Simone Orendain, Thuso Khumalo-VOA
Ở Philippines, những ông chồng có vợ làm việc ở nước ngoài đang học cách vượt qua cảnh nuôi con đơn thân nhờ vào một khóa học cho cha mẹ được thiết kế dành riêng cho họ.
Your browser doesn’t support HTML5
Tại một phòng họp ở Mabalacat, Pampanga, nằm về phía bắc thành phố Manila, có khoảng năm, sáu ông bố đang học một số mẹo trong vấn đề tài chính và lập ngân sách cho cá nhân.
Anh Alvin Balenton là một người tham gia hăng hái và luôn giơ tay phát biểu đầu tiên. Anh nằm trong một chương trình thử nghiệm nhằm hỗ trợ những ông bố tự mình nuôi con trong khi vợ đi làm ở nước ngoài.
Anh nói rằng anh thực sự rất thích việc có nhiều người cho anh lời khuyên. Anh Balenton nói rằng mọi người trong chương trình này thân thiết như người trong gia đình vây. Anh nói thêm rằng với việc vợ mình đang ở một nước khác và đôi khi anh nghĩ về cô ấy, chương trình này giúp anh vượt qua những lúc mệt mỏi đó.
Ông bố 37 tuổi Balenton nói rằng anh rất cảm kích những sự hỗ trợ về mặt tinh thần mà anh nhận được trong khi tham gia khóa học được gọi là AMMA, có nghĩa là ‘ông bố nuôi con giỏi.’ Anh đang cố gắng nuôi năm người con trong độ tuổi từ sáu tới 17 với một công việc bán thời gian, trong khi vợ anh đang làm người giúp việc ở Macau.
Có gần 10 triệu người Philippines sống ở nước ngoài và một nửa trong số này là những công nhân hợp đồng mong muốn kiếm việc có mức lương cao hơn trong nước. Có nhiều phụ nữ Philippines làm việc ở nước ngoài hơn đàn ông và phần lớn trong số họ làm người giúp việc trong các gia đình.
Ông Emigdio Tanjuatco là người đứng đầu sân bay quốc tế Clark, đơn vị cung cấp quỹ cho chương trình AMMA. Ông nói rằng sân bay này là địa điểm chính nơi các công nhân hợp đồng Philippines bay sang nước ngoài làm việc.
“Thực tế phần lớn những công nhân hợp đồng làm việc ở nước ngoài là phụ nữ đã để lại cho các gia đình một khoảng trống. Do đó giờ đây chúng ta cần phải dành một vị trí đặc biệt cho các ông bố.”
Bà Tessibeth Cordova, một nhà tâm lý làm việc tại sân bay Clark, là một trong những người sáng lập chương trình AMMA.
Bà nói rằng một ông bố bình thường trong chương trình này thức dậy vào 5 giờ sáng, chuẩn bị bữa sáng cho các con, đưa chúng tới trường, quay về nhà để chuẩn bị thực đơn bữa trưa, rồi làm việc nhà, và lịch của họ cứ tiếp tục như thế cho tới tối muộn.
“Những ông bố không coi đó là làm việc khi mà thực tế thì họ thực sự đang làm rất rất nhiều. Nhưng điều đó lại không được coi là một công việc và lối suy nghĩ này ảnh hưởng cách họ nhìn nhận bản thân và cách họ tiếp xúc với con cái.”
Vợ của anh Rodrigo Wage bắt đầu công việc điều dưỡng ở Canada sáu năm trước đây sau khi công việc làm biển quảng cáo thủ công trở nên lỗi thời với sự phát triển của đồ họa máy tính. Anh cũng là một người tham gia chương trình AMMA.
Anh nói rằng khi anh có cửa hàng in chữ ở nhà, cứ mỗi khi thức dậy anh sẽ quét nhà ngay lập tức và chuyện đó không có gì cả, anh có thể đảm đương được chuyện đó. Anh hiểu là giờ đây anh cần phải chăm sóc ba đứa con gái của mình nhưng anh cũng phải học cách điều chỉnh khá nhiều. Bây giờ, anh nói rằng, công việc của anh là giặt quần áo.
