.
Anh Đỗ Thành Trung một đảng viên hiện đang phụ trách công tác bầu cử tại một phường trên địa bàn quận Long Biên cho biết : “Thực tế thì Hà Nội đang vướng vào công tác bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nên muốn làm cho xong thôi. Khi nào làm xong thì tôi nghĩ cũng sẽ tiến hành giãn cách xã hội vì bây giờ các ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều như thế. Không làm thì cũng rất nguy hiểm.”
Anh Trung nói nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng chỉ là một nỗi lo nhỏ trong số rất nhiều nỗi lo của gia đình anh vào thời điểm này. Gia đình anh có 3 con nhỏ. Từ ngày dịch bùng phát trở lại, các cháu phải ở nhà khiến cho nhà cửa không lúc nào yên ổn. Hai vợ chồng làm việc trong lĩnh vực dịch vụ hàng không nên đã tạm nghỉ việc và đã nhận lương 50%, rồi không có lương trong vài tháng trở lại đây. Khả năng giúp đỡ của gia đình nội ngoại cũng có hạn. Dịch tiếp tục kéo dài thế này, anh nói, gia đình anh thật sự không biết bấu víu vào đâu.
“Cách đây hơn một tháng, tình hình có vẻ yên yên, Vietnam Airlines dự kiến xin mở lại một số đường bay tới những quốc gia an toàn. Tôi đã mừng vì nghĩ là có cơ hội quay lại làm việc rồi. Nhưng không ngờ giờ dịch lại bùng lên như thế này, thế là lại phải ở nhà. Bây giờ cũng không biết xoay sở ra sao nữa,” anh Trung ca thán.
Các chủ cơ sở kinh doanh như khách sạn, nhà hàng là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề trong cơn đại dịch kéo dài hơn năm qua. Nhiều người phải tạm đóng cửa nhà hàng, khách sạn, cho nhân viên nghỉ việc để giảm lỗ. Còn những cơ sở đi thuê mướn mặt bằng kinh doanh thì phải gắng gượng hoạt động cầm chừng để trang trải tiền thuê. Giờ cơn đại dịch lại bùng lên một lần nữa khiến cho những hy vọng về việc có lại nguồn thu trở nên rất mong manh.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, một chủ nhà hàng tại Hà Nội, cho biết: “Suốt cả năm vừa rồi, cơ sở của mình gắng gượng kinh doanh, không cho nhân viên nghỉ việc, nhưng nói chung là gắng gượng để cùng gánh vác khó khăn với tất cả nhân viên thôi. Chứ năm vừa rồi mình cũng lỗ vài tỉ. Tiền bán hàng đâu có đủ để trả chi phí thuê mặt bằng chứ đừng nói đến tiền lương nhân viên và các chi phí khác.”
Anh Hiếu cho biết nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì anh cũng không còn khả năng duy trì mà phải đóng cửa toàn bộ các nhà hàng của mình. Hiện anh cũng đã tính tới phương án khác vì anh dự đoán Việt Nam chưa thể sớm thoát dịch chừng nào người dân chưa được tiếp cận với vaccine.