Anh Wage cho biết anh biết những ông bố khác trong hoàn cảnh tương tự đang phải đối phó với chứng trầm cảm. Nhưng anh nói cách tốt nhất vượt qua được chuyện này là tìm một thú tiêu khiển nào đó ví dụ như bật nhạc khi hoàn thành xong việc nhà.
Anh Wage nói nếu lũ trẻ làm anh nổi cáu, anh tìm cách quên chuyện đó. Anh sẽ vào phòng và chơi guitar.
Bà Cordova nói rằng chương trình AMMA đánh giá tâm trạng của các ông bố và cũng làm một bản đánh giá tương tự đối với lũ trẻ vào lúc bắt đầu chương trình. Ngoài sự hỗ trợ về tâm lý, các ông bố cũng học các mẹo trong việc dạy dỗ con cái bao gồm kỷ luật chúng và dạy chúng cư xử lễ độ.
Những người sáng lập chương trình AMMA đang tìm cách bàn giao chương trình sang cho chính các ông bố để họ tự quản lý một khi họ đã trở nên hoàn toàn độc lập.
Trong khi đó tại châu Phi, một khu vực được dự báo sẽ đón nhận một sự tăng vọt số trẻ em ra đời trong vòng 35 năm tới, mọi sự chú ý đang được dồn vào việc nền văn hóa gia trưởng ở đây sẽ có tác động như thế nào đối với các gia đình.
Trong nhiều thế kỷ, hệ thống xã hội gia trưởng ở châu Phi từ văn hóa, các phong tục tập quán, cho tới cả luật pháp đều cho phép đàn ông thống trị phụ nữ. Nhưng với việc ngày càng có thêm nhiều phụ nữ đi làm, do không còn sự lựa chọn hoặc như một điều tất yếu, và việc phụ nữ chiếm lĩnh thêm nhiều vai trò truyền thống vốn dĩ của đàn ông, ông Trevor Davies, Giám đốc Sáng kiến Làm cha châu Phi, lý luận rằng đàn ông cần phải xem lại vai trò của họ trong gia đình. Ông nói rằng sự thống trị mà đàn ông nghiễm nhiên có đã khiến những ông bố sao nhãng nhiệm vụ nuôi con cùng với vợ của mình. Ông nói các ông bố nên tham gia nhiều hơn vào việc nuôi con từ việc cho ăn, tắm, thay tã cho con và thể hiện sự trìu mến nhiều hơn. Ông nói thêm rằng nuôi nấng con không làm người đàn ông mềm yếu đi mà thay vào đó lại cống hiến cho xã hội tốt hơn.
Anh Justin Kwena là một ông bố 34 tuổi. Anh nói anh muốn chứng minh cho con gái của anh rằng xây dựng tổ ấm là một trách nhiệm chung. Gia đình nên là tấm gương phản chiếu một xã hội nơi đàn ông và phụ nữ là bình đẳng.
"Nếu vợ của anh mệt, hãy giúp cô ấy một tay. Cô ấy giúp anh việc nhà chứ không phải nô lệ của anh. Những đứa trẻ nên biết rằng cha của chúng không phải chỉ là một người chỉ biết ngồi trên ghế sofa và xem TV mà còn có thể tắm cho chúng, chơi với chúng, trò chuyện với chúng, giúp chúng làm bài về nhà.”
Ông Davies nói rằng mỗi người cha có một vai trò quan trọng trong việc định hình cuộc sống con cái sau này. Ông cũng nhấn mạnh rằng đây là cách hiệu quả nhất để khái niệm nuôi con là của phụ nữ lùi vào dĩ vãng bằng cách nuôi lớn một thế hệ những người cha tương lai mạnh mẽ và đầy tình yêu thương.